Doanh thu trăm tỉ của số ít những phim Việt thắng lớn trên thị trường đã che khuất thực tế là chỉ có 1 - 2 phim “hốt bạc”, đa số còn lại đều “thê thảm”.
Phim Võ sinh đại chiến thất bại dù được đánh giá tốtĐPCC
Nhà làm phim “sang chấn tâm lý”
Vụ việc mới đây của phim Võ sinh đại chiến rút khỏi rạp vì doanh thu phòng vé quá thấp: 1,3 tỉ đồng sau 6 ngày công chiếu, trong khi vốn làm phim lên đến 24 tỉ đồng, đã khẳng định làm phim ở thời buổi này không hoàn toàn “dễ ăn” như trước. Nhà sản xuất Thái Bá Dũng cáo buộc nhà phát hành - chủ rạp Galaxy “chèn ép” khi xếp suất chiếu rất ít và giờ chiếu chỉ toàn khung giờ ít người xem, lại thêm “phía đơn vị phát hành, trong cùng thời điểm, cũng có phim họ tự bỏ tiền đầu tư sản xuất, nên Võ sinh đại chiến bị rơi vào hoàn cảnh con ruột - con ghẻ và họ tập trung đẩy phim mà họ đầu tư”. Đạo diễn Bá Cường cho biết anh sốc nặng đến mức “sang chấn tâm lý”: “Tôi đã mất 5 năm làm phim này nên đã sốc rất nặng, rơi vào khủng hoảng tinh thần, sang chấn tâm lý khi phim lỗ gần 24 tỉ đồng. Tôi chỉ ở trong nhà đi tới đi lui, hoang mang về mọi chuyện”.
Cùng Võ sinh đại chiến, phim Người cần quên phải nhớ của đạo diễn Đức Thịnh và nhà sản xuất Charlie Nguyễn đang chiếu rạp cũng thất bại nặng nề khi chỉ thu được 1,9 tỉ đồng so với kinh phí hơn 24 tỉ đồng. Sau 5 ngày ra rạp, tính đến 13.1, phim Cậu Vàng (đạo diễn Trần Vũ Thủy) có doanh thu 2,6 tỉ đồng trong khi vốn thực hiện khoảng 1 triệu USD, phim Em là của em (đạo diễn Lê Thiện Viễn) vốn xấp xỉ 17 tỉ đồng đang có doanh thu 7,6 tỉ đồng.
Các phim Việt chiếu rạp thời gian gần đây hoặc trong năm 2020 đa số có doanh thu vô cùng thất bát như: Sài Gòn trong cơn mưa - 2,9 tỉ đồng, Hoa Phong Nguyệt Vũ - 757 triệu đồng, Thang máy - 1,5 tỉ đồng, Bí mật của gió - 1,9 tỉ đồng, Chồng người ta - 4,7 tỉ đồng, Trái tim quái vật - 12,6 tỉ đồng, Bằng chứng vô hình - 7,6 tỉ đồng. Kinh phí trung bình của một bộ phim Việt chiếu rạp hiện nay ở mức khoảng 15 tỉ đồng nên với doanh thu thấp đến mức kinh ngạc như trên, nhà sản xuất không nhận lại được bao nhiêu, có khi trắng tay, khi còn phải chia theo luật thỏa thuận cho chủ rạp, nhà phát hành ít nhất 50% doanh thu (có rạp còn lấy mức 55 - 60% hoặc lên đến 65%).
Chị Mười Ba: 3 ngày sinh tử nằm trong số hiếm hoi phim thành công hiện nay
Khán giả không còn ngẫu hứng
Từ khi bùng phát dịch Covid-19 đến nay, phim Việt thắng lớn chỉ có Tiệc trăng máu với 175 tỉ đồng; Chị Mười Ba: 3 ngày sinh tử (vẫn đang trụ rạp) thu được 77,8 tỉ đồng; hay khả dĩ có lãi chút đỉnh là Ròm với 58,1 tỉ đồng. Các năm trước, tỷ lệ phim lọt vào “câu lạc bộ phim trăm tỉ” nhiều hơn và các phim còn lại dù không thắng cũng có doanh thu ngót nghét 40 - 60 tỉ đồng để hòa vốn, chứ không như hiện giờ: phim chết là chết hẳn và số lượng “nhiều như rạ”!
Với bộ phim không thành công, cứ cố gắng kêu gọi khán giả đến ủng hộ sẽ mang lại cảm xúc tiêu cực. Đây là cuộc chơi, mình đã vào cuộc chơi thì phải gánh chịu tất cả. Đã làm phim, nhà sản xuất phải chuẩn bị tâm lý, tinh thần thép
Đạo diễn Charlie Nguyễn
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng nhận định về thị trường hiện nay: “Làm được một phim xem được không phải dễ, và để phim xem được đó có doanh thu tốt là cũng khó. Sau dịch Covid-19, lượng khán giả đến rạp ít hơn nhiều so với trước đây, họ suy nghĩ và quyết định chọn phim xem cũng khác. Lúc trước khán giả có thể chọn phim này xem trước, phim kia xem sau; nhưng bây giờ họ chỉ chọn một phim mà họ nghĩ nên xem, kiểu ra rạp đi chơi ngẫu nhiên có phim gì thì xem gần như hiếm và không còn nữa”.
Có thể nói, hiện tại khán giả có xu hướng xem phim dựa trên hiệu ứng truyền thông và truyền miệng; phim nào không được sự ủng hộ của dư luận sẽ dễ “chết” vì hiệu ứng đám đông. Khán giả Ngọc Nhi bình luận: “Sau dịch, ai cũng khó khăn nên hầu hết khán giả có tâm lý rằng thời gian rảnh không nhiều, tiền bạc lại chẳng mấy dư dả thì không nên phí phạm vào một bộ phim bị mọi người cho là không hay và không phải là bom tấn Việt, chẳng hạn như trường hợp phim Cậu Vàng mới đây”.
Trong buổi tọa đàm do Xinê House tổ chức, đạo diễn Charlie Nguyễn tiết lộ phim Người cần quên phải nhớ do anh sản xuất lỗ gần 24 tỉ đồng. Tuy nhiên, anh thẳng thắn: “Khi một bộ phim thất bại, người ta đổ lỗi cho marketing, rạp, diễn viên, nhà phát hành… Tôi nghĩ bộ phim Người cần quên phải nhớ thất bại vì không đáp ứng được nhu cầu của khán giả và chưa kể được câu chuyện chạm đến trái tim khán giả, nhân vật không khiến người xem yêu thích, đồng cảm”.
Về việc Người cần quên phải nhớ phải cạnh tranh suất chiếu với Chị Mười Ba: 3 ngày sinh tử và thực tế đã “ngã ngựa” khi ra rạp cùng ngày 25.12, Charlie Nguyễn nói: “Muốn thành công ở phòng vé, chúng ta phải làm một bộ phim mà khán giả muốn xem. Khi mình thất bại, phim khác thành công, được xếp nhiều suất thì nên vui cho họ bởi họ xứng đáng vì họ cũng đã trải qua bao nhiêu lần thất bại thì mới được như vậy. Phim nào tốt, được khán giả đón nhận sẽ giúp kích cầu cho thị trường điện ảnh. Còn với bộ phim không thành công, cứ cố gắng kêu gọi khán giả đến ủng hộ sẽ mang lại cảm xúc tiêu cực. Đây là cuộc chơi, mình đã vào cuộc chơi thì phải gánh chịu tất cả. Đã làm phim, nhà sản xuất phải chuẩn bị tâm lý, tinh thần thép”.
Đại diện đơn vị phát hành Thiên Ngân (Galaxy Studio), bà Võ Thị Thùy Trang chia sẻ quan điểm: “Suất chiếu hoàn toàn phụ thuộc vào thị hiếu và lựa chọn của khán giả. Các rạp chiếu luôn đứng trên tinh thần ủng hộ phim Việt. Nhưng nếu không có doanh thu, bộ phim phải nhường chỗ cho các tác phẩm được nhiều khán giả lựa chọn hơn. Việc quy kết trách nhiệm cho hệ thống rạp, nhà phát hành, cách quảng bá khi bộ phim không đạt doanh thu như mong muốn là không đúng và không công bằng”.
Theo Phan Cao Tùng/Thanh niên
https://thanhnien.vn/van-hoa/phim-viet-chet-nhu-ra-tai-phong-ve-1328862.html