19
/
102408
Đường Lâm - Làng Việt cổ đầu tiên được xếp hạng di tích quốc gia
duong-lam-lang-viet-co-dau-tien-duoc-xep-hang-di-tich-quoc-gia
news

Đường Lâm - Làng Việt cổ đầu tiên được xếp hạng di tích quốc gia

Thứ 3, 22/12/2020 | 19:25:16
669 lượt xem

Với những ngôi nhà cổ có kiến trúc độc đáo xây dựng bằng đá ong và cột gỗ lim, làng cổ Đường Lâm vẫn lưu giữ được những nét đặc trưng cơ bản của một ngôi làng ở Bắc Bộ.

Cổng làng Đường Lâm. (Ảnh: Thanh Hà/TTXVN)

Sở hữu những giá trị văn hóa độc đáo, cảnh quan, kiến trúc tiêu biểu của vùng nông thôn đồng bằng sông Hồng, làng cổ Đường Lâm, thị xã Sơn Tây (Hà Nội) luôn là địa chỉ thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan tìm hiểu.

Làng cổ Đường Lâm thuộc địa phận huyện Sơn Tây, Hà Nội, cách trung tâm thành phố chỉ khoảng 44km. Đường Lâm là quê hương của Ngô Quyền và Phùng Hưng nên được gọi là “đất hai vua.” Cho đến ngày nay, làng Đường Lâm vẫn lưu giữ được những nét đặc trưng cơ bản của một ngôi làng ở Bắc Bộ có cổng làng, cây đa, bến nước, sân đình,… với 956 ngôi nhà truyền thống.

Năm 2006, Đường Lâm trở thành làng cổ đầu tiên của cả nước được Nhà nước trao bằng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia.

Đất cổ, người hùng, hồn thiêng sông núi

Thuận lợi về giao thông thủy bộ khiến mảnh đất Đường Lâm trở thành điểm cư trú lâu đời của người Việt cổ thuộc văn hóa Phùng Nguyên và Đông Sơn.

Đây là quê hương của hai vị vua - Phùng Hưng (761-802), Ngô Quyền (808-944), cũng là mảnh đất sinh ra sứ thần Giang Văn Minh - một nhà ngoại giao văn tài thao lược xuất sắc cuối thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XVII.

Ngay tại đây, trong một chương trình khai quật vào năm 1971, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy các di chỉ đồ đá thuộc thời Hùng Vương; còn các nhà chuyên môn đều đánh giá: Đường Lâm là một làng cổ Việt Nam, vừa đẹp về cảnh quan lại vừa giàu về lịch sử văn hóa. Thật hiếm có một ngôi làng Việt cổ nào lại có đầy đủ các di tích văn hóa kiến trúc đại diện cho nền văn minh châu thổ sông Hồng đã phát triển vài ngàn năm rực rỡ liên quan tới các mốc quan trọng của dân tộc như Đường Lâm. 

Đợt thám sát tại Đường Lâm do Viện Việt Nam học (thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội) và trường Đại học Nữ Chiêu Hòa (Nhật Bản) tổ chức đã bước đầu kết luận Đường Lâm có thể là nơi cư trú của người Việt Nam kỳ văn hóa Phùng Nguyên (cách nay chừng 4.000 năm). 

Duong Lam - Lang Viet co dau tien duoc xep hang di tich quoc gia hinh anh 2

Sân nhà cổ trong Di tích làng cổ Đường Lâm. (Ảnh: Thanh Hà/TTXVN)

Hơn thế nữa, làng cổ lại nằm ngay giữa một khu di tích với các điểm du lịch hấp dẫn như Đền Và, chùa Thầy, chùa Tây Phương, các khu cảnh quan Đồng Mô, Suối Hai, Đá Chông... Nhiều công trình cổ cho tới nay vẫn giữ được các kiến trúc cổ như đình, chùa.

Diện tích tuy không lớn nhưng Đường Lâm chứa đựng một quần thể di tích được xếp hạng như Đền Phùng Hưng, Lăng Ngô Quyền, nhà thờ thám hoa Giang Văn Minh, đình Mông Phụ, Chùa Mía. Dân làng Đường Lâm kể rằng, Chùa Mía là chính cung mà Chúa Trịnh đã xây dựng cho cung phi Ngô Thị Ngọc Diệu. 

Ngôi chùa tọa lạc trên một khu đất cao giữa làng với hồ nước nhỏ trước mặt và nhìn ra sông Hồng. Tương truyền tại dòng sông này, chúa Trịnh đi thuyền rồng, tuần thú xứ Đoài và gặp cô thôn nữ xinh đẹp. Bà là người đã để lại ngôi chùa Mía nổi tiếng với gần 300 bức tượng phật hoàn toàn mang màu sắc dân tộc Việt Nam. Chùa cũng được mệnh danh là một bông hoa xuất sắc về nghệ thuật tạo hình thế kỷ XVII.

Người Đường Lâm vẫn tự hào về truyền thống của mình, đã sinh ra 2 vị vương đế lẫy lừng là Phùng Hưng và Ngô Quyền, với các di tích giá trị như rặng duối buộc voi, ngựa trên một ngàn năm, hồ tập trận của Ngô Quyền khi còn bé... 

Cũng tại ấp Cam Lâm vẫn còn tồn tại một ngôi miếu Sữa với nước giếng Chuông Sa có tác dụng chữa mất sữa cho các bà mẹ đang nuôi con bú. Đặc biệt, người dân Đường Lâm còn nhắc tới am Hai Bà Trưng nằm dưới tán cây si và lim xanh tốt quanh năm - nơi có luồng khí thiêng màu đất hồng đậm vẫn bốc lên ngọn cây vào những chiều hè...

Nhưng vượt lên trên tất cả, Đường Lâm còn lưu giữ hình ảnh của một ngôi làng cổ Việt Nam với cổng làng, cây đa, giếng nước, ao sen. Những ngõ xóm, đường làng, mái ngói, tường đá ong và cách bố cục các công trình kiến trúc trong một không gian sinh họat cộng đồng, mang đậm bản sắc của một làng thuần nông và dấu ấn của một nền văn minh lúa nước.

Xã Đường Lâm gồm có 6 làng họp lại. Nổi tiếng nhất là làng Mông Phụ. Đây là làng rộng nhất trong số 6 làng của Đường Lâm. Vào làng Mông Phụ hầu như bất kỳ ai cũng chú ý đầu tiên đến cổng và ngôi đình của làng. Cổng làng được xây dựng trên trục đường chính dẫn vào làng. Với bất kỳ một người dân ở vùng thôn quê nào trên đất Việt thì cổng và đình làng là hai công trình kiến trúc tượng trưng cho sự trù phú, thịnh vượng của làng. 

Với người Đường Lâm cũng vậy, hai công trình này được xây dựng rất công phu và hoành tráng. Bốn cột của cổng làng được lựa chọn rất kỹ từ 4 thứ gỗ quý, đinh, lim, sến, táu. Phần giữ cho 4 cây cột này đứng vững đến ngày nay là những phiến đá tròn xanh lấy từ Đông Triều (Quảng Ninh). Phần tường được xây bằng đá ong, cửa của cổng làng là hai tấm gỗ lim.

Đình làng được xây dựng ở vị trí trung tâm của làng, có một đặc điểm rất đặc biệt đó là hai dãy dọc được xây dựng theo kiểu sạp đình. Đây là kiểu kiến trúc Việt - Mường đậm nét nhất còn được lưu giữ lại, minh chứng cho sự giao thoa hài hòa của hai nền văn hóa anh em từ cách đây mấy trăm năm. Những cây cột đình chủ yếu bằng gỗ lim, gỗ táu vừa một vòng tay người lớn ôm qua thời gian đã trở nên đen bóng. 

Làng Việt cổ đá ong

Vẻ quyến rũ dễ nhận thấy nhất ở Đường Lâm là những ngôi nhà được xây dựng bằng những nguyên liệu đặc biệt: đá ong. Hầu như ở tất cả các công trình kiến trúc gắn với đời sống của người dân Đường Lâm đều có sự hiện diện của đá ong, bùn ao. 

Duong Lam - Lang Viet co dau tien duoc xep hang di tich quoc gia hinh anh 3

Ngõ nhỏ ở Đường Lâm. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Bùn ao ở Đường Lâm cũng có những đặc tính rất lạ, loại bùn này sau khi lấy từ dưới ao lên, qua bàn tay nhào nặn của con người bỗng trở thành một thứ nguyên liệu dùng xây nhà, xây bếp... rất đắc dụng. Nhiều gia đình đã dùng thứ nguyên liệu này cả vài chục năm mà vẫn không bị mưa nắng làm hỏng. Bên cạnh bùn ao thì đá ong là một thứ nguyên liệu không thể thiếu, nhất là trong những công trình quan trọng trong đời sống.

Có thể nhận thấy vai trò chủ đạo rõ nét nhất của đá ong ở tường nhà, cổng, giếng, tường đình... Đá ong ở Mông Phụ có ở mọi nơi, từ ruộng đồng, ao vườn, đá ong nằm sâu dưới lòng đất. Đá ong là loại đất sỏi, khi còn ở trong lòng đất thường mềm, nhưng sau khi được lấy lên, càng để dãi dầu nắng mưa, càng rắn chắc, có độ bền cao. Đá ong được đào lên xây nhà ở Đường Lâm thường cắt theo kích thước mỗi viên là 40 x 24 x 18cm.

Vẻ đẹp của những viên đá ong được giữ nguyên bề mặt thô nhám chất lên xây nhà, xây bếp. Dọc đường làng, các dãy tường nhà, tường rào thẳng tắp, sẫm mầu nâu mật, đã tạo nên vẻ đẹp riêng ở làng cổ Đường Lâm.

Những ngôi nhà cổ ở Mông Phụ cũng là những công trình kiến trúc rất độc đáo. Chúng được dựng lên từ sự kết hợp hài hòa giữa gỗ và đá ong. Phần mái được lợp bằng ngói mũi. Phần tường của những ngôi nhà chắc chắn và độc đáo nhất. Bề mặt thô nhám của đá ong không được trát kín.

Đã vài trăm năm tuổi nhưng những bức tường này vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt và tạo nên một vẻ đẹp nhuốm màu thời gian vô cùng đặc sắc. Sống trong những ngôi nhà được xây bằng đá ong rất dễ chịu, thoải mái, tường nhà không bị ẩm mốc, mùa hè thì mát mẻ bởi đá ong là thứ vật liệu có kết cấu rỗng, có khả năng trao đổi không khí.

Điểm nổi bật của Đường Lâm là những ngôi nhà cổ. Trong làng hiện có tới 956 ngôi nhà cổ, tập trung nhiều nhất ở các thôn Đông Sàng, Mông Phụ và Cam Thịnh. Nhiều ngôi nhà được xác định xây dựng từ các năm 1649, 1703, 1850... 

Những ngôi nhà cổ nằm ẩn mình và phủ màu rêu phong trên bề mặt những viên ngói mũi ri, tạo nên hình thù võng lưng, gắn liền với nhà sàn, vườn, bếp, nhà ngang, giếng nước…Những ngôi nhà có cổng, tường rào quanh nhà xây bằng đá ong theo lối xưa bằng đất đá, bã trầu, bùn để tạo chất kết dính.

Nhà cổ chủ yếu dựng bằng gỗ mít và gỗ lim với những nét chạm trổ tinh xảo. Nhà thường có 5 gian, hai chái. Gian giữa để thờ, trang trí cửa võng, có bàn ghế, sập gụ, các nét chạm trổ vẫn được giữ nguyên với các tích phong cảnh thể hiện nền nếp của các cụ ngày xưa.

Ngoài sân vườn vẫn có cái giếng đá ong cổ, nước giếng rất trong có thể sử dụng sinh hoạt hàng ngày. Du khách bị hấp dẫn bởi những con đường gạch lát sạch sẽ và cảm nhận sự ấm cúng, bình yên của con người ở đây khi đi giữa những bức tường đá ong có màu vàng sậm, giếng nước, sân đình, ruộng nước, những ngôi chùa uy nghi.

Giá trị nữa của Đường Lâm chính là ở cách quy hoạch không gian. Làng Mông Phụ được đặt trên một quả đồi thấp. Đỉnh đồi là ngôi đình lớn với sân rộng như một quảng trường, từ đó tỏa ra các hướng vào xóm. Làng được quy hoạch theo lối lan tỏa từ tâm điểm là đình làng. Sân đình chính là một ngã sáu tỏa ra những con đường dẫn đến mọi ngõ ngách của làng. 

Duong Lam - Lang Viet co dau tien duoc xep hang di tich quoc gia hinh anh 4

Không gian bếp truyền thống ở Đường Lâm. (Ảnh: Thanh Hà/TTXVN)

Điều đặc biệt là dù đi hay đến và bắt đầu từ xóm nào, không ai phải quay lưng với hướng chính của mình. Các ngôi nhà trong làng đều được cấu trúc theo kiểu nội tự, ngoại khách, sân nhà thấp hơn mặt đường, vào những ngày mưa, nước từ ngoài dồn vào trong sân (tụ thủy sinh tài) rồi mới chảy thoát ra đường cống.

Theo người dân ở đây, điểm đặc biệt nữa là để đề phòng trộm cướp, các đường ngõ trong làng đều là ngõ cụt, trong khi đó từ mỗi ngôi nhà đều có cửa bí mật và đường tắt ra sân đình để khi làng có việc, trai tráng khỏe mạnh trong làng có thể nhanh chóng có mặt theo lệnh điều động.

Do khai thác tốt độ dốc, lại không có nhiều nghề phụ nên đường ngõ ở Đường Lâm rất sạch sẽ phong quang. Vệ sinh thường là nhược điểm lớn của các làng cổ, nhưng ở Đường Lâm vệ sinh rất tốt.

Giai thoại kể rằng: Đình Mông phụ đặt trên đầu một con rồng mà giếng làng là hai mắt, sân đình đào thấp hơn so với mặt bằng xung quanh, có vẻ như là một nghịch lý so với kiến trúc hiện đại, song thực ra đó lại là một dụng ý của người xưa. Khi mưa xuống, nước từ ba phía ào ạt đổ vào (Nước chảy chỗ trũng), phải chăng đó là một khát vọng về một đời sống ấm no! Sau đó nước từ từ thoát ra theo hai cống nhỏ chạy dọc theo nách đình (Chống thủy lôi tâm), từ xa nhìn lại, trong mưa hai rãnh nước vẽ nên hai râu rồng vừa thật lại vừa ảo, quả thật là một ý tưởng hết sức lãng mạn của các kiến trúc sư cổ.

Nếu người Hội An tự hào về phố cổ, người Hà Nội hãnh diện với 36 phố phường thì người Đường Lâm cũng có thể tự hào không kém về những ngôi nhà đá ong và làng cổ Đường Lâm vẫn là một địa chỉ thu hút khách du lịch mỗi khi họ đến Sơn Tây - nơi đã đi vào thơ của Quang Dũng - Xứ Đoài mây trắng, làm ngẩn ngơ bao du khách.

Với một ngày trải nghiệm tại làng cổ Đường Lâm, du khách có thể chiêm ngưỡng và cảm nhận hệ thống di tích, nhà cổ, đường làng, cổng cổ… vẫn giữ được gần như nguyên vẹn của một ngôi làng truyền thống Bắc bộ, khiến Đường Lâm giống như một bảo tàng sống.

Du khách được thỏa mãn phần nào khi đắm mình trong không gian trong lành, thanh bình và thưởng thức những món ẩm thực đậm chất quê như gà mía, tương, chè lam, các loại bánh kẹo truyền thống./.

Theo Vietnam+

https://www.vietnamplus.vn/duong-lam-lang-viet-co-dau-tien-duoc-xep-hang-di-tich-quoc-gia/617533.vnp

  • Từ khóa

Việt Nam lần đầu có tác giả được Routledge xuất bản sách khoa học thể thao

Sau 2 năm nghiên cứu và sáng tạo, tiến sĩ Nguyễn Trà Giang (Dr. Jane Nguyen) đã cho ra mắt cuốn sách đặc biệt với chủ đề nghiên cứu về mô hình thể...
16:26 - 24/11/2024
8 lượt xem

Câu hò, điệu ví của ông cha làm nên cốt cách, tâm hồn người dân xứ Nghệ

Tối 23-11, tại quảng trường Hồ Chí Minh, TP Vinh, tỉnh Nghệ An diễn ra lễ kỷ niệm 10 năm dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa...
08:22 - 24/11/2024
190 lượt xem

Lễ trao Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ 7 sẽ diễn ra vào ngày 29/11

Ngày 2/11, tại Hà Nội, Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức họp báo thông tin về Lễ trao Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ 7-năm 2024 sẽ diễn ra vào ngày 29/11...
16:55 - 22/11/2024
1,157 lượt xem

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nói gì về 'làng chạy' thành làng du lịch tốt nhất?

Từ một nơi dân phải bồng bế nhau chạy trốn, làng Tân Hóa nay sống khỏe nhờ cách làm du lịch độc đáo.
15:40 - 22/11/2024
1,158 lượt xem

'Điện Biên Phủ - Bản anh hùng ca thế kỷ' đưa 100 văn nghệ sĩ TP.HCM thăm vùng Tây Bắc

Hành trình 'Điện Biên Phủ - Bản anh hùng ca thế kỷ' diễn ra từ ngày 26 đến 30-11 với các hoạt động ý nghĩa như: Trao quà hỗ trợ bà con khó khăn, bị ảnh...
14:14 - 22/11/2024
1,231 lượt xem