Lấy cảm hứng từ thân phận nàng Kiều trong kiệt tác Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du, đạo diễn trẻ Đỗ Thành An đã phóng tác tạo nên một “Kiều @” thể hiện nỗi đau của người phụ nữ thời 4.0. Phim là một tác phẩm đương đại khi pha trộn nhiều thủ pháp của điện ảnh và cả sân khấu, với câu chuyện giàu kịch tính bằng kỹ thuật hiện đại một cú máy (one-shot).
Đoàn làm phim ra mắt khán giả tối 28.2 tại Nhà hát Lớn (Hà Nội). (Ngoài cùng bên trái là đạo diễn Đỗ Thành, diễn viên Phan Thị Mơ, PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú). Ảnh: V.V
Thông điệp của sự hy sinh
Tối 28.2, “Kiều @” đã có buổi ra mắt trang trọng tại Nhà hát Lớn (Hà Nội), với điểm đặc biệt là phim một cú máy (one-shot). Trên thế giới có 2 dạng one-shot, thứ nhất là quay với một cú máy, thời gian quay bằng thời gian sẽ chiếu thật trên màn ảnh và thứ hai, phim được quay với cú máy tiếp diễn - continuous shot để tạo thành phim một cú máy khi hoàn thành hậu kỳ. “Kiều @” được quay với cú máy tiếp diễn continuous shot và theo thống kê của trang web Ranker, đây là bộ phim một cú máy (one shot) thứ 31 trên thế giới có thời lượng từ 90 phút trở lên.
Việc phim được quay bằng một cú máy không phải là kiểu chơi nổi của đạo diễn Đỗ Thành An mà nó là cách hiệu quả để thể hiện câu chuyện, cuộc phiêu lưu của linh hồn.
Ai đã đọc truyện Kiều có thể thấy bóng dáng của Thúy Kiều qua nhân vật Hương do diễn viên Phan Mơ thủ vai, Thúy Vân qua vai Phấn - Cao Thúy Hà đóng, riêng Mã Giám Sinh, Sở Khanh được gộp “2 trong 1” qua thày dạy chơi Piano tên Định do Trần Trung đóng. Và đây đó Kim Trọng phảng phất trong nhân vật bác sĩ Tùng qua thể hiện của Mạnh Lân… Đạo diễn Đỗ Thành An chia sẻ: Phim thừa hưởng từ Truyện Kiều thông điệp về nỗi đau của người phụ nữ và con người nói chung. Ở thời đại nào, nỗi đau đó đều giống nhau ở nhiều khía cạnh, nhất là các biến cố tâm lý. Thông điệp chính của phim là hướng đến sự hy sinh, cảm thông trong gia đình, để làm sao không một người nào trong gia đình phải chịu nỗi đau riêng.
Vốn liếng của An và câu chuyện sáng tạo
“Kiều @” mời PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú làm Giám đốc nghệ thuật của phim; quy tụ dàn diễn viên trẻ, đẹp và kết hợp với một số gương mặt gạo cội khác như NSƯT Công Ninh (vai cha Hương).
Trong bộ phim truyện điện ảnh thứ ba (trước đó là “Mất xác” và “Mặt nạ máu”, cùng nhiều phim truyền hình, tài liệu đã làm, đoạt một giải Cánh diều bạc của Hội điện ảnh Việt Nam), Đỗ Thành An như tung hết vốn liếng của mình ra. Có thể thấy vị đạo diễn U40 xứ An Giang này không bị ràng buộc bởi các thủ pháp, phương tiện mà tất cả chỉ phục vụ cho hiệu quả sáng tạo. Bởi thế “Kiều @” có kiểu dựng phim riêng, có những góc máy riêng chú tâm vào góc nhìn và lôi kéo sự chú ý của khán giả, có sự kết hợp của sự ước lệ trong ngôn ngữ sân khấu (An từng là diễn viên kịch nói) và thủ pháp điện ảnh.
Phần âm nhạc phim Việt xưa nay vốn bị coi là nhạt nhòa, lần này có tiếng nói riêng biểu đạt như một nhân vật trong phim. Nhạc sĩ Đức Trí, một cái tên khá nổi trong âm nhạc Việt đã kết hợp các loại nhạc cụ dân tộc khá nhuyễn và ca khúc trong phim, riêng ca từ của ca khúc phải lẩy từ câu từ của chính tác phẩm truyện Kiều… tạo nên môi trường cộng hưởng cho các nhân vật trong phim và hơn thể diễn tả tâm trạng, nỗi đau của nhân vật.
Phần thiết kế mỹ thuật phim và phác họa hệ thống bản vẽ diễn giải các phân cảnh (story board) để phục vụ cho bộ phim một cú máy cũng là thách thức lớn mà họa sĩ Đỗ Lệnh Hùng Tú đã vượt qua. Sự cầu kỳ, dụng công của Đỗ Thành An rất đáng được ghi nhận. Và cảm giác An phần nào bị ảnh hưởng bởi 2 đạo diễn nổi tiếng thế giới Queen Tarantino (Mỹ) và nhất là Kim Ki Duk (Hàn Quốc) khi xem cảnh Phấn hát múa mừng sinh nhật Định đầy cuốn hút về hình ảnh và âm thanh.
“Kiều @” có rất nhiều cảnh nóng, tạo được cảm xúc, sự ám ảnh mà không bị phô. Dù rằng nếu như tiết chế bớt một số cảnh lặp lại như liếm mật trên người thì sẽ hay hơn. “Chơi sang” hơn các phim Việt khác, “Kiều @” còn được viết và in sách theo phim để thể hiện rõ hành trình sáng tạo của phim chứ không chỉ là hình ảnh của phim.
“Kiều @” được hình thành ý tưởng và thực hiện gần 3 năm trời ròng rã. Vào đúng kỷ niệm 200 năm ngày mất của Đại thi hào Nguyễn Du, năm 2020 phim được bấm máy, với tinh thần “Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như” (Không biết hơn 300 năm sau, thiên hạ ai người khóc Tố Như) để tưởng nhớ ông với nỗi đau nhân thế, nỗi đau cho thân phận con người.
Theo Việt Văn/ Lao Động
https://laodong.vn/van-hoa-giai-tri/kieu--va-noi-dau-cua-nguoi-phu-nu-thoi-40-884750.ldo