Đã có những cuộc tranh luận trên truyền hình và đài phát thanh ở Ấn Độ từ những người đam mê ẩm thực, đầu bếp và chuyên gia về lý do tại sao ẩm thực đường phố của họ chưa được chính thức công nhận rộng rãi...
Khi văn hóa ẩm thực đường phố, một loại hình hàng rong, ở Singapore được Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa phi vật thể thế giới, người Ấn Độ cũng muốn ẩm thực đường phố của họ được công nhận tương tự.
Theo tờ South China Morning Post, đã có những cuộc tranh luận trên truyền hình và đài phát thanh ở Ấn Độ từ những người đam mê ẩm thực, đầu bếp và chuyên gia về lý do tại sao ẩm thực đường phố của họ chưa được chính thức công nhận rộng rãi.
Khao khát được công nhận
"Thức ăn đường phố của Ấn Độ cần được tôn vinh với tất cả vinh quang của nó", một kênh địa phương Ấn Độ đưa tin vào tháng trước.
Với những người đam mê ẩm thực, có lẽ ai cũng biết thường thức ăn bình dân lại rất ngon. Điều này rất đúng với bề dày ẩm thực đường phố Ấn Độ, từ món chaat cay (một loại bột chiên) ở New Delhi, jhal muri (món ăn nhẹ làm từ gạo), mishti doi (món tráng miệng từ sữa đông) ở Tây Bengal tới litti chokha (một loại bánh giống bánh bao) ở Bihar và thịt cừu hầm ở Kerala. Ấn Độ với 1,3 tỉ dân mang lại nhiều món ngon địa phương ấn tượng mà có lẽ ít nơi nào trên thế giới có được.
Đây cũng chính là cái khó của quốc gia này. Bề dày lịch sử của ẩm thực đường phố dẫn đến có vô số phiên bản địa phương mà ngay cả những đầu bếp tài năng nhất cũng phải mất nhiều năm để thành thạo. Trong khi sách dạy nấu ăn và chương trình truyền hình chỉ có thể đề cập tới những món đặc trưng cơ bản như thịt nướng, bánh mì naan hay aloo tikki (một loại khoai tây cắt miếng).
Ông Amit Wadhera, bếp trưởng của khách sạn The Park Hotel ở thủ đô New Delhi, đưa ra ví dụ về món chaat - từ chỉ chung cho món ăn nhẹ làm từ bột chiên. Ở New Delhi, papdi chaat dùng sữa đông; ở Lucknow, matra chaat dùng với đậu gà; ở Mumbai, sev puri chaat là món chiên giòn...
Hơn nữa, theo nhà nhân chủng học chuyên nghiên cứu ẩm thực Prahlad Makkar, ẩm thực đường phố Ấn Độ là bản sắc cộng đồng được thể hiện thông qua các cửa hàng với các công thức nấu ăn bí mật được lưu truyền qua nhiều thế hệ.
Cần nhiều hỗ trợ từ chính phủ
Để ẩm thực Ấn Độ có thể được UNESCO công nhận như Singapore, các nhà chức trách có nhiều việc phải làm, nhất là chứng minh cách họ bảo vệ và phát huy truyền thống.
Ấm thực đường phố Singapore cũng rất đa dạng, đa văn hóa, từ món Trung Quốc tới Mã Lai hay cả món Ấn Độ. Nhưng hàng rong ở Singapore lại được quản lý chặt chẽ hơn, khi được quy hoạch đặt trong các trung tâm mua bán thực phẩm lớn.
Với hình thức quy hoạch tập trung, các cửa hàng rong có thể sử dụng điện nước thoải mái, vứt rác đúng chỗ cũng như quy tụ được thành tụ điểm ẩm thực để thu hút khách hàng. Chính quyền địa phương cũng có thể quản lý tốt được các tụ điểm bán hàng rong này, đồng thời giải phóng mặt bằng cho vỉa hè. Về mặt quản lý, hàng rong ở Ấn Độ có phần ngổn ngang hơn và cần có sự phối hợp giữa người bán hàng rong và chính quyền.
Vishal Jindal, người đồng sáng lập thương hiệu thức ăn đường phố Biryani By Kilo, cho biết nền ẩm thực đường phố cần nhiều hỗ trợ hơn từ chính phủ vì nó đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra việc làm và thu nhập.
"Ngành công nghiệp phi chính thức này cung cấp sinh kế cho hàng triệu người và nuôi sống người nghèo. Nếu có sự chuẩn hóa từ đào tạo, pháp lý, vệ sinh từ cơ quan chức năng thì ngành công nghiệp này sẽ là nhân tố thúc đẩy nền kinh tế" - Jindal cho biết.
Cũng có nhiều đề nghị cho rằng chính phủ nên biến ẩm thực đường phố trở thành trọng tâm trong sáng kiến du lịch. Họ nói rằng người bán hàng rong cần được hỗ trợ nhiều hơn, đặc biệt là vào thời điểm đại dịch COVID-19 hoành hành như hiện nay.
Theo các nhà quan sát, Ấn Độ nên hướng tới thành công của Singapore không chỉ vì sự công nhận của UNESCO mà còn để tham khảo cách Singapore quy hoạch và hỗ trợ hàng rong, bao gồm chuyển sang hệ thống thanh toán kỹ thuật số hay hỗ trợ tài chính để đào tạo.
Phải thân thiện với hàng rong Chính phủ Ấn Độ từng công bố chương trình cho vay 150 USD cho đơn vị hàng rong, có thể trả dần trong 1 năm, nhưng chuyên gia trong ngành cho rằng vẫn chưa đủ. Quan trọng là cần làm cho luật pháp và cơ quan thực thi luật pháp thân thiện hơn với người bán hàng rong; kết nối người bán với những đơn vị giao đồ ăn trên ứng dụng cũng như chú trọng giá cả hợp lý và hợp vệ sinh. Có làm được như vậy thì mới có thể "đưa hàng rong vào nền kinh tế chính thức, đồng thời bảo tồn di sản ẩm thực quý giá của Ấn Độ", phát ngôn viên Hiệp hội Hàng rong quốc gia Ấn Độ (Nasvi) cho biết. |
Theo Minh Khôi/ Tuổi Trẻ
https://dulich.tuoitre.vn/an-do-tim-danh-phan-cho-am-thuc-duong-pho-20210201212933513.htm