Việt Nam sẽ đề nghị cập nhật và bổ sung hồ sơ di sản UNESCO của nghi lễ và trò chơi kéo co sau khi nhìn nhận thêm một số cộng đồng mới thực hành hoạt động này.
Kéo song, một hình thức nghi lễ kéo co, ở Hương Canh (Vĩnh Phúc) NGUYỄN Á
Nối tiếp câu chuyện nữ tướng
Ông Dương Văn Lương, trưởng thôn Hòa Loan (xã Lũng Hòa, H.Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc), đã rất vui khi dự hội thảo về nghi lễ kéo co vừa qua tại Hà Nội. Tại đó, nhiều cộng đồng đã giới thiệu về nghi lễ kéo co của địa phương mình. Nghi lễ kéo co của làng ông Lương liên quan đến câu chuyện về nữ tướng Lê Thị Ngọc Trinh thời Hai Bà Trưng đuổi giặc. “Truyền thống đó lâu đời rồi. Sau tới chiến tranh chống Mỹ cứu nước thì gián đoạn một thời gian. Năm 1992 trở về đây, chúng tôi lại nối lại truyền thống đó. Cứ tết lại tôn vinh, sáng tế thần, chiều vui hội kéo co”, ông Lương cho hay.
Cộng đồng ở thôn Hòa Loan được nhìn nhận là thành viên mới trong cộng đồng thực hành nghi lễ kéo co ở Việt Nam và trước đây chưa được ghi tên trong hồ sơ di sản phi vật thể của UNESCO. Một cộng đồng khác ở thôn Ngải Khê, Phú Xuyên (Hà Nội) cũng vậy. Lý do là họ được phát hiện qua nhiều đường khác nhau sau khi Việt Nam đã gửi hồ sơ cho UNESCO. “Họ tự tìm đến và cho chúng tôi biết là họ cũng có kéo co nên muốn tham gia vào cộng đồng kéo co lớn”, TS Lê Thị Minh Lý, Phó chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, nói.
Như vậy là sau 5 năm nghi lễ kéo co được UNESCO ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể đại diện, có thêm 2 cộng đồng thực hành nghi lễ và trò chơi kéo co đã kết nối được với cộng đồng kéo co lớn của Việt Nam. Nhìn chung, kéo co thường diễn ra vào đầu năm mới và gắn với các lễ hội và nghi lễ cộng đồng. Điều này càng cho thấy kéo co không đơn thuần là trò chơi hay môn thể thao mà còn mang ý nghĩa tâm linh trong đời sống của các cộng đồng, dù tại mỗi nơi có thể mang nguồn gốc và câu chuyện có phần khác nhau.
Chẳng hạn, câu chuyện về nữ tướng Lê Thị Ngọc Trinh. Trong lúc đánh giặc, bà bị gãy vũ khí nên lấy dải yếm gói đá cuội vào trong rồi ngồi trên lưng ngựa ném thẳng vào quân địch. Trong giờ phút gay cấn hai bên giằng co quyết liệt, dải yếm văng ra xa bay về phía thôn Hòa Loan, còn hòn đá rơi về phía thôn Lũng Ngoại. Theo sự tích đó, thôn Lũng Ngoại sẽ tổ chức trò hú đáo, còn thôn Hòa Loan thì tổ chức kéo co. Chính vì thế, mỗi cộng đồng mới tìm thấy lại tăng thêm sự đa dạng văn hóa cho di sản. Ta có thể thấy nghi lễ kéo co của H.Bình Xuyên (Vĩnh Phúc) mô phỏng lại chiến thắng của Ngô Quyền trên sông Bạch Đằng, hay như P.Hòa Long, TP.Bắc Ninh lại bắt nguồn từ việc cầu mong cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an…
Tạo dựng mạng lưới
Ông Dương Văn Lương hào hứng chia sẻ: “Chúng tôi tọa đàm một buổi, có cả bên lãnh đạo xã, lãnh đạo thôn. Chúng tôi còn gặp một số địa phương cũng có kéo co. Sau khi tọa đàm thì muốn có kết nối mạng cộng đồng di sản kéo co nên chúng tôi đề nghị hòa nhập vào mạng đó”.
TS Lý đánh giá: “Có cộng đồng khi làm hồ sơ mình chưa phát hiện ra, đó là ở Phú Xuyên (Hà Nội). Khi phát hiện thì lúc đấy hồ sơ nộp rồi. Quan trọng là nay Hội Di sản văn hóa Việt Nam đã đứng ra kết nối họ thành mạng lưới”.
Rất nhanh sau hội thảo, Hội Di sản văn hóa Việt Nam đã ra Quyết định 03 về việc thành lập CLB mạng lưới cộng đồng di sản kéo co Việt Nam. Theo đó, hội giao Trung tâm nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa (CCH) thực hiện vai trò là ban thư ký của CLB. CLB có nhiệm vụ tập hợp, đoàn kết và đẩy mạnh mối quan hệ hợp tác, giao lưu, giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau giữa các tổ chức, cá nhân thành viên. CLB cũng sẽ kết nối với những cộng đồng di sản kéo co khác, mở rộng và phát triển thành viên.
Th.S Nguyễn Đức Tăng (Trung tâm CCH) cho biết tinh thần chung của việc thành lập CLB chính là tạo dựng một mạng lưới của cộng đồng. Chính vì thế, thành phần Ban chủ nhiệm CLB là đại diện các cộng đồng, mỗi cộng đồng có 2 đại diện. Trung tâm CCH đóng vai trò là ban thư ký giúp thúc đẩy và điều phối các hoạt động của CLB. Các nhà khoa học có thể có tham vấn chương trình hành động nhưng việc chính vẫn là của các cộng đồng. Có nghĩa là quyền làm chủ di sản của cộng đồng được đặt lên hàng đầu. Hiện tại, các cộng đồng đều đang có nhiều nội lực và sẵn sàng nỗ lực tối đa để phát triển di sản.
Ông Tăng cho biết thêm tại hội nghị trực tuyến kỷ niệm 5 năm nghi lễ và trò chơi kéo co được ghi danh vào danh sách đại diện của UNESCO do Trung tâm ICHCAP tổ chức vào tháng 12.2020, đoàn Việt Nam đã đề xuất thực hiện tổng kiểm kê và cập nhật về các cộng đồng thực hành kéo co tại 4 nước Campuchia, Hàn Quốc, Philippines và Việt Nam và tiến tới trình UNESCO bổ sung. Đề nghị này nhận được sự ủng hộ của tất cả các quốc gia thành viên tham gia hồ sơ.
Về việc bổ sung hồ sơ, TS Lê Thị Minh Lý cho biết: “UNESCO rất khuyến khích mở rộng cộng đồng và bổ sung hồ sơ. Họ rất khuyến khích việc có thêm cộng đồng như thế. Thế giới đánh giá rất cao việc này”.
Theo Ngữ Yên/Thanh niên
https://thanhnien.vn/van-hoa/ket-noi-cong-dong-di-san-keo-co-1337940.html