Doanh số bán của công ty tăng gần 20%, lên 3,26 tỷ bảng Anh trong tài khóa 2020 (kết thúc vào tháng 10/2020), trong khi lợi nhuận trước thuế tăng tới 329%, lên 142,1 triệu bảng Anh.
ASOS ghi nhận lợi nhuận tăng vọt trong năm 2020. (Nguồn: ft.com)
Với tốc độ tăng trưởng chóng mặt của mạng Internet, những cửa hàng thời trang trực tuyến (online) bắt đầu mọc lên như nấm, trung bình cứ có bao nhiêu nhãn hàng lại có bấy nhiêu trang web bán online.
Đây là xu thế chung giúp khách hàng có thể tiếp cận sản phẩm một cách dễ dàng nhất.
ASOS là cái tên đi tiên phong trong lĩnh vực thời trang online. Đây là cái tên được xuất phát từ cụm từ As Seen On Screen (tạm dịch: Giống y trên hình).
Hơn nữa đây còn là tuyên ngôn của thương hiệu, khẳng định chất lượng quần áo ở đây chẳng khác gì với những thứ bạn mua ở tận cửa hàng. Đặc biệt, phương thức này còn nhanh chóng, thuận tiện và tiết kiệm thời gian.
[Những mẫu thời trang kỳ quặc đến mức không hiểu nổi của ASOS]
Ra mắt vào ngày 3/6/2000 bởi Nick Robertson, doanh nhân người Anh, Andrew Regan, nhà kinh doanh kiêm thám hiểm gia, và Quentin Griffiths, một người có tầm nhìn xa, ban đầu ASOS vốn là trang web chuyên bán những món đồ giống của các ngôi sao với cái tên cũng hết sức liên quan "As Seen On Screen."
Chẳng hạn như bạn muốn tìm chiếc quần jeans mà Britney Spears từng diện khi đi uống càphê Starbucks hay chiếc váy mà Christina Aguilera từng mặc khi đi siêu thị thì bạn chỉ cần lên trang web của As Seen On Screen lúc bấy giờ là sẽ tìm ra ngay.
Đến năm 2003, As Seen On Screen chuyển hướng kinh doanh, không còn tập trung vào hình thức bán đồ giống của người nổi tiếng nữa mà chuyển sang bán những sản phẩm được thiết kế mang thương hiệu của riêng mình và chính thức đổi tên thành ASOS, tên gọi thân thương đối với hàng triệu tín đồ thời trang trên thế giới.
Nếu chỉ cho ra mắt những bộ quần áo thời trang của riêng mình thì vẫn chưa có gì đặc biệt.
ASOS tiên phong ở chỗ họ biết tiếp cận khách hàng ở nhiều phương diện và biết vượt ra khỏi giới hạn màn hình máy tính. Đây là nhãn hiệu thời trang đầu tiên ở Anh đưa hình ảnh sàn catwalk bằng ảnh động để giới thiệu sản phẩm của mình.
Năm 2020, trong khi nhiều ngành nghề phải chật vật vì đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, ASOS đã "nổi lên" là một doanh nghiệp "khỏe mạnh," linh hoạt và có vị thế vững chắc vì ghi nhận lợi nhuận tăng vọt 109 triệu bảng Anh (hơn 147 triệu USD) nhờ tập trung vào việc loại bỏ các chi phí phi chiến lược khỏi hoạt động kinh doanh, vốn được coi là động lực cơ bản lớn nhất giúp cải thiện lợi nhuận trong năm.
Doanh số bán của công ty tăng gần 20%, lên 3,26 tỷ bảng Anh trong tài khóa 2020 (kết thúc vào tháng 10/2020), trong khi lợi nhuận trước thuế tăng tới 329%, lên 142,1 triệu bảng Anh.
Ở thị trường nội địa, ASOS tiếp tục chiếm thị phần với doanh số bán lẻ tăng 18% lên 1,18 tỷ bảng Anh, trong khi con số tương ứng ở EU tăng 22%. Tăng trưởng doanh số bán hàng ở cả Mỹ và các nước khác trên thế giới của ASOS đều tăng 18%.
Thừa thắng xông lên, mới đây nhà bán lẻ thời trang trực tuyến của Anh này còn thông báo kế hoạch tạo ra 2.000 việc làm trong ba năm tới, cùng với việc mở một nhà kho mới ở miền Trung nước này.
Nhà kho mới với số vốn đầu tư 90 triệu bảng Anh (123 triệu USD) sẽ được đặt tại Lichfield, Staffordshire, phía Bắc thành phố Birmingham.
Khi nhập đủ hàng và đi vào hoạt động năm 2023, nhà kho trên sẽ hỗ trợ việc đáp ứng nhu cầu đang tăng chưa từng có của khách hàng và giúp công ty có thể phát triển danh mục hàng cung cấp và nâng cao năng lực giao hàng.
Giám đốc điều hành ASOS Nick Beighton cho biết công ty đang đặt nền tảng cho tăng trưởng trong tương lai. Theo ông, quyết định đầu tư thêm cơ sở hạ tầng và tạo ra nhiều việc làm cho thấy sự tin tưởng của công ty vào tương lai.
Bên cạnh đó, nhà bán lẻ này cũng đã vạch ra những chiến lược quan trọng cho giai đoạn tăng trưởng tiếp theo, trong đó có kế hoạch ra mắt của một thương hiệu mới mang tên AsYou, hướng tới nhiều đối tượng tiêu dùng hơn và "đáp ứng một khoảng trống trong danh mục đầu tư của ASOS đối với sản phẩm thời trong có mức giá rẻ hơn."
Trải qua chặng đường hoạt động hơn hai thập niên, ASOS luôn chứng tỏ mình là người tiên phong thực thụ, từ mô hình kinh doanh trực tuyến cho đến việc nắm bắt xu hướng thời trang giới trẻ, đặc biệt năm 2020 là năm ASOS được hưởng lợi đáng kể, khi cả thế giới lao đao vì dịch COVID-19, các lệnh phong tỏa và giới nghiêm được áp đặt để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, dẫn tới nhu cầu mua sắm trực tuyến trở nên bùng nổ do người tiêu dùng không thể ghé vào các cửa hàng.
Cho đến nay, mạng lưới của ASOS đã phát triển trên phạm vi toàn cầu với nhiều văn phòng và nhà kho quy mô lớn. ASOS hiện có hơn 23 triệu khách hàng trên toàn cầu, trong đó có 7,1 triệu khách hàng tại Anh./.
Theo Minh Hằng (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/asos-nguoi-chien-thang-trong-dai-dich-covid19/690218.vnp