19
/
101249
Bức tranh du lịch 2021: Chưa thể bừng sáng
buc-tranh-du-lich-2021-chua-the-bung-sang
news

Bức tranh du lịch 2021: Chưa thể bừng sáng

Thứ 3, 01/12/2020 | 08:17:13
668 lượt xem

Ở kịch bản lạc quan nhất năm 2021 do các chuyên gia du lịch hàng đầu phác thảo, ngành du lịch Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều khó khăn và thử thách. Du lịch chưa thể phục hồi, nhưng không vì thế những người làm du lịch buông xuôi.

Khó bùng nổ

Xách ba lô du lịch thời điểm này mới thấm thía hậu quả cơn bão COVID-19. Từ thành phố đáng sống Đà Nẵng, phố cổ Hội An tới đảo ngọc Phú Quốc- điểm đến hấp dẫn và thu hút nhất nước hiện nay- đều khá đìu hiu hoặc hoạt động cầm chừng. Nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp đóng cửa hoặc chỉ hoạt động với công suất rất nhỏ. Ông Dieter Schenk, Giám đốc điều hành Tui Bleu cho biết, khu nghỉ dưỡng ở Tam Tiến (Quảng Nam) khai trương năm ngày phải đóng cửa vì COVID-19 bùng phát. Khu nghỉ dưỡng này là một trong vài khu ở Quảng Nam mạnh dạn mở cửa hoạt động thời điểm này. 

Du lịch Việt Nam mất 23 tỷ USD doanh thu, hàng triệu việc làm. Cơn khủng hoảng này chưa dừng lại ở năm nay. “Du lịch năm 2021 khó bùng nổ”, ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban Thư ký Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) nhận định. Ông Chính phân tích, các chuyên gia TAB phác thảo ba tình huống. Ở tình huống bi quan nhất khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, du lịch dự kiến chỉ có thể phục vụ 40-55 triệu lượt khách nội địa. Tình huống bình thường hơn, khách nội địa có thể đạt 55-70 triệu lượt. Kịch bản lạc quan nhất là khách nội địa đạt 70-80 triệu lượt.

Bức tranh du lịch 2021: Chưa thể bừng sáng - ảnh 1

Nhiều khu nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế tung nhiều gói giảm giá ưu đãi thu hút khách Việt

Riêng với kế hoạch đón khách quốc tế, chuyên gia TAB cho rằng tình huống lạc quan nhất là khi khách du lịch quốc tế được tiêm chủng vắc xin trên diện rộng, Việt Nam đón khách từ quý 2/2021, lượng khách quốc tế cũng chỉ đạt 7-10 triệu khách. Đây là con số chỉ bằng một nửa so với năm 2019, đến từ một số quốc gia kiểm soát tốt dịch bệnh và đạt được thỏa thuận song phương về hành lang du lịch an toàn. Thế nhưng với kịch bản xấu nhất, Việt Nam chỉ có thể đón khách từ quý 4 năm sau, nên lượng khách quốc tế may ra đạt 15% so với năm 2019.

Ông Nguyễn Quang Trung, Trưởng ban Kế hoạch Phát triển Vietnam Airlines tại Hội nghị toàn quốc về Du lịch năm 2020 diễn ra ở Hội An đánh giá Việt Nam có sự thuận lợi để đón khách quốc tế do nước ta kiểm soát dịch bệnh tốt, tuy nhiên tới 2023 may ra mới hồi phục như 2019. Đại diện hãng hàng không quốc gia đề xuất một số giải pháp như: Ban hành các quy định liên quan đến an toàn với du khách, nâng cao công tác an toàn ở các điểm tham quan; xây dựng chương trình du lịch có trọng điểm, chi tiết nhằm hút du khách; đồng thời sớm hoàn thiện công tác an toàn, kiểm soát dịch bệnh để sẵn sàng mở cửa đón du khách quốc tế.

Không thể bỏ kích cầu

Ông Lương Hoài Nam, thành viên TAB nêu ba nhóm giải pháp cho du lịch năm tới. Phải coi du lịch nội địa là trọng tâm trong vài năm tới. Khi du lịch quốc tế chưa khả quan, khách nội địa vẫn là cứu cánh. Tuy nhiên Chính phủ và ngành du lịch cũng phải giải đáp những vấn đề cấp thiết, đó là người dân có nhu cầu du lịch, doanh nghiệp muốn kinh doanh nên phải tháo gỡ khó khăn để dung hòa nhu cầu giữa hai bên.

Người dân trông đợi có chính sách kích cầu trong đó không thể bỏ qua yếu tố giá tua hấp dẫn, không thể quá đắt đỏ. “Tạo ra cú hích cho du lịch nội địa thông qua chính sách kích cầu. Muốn như vậy doanh nghiệp hàng không, du lịch bắt tay nhau đưa ra gói tua hấp dẫn người Việt và cả người nước ngoài đang sinh sống, làm việc ở nước ta. Nhưng trớ trêu thay, nếu giá rẻ quá thì nảy sinh chuyện doanh nghiệp càng kinh doanh càng lỗ. Chính vì thế, nhà nước nên có chính sách hỗ trợ hợp lí cho người dân và doanh nghiệp”, ông Lương Hoài Nam đề xuất.

Chính phủ có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó thông qua chính sách miễn giảm thuế phí, vay vốn. Tuy thế, ông Hoàng Nhân Chính nêu, cần giải pháp bền vững hơn. “Đó là cách nào giúp cho doanh nghiệp có khách du lịch để phục vụ. Nhiều đại diện doanh nghiệp nói rằng có lượng tiền kinh doanh chỉ sống thêm 1-2 tháng rồi đóng cửa. Vì thế nếu chúng ta giải quyết được vấn đề có du khách thì họ mới tồn tại và có giải pháp lâu dài”, ông Chính nói. Không nên bàn nên hay chưa nên đón khách quốc tế thời điểm này, các chuyên gia TAB cho rằng cần  bàn giải pháp để làm sao có thể đón khách quốc tế.

Ông Zurab Pololikashvili, Tổng thư ký Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) tin tưởng Việt Nam sẽ tiếp tục là một điển hình cho tinh thần trách nhiệm của nhà nước và Chính phủ trong quá trình phòng chống dịch. Ông nói UNWTO sẽ tăng cường hỗ trợ Việt Nam trong quá trình thích ứng với tình hình mới. Bộ hướng dẫn tái khởi động ngành du lịch toàn cầu của UNWTO là lộ trình phù hợp, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác công tư và ưu tiên sức khoẻ cộng đồng- sẽ hữu ích cho du lịch trong những ngày tháng gian nan sắp tới.

Bà Gloria Guevara, Chủ tịch Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới (WTTC) phân tích về hướng phục hồi du lịch lữ hành thế giới. “Chúng ta cần tập trung đơn giản hóa trải nghiệm du lịch, bao gồm lộ trình từ sân bay đến khách sạn. Nó được chia làm hai giai đoạn trước và sau vắc xin. Ta chưa đủ khả năng kinh tế để đóng băng du lịch hoàn toàn khi chưa có vắc xin. Ta phải học cách sống chung, bằng cách truy dấu tiếp xúc. Đó là lý do nhiều nước tiến hành xét nghiệm tại khu vực làm thủ tục để cách ly những người có bệnh. Việc làm này là thiết yếu giúp gây dựng lại niềm tin của du khách”, bà Gloria nói.

Đẩy mạnh chuyển đổi số

Chuyển đổi số mạnh mẽ hơn nữa là một trong những yêu cầu Chính phủ trong thời gian qua, nhất là sau khi COVID-19 bùng phát. Ông Lê Khắc Hiệp, Phó Chủ tịch tập đoàn Vingroup nêu kinh nghiệm hệ thống Vinperal chuyển đổi số từ năm 2018 để vận hành hệ thống lưu trú khách sạn, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí. Không những vậy, tập đoàn còn chú trọng đẩy mạnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo, Big data để đo thi hiếu của khách, coi chuyển đổi số là động lực cho doanh nghiệp du lịch phục hồi sau đại dịch và tăng sức mạnh cạnh tranh.

Ông Phan Việt Cường, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam đề xuất chuyển đổi số trong kích cầu du lịch, cam kết với Chính phủ và các ban bộ ngành thúc đẩy du lịch phát triển bền vững. Quảng Nam năm 2019 đạt được thành tựu nổi bật với việc đón trên 7,7 triệu khách du lịch, trong đó khách quốc tế chiếm 50%.

Theo Nguyên Khánh/Tiền phong

https://www.tienphong.vn/van-hoa/buc-tranh-du-lich-2021-chua-the-bung-sang-1757452.tpo

  • Từ khóa

Câu hò, điệu ví của ông cha làm nên cốt cách, tâm hồn người dân xứ Nghệ

Tối 23-11, tại quảng trường Hồ Chí Minh, TP Vinh, tỉnh Nghệ An diễn ra lễ kỷ niệm 10 năm dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa...
08:22 - 24/11/2024
178 lượt xem

Lễ trao Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ 7 sẽ diễn ra vào ngày 29/11

Ngày 2/11, tại Hà Nội, Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức họp báo thông tin về Lễ trao Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ 7-năm 2024 sẽ diễn ra vào ngày 29/11...
16:55 - 22/11/2024
1,146 lượt xem

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nói gì về 'làng chạy' thành làng du lịch tốt nhất?

Từ một nơi dân phải bồng bế nhau chạy trốn, làng Tân Hóa nay sống khỏe nhờ cách làm du lịch độc đáo.
15:40 - 22/11/2024
1,150 lượt xem

'Điện Biên Phủ - Bản anh hùng ca thế kỷ' đưa 100 văn nghệ sĩ TP.HCM thăm vùng Tây Bắc

Hành trình 'Điện Biên Phủ - Bản anh hùng ca thế kỷ' diễn ra từ ngày 26 đến 30-11 với các hoạt động ý nghĩa như: Trao quà hỗ trợ bà con khó khăn, bị ảnh...
14:14 - 22/11/2024
1,220 lượt xem

Sáng đạo trong đời đánh thức nội tâm thanh tịnh trong ta, yêu thương từ bi lan tỏa

Hòa thượng Thích Thọ Lạc nói xem triển lãm ‘Sáng đạo trong đời’ chúng ta, như được chiêm ngưỡng một thế giới nội tâm thanh tịnh, nơi mà tình yêu thương và...
14:50 - 22/11/2024
1,204 lượt xem