Ngành công nghiệp điện ảnh luôn muốn những chủ đề vừa độc đáo, vừa hấp dẫn, nên đương nhiên không thể bỏ qua kho tàng văn chương rộng lớn, để có thể tạo nên những bộ phim đình đám. Cũng vì lẽ đó mà có không ít tác phẩm văn học, nhất là các tác phẩm kinh điển, đã được chuyển thể nhiều lần, đã mang lại cho chính tác phẩm đó một cuộc đời mới.
Một số tác phẩm văn học kinh điển Pháp đã được xuất bản tại Việt Nam. Ảnh: L.Q.V
Nhưng đôi khi, không hẳn đã được sự đồng thuận của những độc giả/khán giả, tác giả văn học/đạo diễn khi so sánh chúng, trong đó có khía cạnh ''chuyển thể’’ hay ''cải biên’’ giữa 2 loại hình nghệ thuật này?
Cứ 5 phim lại có 1 chuyển thể từ sách
Đó là kết luận của tờ Le Figaro (Pháp) về tác động của các tác phẩm văn học nổi tiếng, đặc biệt là mảng tiểu thuyết kinh điển, với điện ảnh. Với những người yêu thích văn học nước ngoài, hẳn còn đọng trong tâm trí của nhiều thế hệ bạn đọc những cuốn/bộ tiểu thuyết kinh điển (đa phần của các tác giả Châu Âu) có nội dung hấp dẫn với nhân vật không thể nào quên, để rồi, theo thời gian, lại lần lượt được xem những tác phẩm văn học đó khi được chuyển thể lên màn bạc. Có thể kể đến những cái tên như thế: ''Cuốn theo chiều gió’’, ''Những người khốn khổ’’, ''Ba chàng lính ngự lâm’’, ''Đồi gió hú’’, ''Chiến tranh và hòa bình’’, ''Tiếng chim hót trong bụi mận gai’’, ''Thép đã tôi thế đấy’’, ''Sherlock Holmes’’, ''Anna Karenina’’, ''Nhà tù Shawshank’’, ''Forrest Gump’’, ''Cậu bé mồ côi’’, ''Kiêu hãnh và định kiến’’, ''Bức chân dung của quỷ dữ’’, ''Một ngày’’, ''Sự quyến rũ vĩnh cửu’’, ''Bồng bột tuổi dậy thì’’...
Nếu được thưởng thức những tác phẩm điện ảnh này trong các rạp chiếu phim thì mới thực tuyệt vời, bởi khi đó, khán giả mới có thể cảm nhận được vẻ hoành tráng của nội dung phim, cùng những âm thanh, kỹ xảo đạt chuẩn quốc tế. Những dịp may như thế ở thời nay thực hiếm, chỉ có thể trông chờ vào các tuần phim quốc tế nhân một dịp kỷ niệm nào đó. Nhưng bù lại, với sự phát triển của hệ thống truyền hình cáp, khán giả màn ảnh nhỏ đã có cơ hội xem những bộ phim được chuyển thể từ các tác phẩm văn học kinh điển. Đồng thời với sự phát triển trong lĩnh vực xuất bản ở Việt Nam, mảng văn học kinh điển của thế giới cũng đã được chú trọng, giúp bạn đọc cơ hội tiếp cận với khối di sản văn hóa quý của nhân loại, trong đó có những nỗ lực của các đơn vị xuất bản như Văn Học, Nhã Nam...
Nước Pháp - nôi sinh của nhiều bộ phim chuyển thể
Trong đời sống của điện ảnh thế giới, nhiều quốc gia đã nỗ lực chuyển thể thành phim điện ảnh từ các tác phẩm văn học. Trong số này, Trung Quốc khá chú trọng làm nhiều phim chuyển thể từ tiểu thuyết ngôn tình nổi tiếng. Còn với ngành điện ảnh Pháp, hoặc Mỹ, việc chuyển thể các tác phẩm văn học kinh điển sang điện ảnh đã có từ lâu. Đồng thời, sức hút của các tác phẩm như ''Trà hoa nữ’’ của Alexandre Dumas con, hay ''Mai Nương Lệ Cốt’’ của Abbé Prévost, đã được chuyển thể điện ảnh ít nhất 10 lần.
Mỗi lần như vậy, các bộ phim lại được thổi vào một luồng sinh khí mới, với một góc nhìn mới, mang lại cho chính tác phẩm văn học đó một cuộc đời mới và thành công mới. Trong số các tác phẩm văn chương kinh điển Pháp đã được chuyển thể điện ảnh nhiều lần có thể kể tới ''Hoàng hậu Margot’’ của Alexandre Dumas, xuất bản năm 1845. Dumas từng kết hợp cùng Auguste Maquet chuyển thể tác phẩm này thành kịch với sự tham gia của nhiều diễn viên gạo cội, diễn lần đầu nhân khánh thành Nhà hát Lịch sử - nhà hát của Dumas - vào tháng 2.1847, dài tới 9 giờ. Tiếp đó, ''Hoàng hậu Margot’’ đã được chuyển thể điện ảnh nhiều lần: Năm 1910 bởi Camille de Morlhon, năm 1914 bởi Henri Desfontaines, năm 1954 bởi Jean Dréville, năm 1994 bởi Patrice Chéreau (đã đoạt nhiều giải tại LHP Cannes và César). Với ''Trà hoa nữ’’ của Alexandre Dumas con (viết năm 1848) - nói về số phận bi ai của một kỹ nữ, cũng đã thu hút các đạo diễn chuyển thể thành nhạc kịch và điện ảnh (được nhận được nhiều đề cử giải Oscar).
Trong khi đó, ''Mai Nương Lệ Cốt’’ - cuốn tiểu thuyết/hồi ký của thầy dòng Prévost - lại có một số phận long đong, bởi từng 2 lần gây tai tiếng (1733 và 1735), bị tịch thu và kết án thiêu hủy, nên vào năm 1753, tác giả của nó đã cho ra mắt ấn bản ''Mai Nương Lệ Cốt’’ mới, được chỉnh sửa và thêm vào một chương quan trọng. Các phẩm chất con người trong cuốn tiểu thuyết nhanh chóng thu hút công chúng và tạo nên danh tiếng cho nó.
Được xuất bản vào năm 1869, ''Thằng Cười’’ là cuốn tiểu thuyết triết học của Victor Hugo, nổi tiếng với gương mặt bị cắt xẻ thành nụ cười thường trực của nhân vật nam chính, là nguồn cảm hứng mãnh liệt cho cả giới văn chương lẫn điện ảnh. Khi mới ra mắt, cuốn sách bị coi là một thất bại, bởi như nhận xét trên tờ Revue moderne, rằng ''bản thân tác phẩm, với cốt truyện lãng mạn xúc động, nhưng lại chẳng khác nào bản văn biện hộ chính trị lỗi thời và bản tường trình lịch sử bị cắt xén’’, tuy nhiên, lại được Émile Zola hết lời ca ngợi trên tờ Le Gaulois: ''Thằng Cười’’ đứng trên tất cả những gì Hugo từng viết trong suốt mười năm qua. Trong đó ngự trị một hơi thở siêu nhân’’.
Điện ảnh Việt trong dòng chảy chuyển thể từ văn học
Ở Việt Nam, cũng có nhiều bộ phim được chuyển thể từ tác phẩm văn học nổi tiếng và đã nhận nhiều giải thưởng tại các liên hoan phim (LHP) trong nước và quốc tế. ''Vợ chồng A Phủ’’ là tác phẩm hay nhất trong tập ''Truyện Tây Bắc’’ được nhà văn Tô Hoài viết năm 1952. Ông đã chuyển thể thành kịch bản và bộ phim do Mai Lộc đạo diễn, đoạt giải Bông sen Bạc trong LHP Việt Nam lần 2 - năm 1973. Phim ''Làng Vũ Đại ngày ấy’’ sản xuất năm 1982, do NSND Phạm Văn Khoa đạo diễn, với kịch bản được chuyển thể từ các tác phẩm của nhà văn Nam Cao (gồm ''Sống mòn’’, ''Chí Phèo’’ và ''Lão Hạc’’). Còn phim ''Chị Dậu’’ (sản xuất năm 1980 cũng bởi đạo diễn Phạm Văn Khoa), dựa trên nền tiểu thuyết ''Tắt đèn’’ của nhà văn Ngô Tất Tố. Phim ''Nổi gió’’ của đạo diễn Huy Thành, sản xuất năm 1966, được chuyển thể từ vở kịch cùng tên của tác giả Đào Hồng Cẩm.
Rõ ràng, văn học chính là mảnh đất màu mỡ cho giới điện ảnh Việt Nam, dù đang trên đường phát triển. Phim ''Hồn Trương Ba da hàng thịt’’ được chuyển thể từ tác phẩm văn học cùng tên của nhà văn Lưu Quang Vũ, ra mắt năm 2006, do Nguyễn Quang Dũng đạo diễn. Còn ''Bức huyết thư: Thiên mệnh anh hùng’’ của đạo diễn Victor Vũ thuộc dòng phim cổ trang, chuyển thể từ tác phẩm ''Nguyễn Trãi phần 2: Bức huyết thư’’ của nhà văn Bùi Anh Tấn. “Chuyện của Pao” của đạo diễn Ngô Quang Hải được chuyển thể từ truyện ngắn ”Tiếng đàn môi sau bờ rào đá” của nhà văn Đỗ Bích Thúy, đã đoạt Giải Cánh diều Vàng của Hội Điện ảnh Việt Nam năm 2006, Giải đặc biệt tại LHP Châu Á - Thái Bình Dương năm 2006, Giải Bông sen Bạc tại LHP Việt Nam 15. ''Mẹ vắng nhà’’ được chuyển thể từ truyện ngắn ''Người mẹ cầm súng’’ của nhà văn Nguyễn Thi. ''Đừng đốt’’ (sản xuất năm 2009) do NSND Đặng Nhật Minh đạo diễn và viết kịch bản, dựa trên 2 cuốn nhật ký của nữ bác sĩ - liệt sĩ Đặng Thùy Trâm...
Có một điều dễ nhận thấy rằng, chất liệu văn học luôn là người bạn đồng hành trong việc xây dựng kịch bản các bộ phim. ''Cánh đồng bất tận’’ của đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình có kịch bản dựa trên nền truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. ''Tuổi thơ dữ dội’’ được chuyển thể từ tác phẩm văn học cùng tên của nhà văn Phùng Quán, do Nguyễn Vinh Sơn đạo diễn, sản xuất năm 1989. ''Bến không chồng’’ của đạo diễn Lưu Trọng Ninh được thực hiện dựa trên tiểu thuyết của nhà văn Dương Hướng, sản xuất năm 2000, đã đoạt giải thưởng tại LHP Berlin. Phim ''Thời xa vắng’’ của đạo diễn Hồ Quang Minh, sản xuất năm 2004, được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Lê Lựu, đã đoạt giải Cánh diều Bạc 2005. ''Quyên’’ được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Văn Thọ, do Nguyễn Phan Quang Bình đạo diễn. ''Hương Ga’’ của đạo diễn Cường Ngô đã giành giải Cánh diều Vàng 2014 - là kết quả của sự kết hợp với tác phẩm ''Phiên bản’’ của nhà văn Nguyễn Đình Tú.
Đáng chú ý, trong số các tác phẩm điện ảnh được chuyển thể từ tác phẩm văn học có bộ phim “Mùa len trâu” với kinh phí khoảng hơn 1 triệu USD, sản xuất năm 2003, với sự tham gia của 3 hãng phim: Giải Phóng (Việt Nam), 3B Productions (Pháp) và Novak Prod (Bỉ), được trình chiếu ở Pháp với tên ''Gardien de buffles’’ và ở Mỹ với tên ''Buffalo boy’’. Chuyện phim dựa trên tác phẩm ''Mùa len trâu’’ trong tập truyện ''Hương rừng Cà Mau’’ của nhà văn Sơn Nam, do Nguyễn Võ Nghiêm Minh đạo diễn. Phim đã đoạt Giải đặc biệt ở LHP Locarno (Thụy Sĩ), Giải đạo diễn xuất sắc nhất LHP Chicago (Mỹ), Giải Grand prix của LHP Amiens (Pháp) và Giải đặc biệt của LHP Amazonas (Brazil).
Một hiện tượng thành công gần đây trong lĩnh vực điện ảnh là việc chuyển thể các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, với ''Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh’’ - một bộ phim được coi là thành công nhất của hoạt động điện ảnh Việt trong năm 2016, do Victor Vũ đạo diễn. Ngoài việc khắc họa thành công cốt chuyện văn học, bộ phim còn hấp dẫn với hình ảnh quay tuyệt đẹp, diễn xuất tuyệt vời của các diễn viên nhí. Bộ phim không chỉ có doanh thu lớn mà còn nhận được nhiều giải thưởng ở trong nước và quốc tế, như Giải “Phim hay nhất” tại LHP quốc tế Silk Road 2015 - Trung Quốc, Giải Bông sen Vàng tại LHP Việt Nam 19, được Fortissimo Films mua bản quyền phát hành quốc tế và được công chiếu tại LHP Cannes 2015, Giải “Phim truyện hay nhất” tại LHP quốc tế thiếu nhi (thuộc LHP quốc tế Toronto). Tiếp đó là bộ phim ''Cô gái đến từ hôm qua’’ do Phan Gia Nhật Linh đạo diễn, sản xuất năm 2017, cũng dựa trên truyện dài cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, đã được nhận giải Cánh diều Vàng.
Chuyển thể hay cải biên?
Trong khuôn khổ tuần lễ ''Từ trang sách đến màn ảnh’’ nhân kỷ niệm 150 năm Ngày mất của đại văn hào Alexandre Dumas, mới đây, Viện Pháp tại Hà Nội - L’Espace và Công ty Nhã Nam đã tổ chức buổi tọa đàm ''Đi tìm các tác phẩm kinh điển được chuyển thể điện ảnh nhiều lần trong văn học Pháp’’. Tại đây, các diễn giả (nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên và nữ giáo viên Nguyễn Thanh Nguyệt) cùng các bạn đọc/khán giả đã có nhiều lý giải về hiện tượng văn học - điện ảnh thú vị này.
Theo các ý kiến chia sẻ tại buổi tọa đàm, sở dĩ những tác phẩm văn học kinh điển trên thế giới hấp dẫn giới điện ảnh, bởi lẽ, ngoài nội dung chứa đựng những yếu tố độc đáo (nhưng cũng chưa hẳn dễ đọc và khi phát hành còn bị phản bác), nó còn ẩn chứa sự gợi mở những tình tiết, hình ảnh có tính điện ảnh. Chẳng hạn như ''Thằng cười’’, đã được chuyển thể điện ảnh tới 3 lần. Năm 1928 là phim câm, do Paul Leni đạo diễn, có kết cục khác với trong sách, nhưng phần còn lại khá trung thành với tiểu thuyết. Năm 1966, được đạo diễn Sergio Corbucci dàn dựng, lại chứa đựng những biến cố không có trong sách. Tới năm 2012, ''Thằng cười’’ lại được đưa lên màn ảnh rộng dưới bàn tay của đạo diễn Jean-Pierre Améris và còn được chiếu trong lễ bế mạc LHP Mostra ở Venice năm 2012. Sau đó, hình ảnh gương mặt bị cắt xẻ thành nụ cười thường trực của nhân vật nam chính vẫn tiếp tục tạo cảm hứng cho nhiều đạo diễn điện ảnh lừng danh khác, hiện hữu qua các bộ phim như ''Người dơi’’, ''Thược dược đen’’, ''Tom nơi trang trại’’, ''Apollonide - Ký ức về nhà chứa’’...
Trong mối quan hệ văn học - điện ảnh nói trên cũng ẩn chứa những yếu tố phức tạp, dù nó khá thú vị, bởi ''cứ 5 phim lại có 1 chuyển thể từ sách’’. Với các bạn đọc/khán giả, họ có cơ hội được so sánh những điểm chung và nét riêng của tác phẩm khi được chuyển đổi ngôn ngữ biểu đạt, với sự cảm nhận riêng của mỗi người. Còn việc cảm nhận về nội dung tác phẩm giữa nhà văn - nhà biên kịch - đạo diễn, thì ít suôn sẻ hơn, bởi mỗi đối tượng đều có cách phân tích riêng về cốt truyện cũng như tính cách các nhân vật. Trong đó, đạo diễn thường là người thắng thế và nếu ai tài hoa hơn, sẽ khiến cho tác phẩm văn học sinh động hơn, có sức lan tỏa rộng rãi hơn với công chúng trong bộ phim của mình. Nhưng, cũng từ đó lại nảy sinh vấn đề: Liệu việc ''chuyển thể’’ văn học sang điện ảnh có đơn thuần chỉ là việc chuyển tải đủ nội dung sách, trong khi nhiều tác phẩm văn học đã bị ''cải biên’’ khá nhiều khi được mang một ngôn ngữ nghệ thuật khác?
Dù vậy, những điều nói trên cũng cho thấy nguyên nhân các tác phẩm văn học kinh điển luôn có sức hút riêng lạ với giới điện ảnh quốc tế, khi có tác phẩm đã được chuyển thể nhiều lần với đạo diễn ở các quốc gia khác nhau. Còn ở Việt Nam, điều đó rất ít. Đâu như, chỉ có mỗi cuốn tiểu thuyết ''Bến không chồng’’ sau khi được chuyển thể thành phim điện ảnh, còn được làm thành phim truyền hình dài tập.
Theo Lê Quang Vinh/Lao động
https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/tu-van-hoc-sang-dien-anh-chuyen-the-hay-cai-bien-863243.ldo