Du lịch miền Trung chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh cũng như thiên tai và bão lũ. Cần một sự liên kết chặt chẽ giữa các địa phương cùng với 2 thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM để “xốc lại”, từng bước phục hồi.
Chùa Cầu - Hội An. Ảnh: thanh hải
Những con số “biết nói”
COVID-19 ập đến, ngành “công nghiệp không khói” hứng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Phát biểu tại “Hội nghị cơ cấu lại thị trường du lịch” nằm trong khuôn khổ Hội chợ du lịch Quốc tế VITM 2020, ông Nguyễn Trùng Khánh - Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch đánh giá, dịch COVID-19 tác động toàn diện, thay đổi toàn bộ chiến lược, kế hoạch cũng như cấu trúc của ngành Du lịch. Năm 2020, du lịch Việt thất thu khoảng 23 tỉ USD, 16 tỉ USD từ thị trường khách quốc tế và 7 tỉ USD với thị trường nội địa.
Theo báo cáo kết quả hoạt động 9 tháng đầu năm của Sở du lịch TP.Đà Nẵng, ước tính thiệt hại lên tới 26.000 tỉ đồng. Trong đó, thiệt hại trực tiếp đối với các doanh nghiệp lữ hành là khoảng 659 tỉ đồng, các cơ sở lưu trú du lịch khoảng 4,8 nghìn tỉ đồng, các doanh nghiệp vận tải khoảng 518 tỉ đồng và các khu, điểm du lịch khoảng 827 tỉ đồng. Trong khi đó, Sở Du lịch Thừa Thiên - Huế cho biết, chỉ riêng trong 8 tháng đầu năm, thiệt hại về doanh thu ước tính khoảng 1.100 tỉ đồng do khách huỷ phòng, huỷ tour... Những địa điểm tham quan vốn là “con gà đẻ trứng vàng” như Khu di tích Cố đô Huế cũng chỉ có 1.411 lượt khách, trong đó có… 9 lượt khách quốc tế.
Tình trạng đóng băng khiến hoảng 95% doanh nghiệp du lịch, lữ hành quốc tế ngừng hoạt động. Nhiều khách sạn ở các thành phố lớn, các khu du lịch chỉ đạt công suất 10-15%, dẫn đến việc phải đóng cửa.
Đánh giá về tình hình chung của các tỉnh miền Trung sau dịch, ông Đinh Mạnh Thắng - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Thừa Thiên - Huế - cho rằng, ảnh hưởng của dịch COVID-19 đến ngành Du lịch như bão số 5 khiến cây xanh ngã rạp. “Năm 2020 đối với ngành Du lịch coi như bị xoá trắng, phải làm lại từ đầu” - ông Thắng nói.
Thắt chặt liên kết để “xốc” lại du lịch
Phát biểu tại Hội nghị “Hợp tác liên kết phát triển du lịch” giữa cơ quan quản lý du lịch TP.Hà Nội và các tỉnh, thành phố năm 2020, bà Nguyễn Thị Thanh Hương - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch - cho rằng, trong điều kiện hiện nay khi các địa phương vừa phải chống dịch, vừa phải thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế thì việc hợp tác, liên minh và liên kết kích cầu du lịch càng giữ vai trò quan trọng. Đây là giải pháp hữu hiệu nhằm mở rộng, phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương trong vùng liên kết, từ đó giúp tái khởi động các hoạt động du lịch.
“Với vai trò là trọng điểm du lịch, vừa là một điểm đến, vừa là thị trường nguồn khách quan trọng, sự hồi phục của du lịch Hà Nội có tác động lan tỏa, kích thích du lịch của các tỉnh, thành phố lân cận cũng như các liên minh, liên kết vùng đã hình thành”, bà Hương nhấn mạnh. Ông Lê Hữu Minh - quyền Giám đốc Sở Du lịch TT-Huế - đồng tình và cho biết, liên kết với Hà Nội cũng như TPHCM đóng vai trò rất quan trọng đối với các tỉnh miền Trung. Với TT-Huế, sự liên kết hợp tác với Hà Nội và TPHCM sẽ giúp ngành Du lịch tỉnh có sức sống trở lại.
Ông Bùi Văn Mạnh - Phó GĐ Sở Du lịch Ninh Bình - cho rằng, hoạt động quảng bá điểm đến cần phải được đẩy mạnh tạo thành chuỗi điểm đến cho du khách. Lúc này, muốn đi xa phải đi cùng nhau, bởi nếu không tạo được một cộng đồng, một hệ sinh thái liên kết giữa các cơ quan quản lý và doanh nghiệp thì ngành Du lịch rất khó phát triển.
Bàn về giải pháp tăng cường hiệu quả trong hoạt động liên kết du lịch, ông Lê Ngọc Tường - Phó GĐ Sở Du lịch tỉnh Quảng Nam - nêu quan điểm, các địa phương cần ngồi lại với nhau để bàn về những sản phẩm đặc trưng của từng vùng. Mỗi địa phương nên có một sản phẩm riêng, tránh việc cạnh tranh sản phẩm dẫn đến sự giống nhau hay gây xung đột. Để làm được điều này, cần phải có cơ chế chính sách phối hợp để điều chỉnh sao cho phù hợp.
Về phía quản lý của nhà nước, bà Nguyễn Thị Thanh Hương cho rằng, chính sách phối hợp chủ yếu vẫn do các địa phương quyết định và đề nghị các tỉnh, thành phố tiếp tục nghiên cứu xây dựng thương hiệu, sản phẩm du lịch mang bản sắc riêng tránh tình trạng “đi một tỉnh, biết cả vùng”. Bên cạnh đó, tiếp tục đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đạt chuẩn khu vực và quốc tế; nghiên cứu và ban hành những chính sách ưu đãi để kêu gọi và thu hút các nguồn vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng du lịch. Ngoài ra, các địa phương cần chú trọng hơn trong việc sử dụng nền tảng công nghệ số, nên có những ứng dụng công nghệ, phát triển du lịch thông minh trên cùng nền tảng sẽ dễ dàng kết nối hơn.
Cuối tháng 11, Hội nghị toàn quốc về du lịch được tổ chức tại TP.Hội An (Quảng Nam), với chủ đề “Liên kết, hành động và phát triển” có sự tham dự của sở ban ngành và các doanh nghiệp lữ hành. Hội nghị tập trung thảo luận nhiều nội dung quan trọng như Cơ cấu lại thị trường khách du lịch; Phát triển, đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ du lịch; Đẩy mạnh liên kết, hợp tác; Thúc đẩy chuyển đổi số trong du lịch… Là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng với tỉnh Quảng Nam nói riêng và các tỉnh miền Trung nói chung sau 1 năm du lịch ngừng trệ, hội nghị cũng là định hướng quan trọng, thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ trong việc thực hiện mục tiêu kép kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và nhanh chóng đưa nền kinh tế trở lại hoạt động bình thường… |
Theo Nguyễn Hồng/Lao động
https://laodong.vn/van-hoa-giai-tri/luc-nay-muon-di-xa-phai-di-cung-nhau-859180.ldo