Thuộc thế hệ những người trẻ 9X, Nguyễn Trần Trung Hiếu, tốt nghiệp trường ĐH Văn Lang khoa Mỹ thuật công nghiệp (TPHCM) có một niềm đam mê đặc biệt với mỹ thuật truyền thống. Nghiên cứu kỹ thuật vẽ thủ công thuộc mảng đồ họa truyền thống, Hiếu đang tái hiện lại chiếc áo dài truyền thống của Việt Nam.
Hiếu và chiếc lọng vốn dùng để che nắng cho quan hay vua, hoàng phi... thời Nguyễn do anh tái tạo lại.
Hiếu chọn may, thêu áo dài truyền thống thời Nguyễn, vì tìm thấy nhiều nguồn tư liệu, hình ảnh về nó; cũng vì nó quá đẹp, nhất là họa tiết trên các hiện vật, trên trang phục, đồ thêu. Hiếu bảo áo dài cách tân cũng có vẻ đẹp của nó nhưng áo dài xưa có phần tinh tế hơn khi thể hiện được vẻ đẹp kỳ lạ mà không cần phô diễn đường cong cơ thể. Áo dài xưa đẹp ở chất liệu (vải vóc, tơ lụa) ở kỹ thuật may từ hơn 100 năm.
Những ngón tay điều khiển cây kim trên bàn thêu.
Trong may áo dài, việc chọn chất liệu đúng là yếu tố kiên quyết để thành công. Đó phải là tơ tằm Việt Nam thực sự chất lượng không được pha tạp, pha trộn chất liệu khác và phải đảm bảo một số đặc tính vật lý khác. May áo dài Việt Nam cần sự chăm chút, tỉ mỉ, và kiên nhẫn. Đường may tối giản, không rườm rà, nhưng rất khó. Ngoài ra cần lưu ý hệ màu của Việt Nam khác hẳn hệ màu Trung Quốc, Hàn quốc khi màu của Việt Nam thâm trầm hơn. Áo dài có loại 2 lớp - áo dài kép và loại 1 lớp dành cho mùa nóng và mùa lạnh.
Công việc của Hiếu đòi hỏi sự khéo léo và nhẫn nại.
10 năm của việc may, thêu - bảo tồn chiếc áo dài truyền thống là một cả chặng đường dài với Hiếu. Nhưng anh không dừng lại ở đó mà tiếp tục làm và đi xa hơn, sang các đồ thêu chăn gối sử dụng trong nhà. Hiếu có đầy đủ phẩm chất để đi hết con đường đã chọn; ở anh có sự kết hợp của đôi mắt, tâm hồn của một họa sĩ và sự khéo léo của đôi tay nghệ nhân.
Hiếu thích áo dài truyền thống với hòa sắc tinh tế của người Việt.
Thời gian rảnh, Hiếu hay đọc thêm sách nghiên cứu về mỹ thuật Việt.
Theo Báo lao động
https://laodong.vn/van-hoa/dam-me-ao-dai-xua-868892.ldo