Tiếp theo thông tin về việc tố chi tiền tỉ là có ngay danh hiệu hoa hậu và tình trạng "loạn" danh hiệu hoa hậu hiện nay (Tuổi Trẻ ngày 29-12), Tuổi Trẻ ghi nhận thêm ý kiến các chuyên gia.
Các cuộc thi hoa hậu cần được coi như các hoạt động giải trí bình thường - Ảnh: GIA TIẾN
Khi nghị định 144 quy định về hoạt động biểu diễn nghệ thuật sắp có hiệu lực thay thế nghị định 79, một số người lo ngại quy định mới phân cấp, phân quyền tất cả về cho địa phương (Bộ VH-TT&DL và Cục Nghệ thuật biểu diễn không tham gia nữa) trong việc ra văn bản chấp thuận (thay vì cấp phép) cho các cuộc thi hoa hậu, người mẫu và không quy định hạn chế số lượng các cuộc thi này sẽ nảy sinh nhiều bất cập, sẽ có quá nhiều cuộc thi không chất lượng.
Cần khung pháp lý rất rõ ràng cho khâu hậu kiểm
Ông Bùi Hoài Sơn - viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam - cho rằng lo ngại trên là chính đáng, nhưng ông cũng tin đây là một bước tiến trong quản lý văn hóa, sẽ giúp bớt "loạn" thi hoa hậu hơn. Việc không giới hạn số lượng các cuộc thi sắc đẹp, theo ông Sơn, là để trả hoạt động này về cho nhu cầu xã hội tự điều chỉnh.
"Dẫu có quy định chặt đến đâu đi chăng nữa thì chỉ tạo ra các biến tướng cho các cuộc thi hoa hậu, người đẹp mà thôi. Tức là trên thực tế chúng ta vẫn không quản lý được. Phân cấp quản lý để các cơ quan quản lý địa phương, các đơn vị tổ chức các cuộc thi hoa hậu, người đẹp phải chịu trách nhiệm về cuộc thi do mình tổ chức, mình chấp thuận cho tổ chức nghĩa là sẽ xác định được rõ ràng đơn vị chịu trách nhiệm, và khi đó các hình thức xử phạt mới mạnh và mang tính răn đe" - ông Sơn phân tích.
Theo ông Sơn, các cuộc thi hoa hậu nên được phát triển theo hướng được giới hạn trong một phạm vi nhất định, không tạo ra những lầm tưởng về danh hiệu hoa hậu đối với các thí sinh dự thi và với xã hội, từ đó sẽ đưa hoạt động này trở về một hoạt động giải trí dân sự bình thường.
"Nhận thức của xã hội cũng phải thay đổi theo hướng tôn vinh người phụ nữ trong một lĩnh vực nhất định thôi, không phải đại diện cho quốc gia gì, không đặt nhiều kỳ vọng và trách nhiệm lên những người phụ nữ đó", ông Sơn nói.
Nhưng để đạt được điều này, ngoài nhận thức xã hội thay đổi thì phải có khung pháp lý rất rõ ràng cho khâu hậu kiểm. Nghị định 144 đã cho những khung pháp luật cơ bản, thì tới đây cần có những quy định cụ thể hơn để hướng dẫn thi hành nghị định.
Khi danh hiệu hoa hậu bớt danh giá trong xã hội thì cũng sẽ ít đi chuyện mua bán. Người ta không thể lợi dụng những hào quang từ danh hiệu hoa hậu để tìm mọi cách tổ chức các cuộc thi này để kiếm tiền nữa.
———Ông BÙI HOÀI SƠN (viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam)———
Sẽ tăng nặng các mức phạt
Ông Nguyễn Minh Đức - phó phòng pháp chế, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam - cũng hoan nghênh sự tiến bộ của nghị định 144 ở các quy định về thi người đẹp, người mẫu. Việc loạn danh hiệu hoa hậu, ông Đức cho rằng điều đó không xâm phạm tới lợi ích công, còn báo chí lo lắng chuyện loạn danh hiệu thì đừng nhắc đến những cuộc thi đó.
"Chỉ khi một hoạt động xâm phạm tới lợi ích công cộng thì Nhà nước mới cần can thiệp. Ở các cuộc thi hoa hậu thì nguy cơ xâm phạm lợi ích công chủ yếu chỉ có nguy cơ khiêu dâm, cái đó cần hậu kiểm chặt chẽ. Còn lại thì để hoạt động dân sự này cho xã hội tự do chạy" - ông Đức nói.
Về các công cụ pháp lý cho việc hậu kiểm hiệu quả, ông Trần Hướng Dương - phó cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn - cho biết Vụ Pháp chế của Bộ VH-TT&DL đang sửa nghị định 158 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo theo hướng tăng nặng hơn các mức phạt.
Theo Tuổi Trẻ
https://tuoitre.vn/danh-hieu-hoa-hau-bot-danh-gia-trong-xa-hoi-se-it-chuyen-mua-ban-20201229222636151.htm