Mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng thị trường hài tết 2021 vẫn không hề bị ảm đạm. Thậm chí, số lượng hài tết còn nhiều gấp mấy lần những năm trước.
Tăng về số lượng, đa dạng đề tài
Dịch COVID-19 khiến đời sống xã hội có nhiều biến động và đảo lộn. Chính vì thế, nhu cầu được cười, được vui, được xả stress… sau một năm đầy căng thẳng đối với người dân vô cùng lớn. Có lẽ, nắm bắt được tâm lý này nên các nhà sản xuất hài tết đã mạnh dạn thực hiện nhiều sản phẩm đa dạng để tung ra thị trường.
Cảnh trong phim hài tết dân gian "Thói đời".
Tính đến thời điểm hiện tại đã có một số phim hoàn tất các khâu hậu kỳ như: "Thói đời", "Khi Cuội yêu", "Tết đú - đú Tết", "Mr. Lù 4: Chuyến hàng cuối năm", "Làng ế vợ 7", "Mất vợ vì rượu 2", "Để cho thầy lấy vợ"… Một số phim đang trong thời điểm thực hiện nốt những cảnh quay cuối cùng như "Đại gia chân đất"… Nhìn chung, đa số các phim hài tết đều đa dạng về đề tài, phong phú về nội dung, tình huống gần gũi với đời sống. Thậm chí, một số phim còn ngồn ngộn các vấn đề thời sự nóng hổi trong năm.
Trong số các phim hài tết nói trên, "Thói đời" thuộc thể loại hài dân gian với sự tham gia của nhiều diễn viên tên tuổi như: NSND Quốc Anh, NSND Minh Hằng, NSƯT Phú Đôn, Việt Bắc, Đỗ Duy Nam, Anh Quân…
Phim tái hiện bức tranh xã hội phong kiến thời xưa, phóng tác những tiếng cười trong kho tàng dân gian Việt. Từ đó phản ánh ước vọng của người dân về một cuộc sống yên bình, hạnh phúc. Phim lồng những vấn đề thời sự nổi cộm thời nay vào bối cảnh xưa để đem lại tiếng cười sâu sắc và khéo léo nhắc nhở mỗi người soi lại mình.
"Khi Cuội… yêu" cũng là một phim hài dân gian, có ý tưởng đầy mới mẻ khi đưa Cuội từ thời xưa đến thời hiện đại. Dàn diễn viên tham gia phim đều là những gương mặt có nhiều kinh nghiệm: NSƯT Tiến Quang, Thanh Tú, Tùng Anh, Thanh Dương, Huỳnh Anh…
Huỳnh Anh lần đầu tham gia hài tết với vai trong phim "Khi Cuội yêu".
"Mr. Lù 4: Chuyến hàng cuối năm" tiếp nối nhân vật Mr. Lù để kể câu chuyện "dở khóc dở cười" trong chuyến xe cuối năm. Theo đó, Mr. Lù đi giao hàng nhưng không biết trên xe có một người phụ nữ và vô tình trở thành người vận chuyển trái phép. Anh phải đối diện với nhiều tình huống nguy hiểm và oái oăm khi bị một ông trùm đội lốt nhà phân phối ra lệnh giết những người trên xe để bịt đầu mối. Thông qua câu chuyện, đạo diễn Mai Long gửi gắm nhiều thông điệp nhân văn.
Nhà tài trợ không mặn mà
Đạo diễn Trần Bình Trọng cho biết, nhìn vào số lượng các phim hài Tết năm nay, nhiều người sẽ nghĩ việc thực hiện hài Tết đang "đơn giản như đan rổ". Nhưng thực tế là đa số các nhà sản xuất phải cân nhắc khá kỹ lưỡng trước khi quyết định sản xuất phim. Bởi năm nay, do dịch bệnh kéo dài, kinh tế gặp nhiều khó khăn nên các nhà tài trợ không mặn mà với việc quảng bá sản phẩm hoặc tài trợ.
Đạo diễn Trần Bình Trọng và nghệ sĩ Trà My, Chiến Thắng trong hậu trường quay hài tết "Đại gia chân đất".
"Sự thật không thể phủ nhận là phải có tài trợ thì mới có tài chính để đầu tư cho phim hài Tết. Nhưng năm 2020, quá nhiều doanh nghiệp khó khăn dẫn đến họ chẳng có nguồn chi cho truyền thông quảng cáo. Ngay chính hãng phim của tôi, mọi năm rất nhiều đơn vị mời chào quảng cáo, còn năm nay gần như chỉ còn một vài đơn vị thân thiết", đạo diễn Trần Bình Trọng cho biết.
Bản thân đạo diễn Mai Long cũng thừa nhận, mặc dù hài Tết còn có nguồn thu từ việc bán bản quyền phát sóng cho các đài truyền hình địa phương hoặc hạ tầng giải trí để phát dịp Tết. Tuy nhiên, nguồn thu đó chưa đủ để thu hồi vốn. Vì lẽ đó, nếu có nhà tài trợ thì nguồn kinh phí để đầu tư sản xuất cũng sẽ "mạnh tay" hơn. Nhưng năm nay, đại dịch khiến cho nhiều doanh nghiệp lao đao và họ vô cùng dè dặt khi đồng hành cùng các nhà sản xuất.
"Thực tế, có rất nhiều đơn vị doanh nghiệp cũng muốn đồng hành cùng chúng tôi. Vì họ vừa yêu thích hài, vừa nhận thấy quảng bá sản phẩm qua hài rất hiệu quả. Nhưng điều kiện không cho phép nên họ cũng không thể tài trợ được dù là gói rất nhỏ. Bên cạnh đó, cũng có nhiều đơn vị e ngại lượng khán giả sụt giảm do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên họ cũng không mặn mà", đạo diễn Mai Long nói thêm.
Nghệ sĩ Trà My chia sẻ, với tư cách là một nghệ sĩ hài, chị cảm thấy rất mừng khi năm nay dịch bệnh kéo dài, kinh tế có nhiều khó khăn nhưng các nhà sản xuất vẫn cho ra mắt nhiều sản phẩm hài Tết hơn mọi năm. Tuy nhiên, chị cũng chia sẻ với các nhà sản xuất vì khó khăn trong việc tìm kiếm nhà tài trợ.
Nhiều phim thậm chí không có bất kỳ một nhà tài trợ nào. Nhưng nhìn theo khía cạnh tích cực thì đôi khi không có nhà tài trợ cũng là một điều hay. Nghĩa là các sản phẩm hài tết sẽ không bị chi phối nội dung, hạn chế được hài nhạt, hài nhảm.
Theo Hà Tùng Long/Dân trí
https://dantri.com.vn/van-hoa/thi-truong-hai-tet-2021-tang-dot-bien-ve-so-luong-phim-20210114105111792.htm