Diễn đàn "Liên kết phát triển du lịch giữa TP.HCM, Hà Nội và các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm miền Trung" diễn ra chiều nay 27-11 tại Quảng Nam.
Phố cổ Hội An đang dịch chuyển rất chậm để có khách trở lại - Ảnh: B.D.
Theo các chuyên gia, ngoài chuyện thiếu vắng du khách quốc tế - nguồn khách chủ lực của thị trường du lịch miền Trung do bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, việc thiếu liên kết chặt chẽ với các thị trường khách lớn như Hà Nội và TP.HCM cũng là yếu tố khiến cho du lịch miền Trung chậm phục hồi, bởi chưa thu hút được nguồn du khách nội địa
Du lịch chờ được "hâm nóng" trở lại
Vừa trở về từ các tỉnh Tây Bắc, ông Lê Ngọc Thuận - phó chủ tịch Hiệp hội du lịch Quảng Nam, cho biết không khí du lịch tại những địa phương này khá sôi động, khác hẳn với cảnh vắng vẻ tại Hội An thời gian gần đây.
"Khách đoàn, đặc biệt là các nhóm trẻ, công chức từ các nơi đổ về các điểm du lịch khu vực Tây Bắc rất đông. Lẽ ra nguồn khách này sẽ được chia sẻ nếu các doanh nghiệp ở Hội An biết kết hợp và làm ăn với các tỉnh thành lớn", ông Thuận nói.
Trước đó, sau khi lũ rút, các chương trình đã có thương hiệu của Hội An như "Phố dành cho người đi bộ và xe không động cơ", "Phố đêm", hoạt động hướng dẫn tham quan khu phố cổ Hội An và các làng nghề truyền thống đã được đồng loạt mở cửa trở lại. Chợ phiên Tân Thành với hàng chục gian hàng đã bắt đầu nhóm họp trở lại từ 21-11. UBND TP Hội An cũng đưa ra chính sách ưu đãi giảm 50% giá vé tham quan khu phố cổ Hội An áp dụng đến hết tháng 3-2021.
Một tour du lịch hiếm hoi được Công ty EMIC Hội An tổ chức hôm 24-11 - Ảnh: B.D.
Tuy nhiên, theo ghi nhận, chỉ có người nước ngoài sinh sống tại Hội An, Đà Nẵng và một số khách địa phương lui tới Hội An. Theo ông Phan Xuân Thanh - chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, sau khi lũ rút và dịch cơ bản đã được kiểm soát tốt, nhiều nhà hàng và khách sạn tại Hội An đã bắt đầu mở cửa trở lại.
"Nhiều doanh nghiệp cũng bắt đầu rao bán các tour mới sau đại dịch như tour trải nghiệm chèo thúng và bắt cá cùng ngư dân, trải nghiệm phố cổ bằng xe cổ, tour trải nghiệm biến rác thành đồ ăn...", ông Thanh cho biết
Theo ông Lê Quốc Việt - chủ một villa ở ven biển An Bàng, từ khi bùng phát dịch COVID-19 đến nay, nguồn khách nước ngoài bị cắt đứt, đơn vị này chỉ đón các đoàn khách lớn tuổi từ Hà Nội như Hội Cựu chiến binh, cựu giáo chức, các đoàn nghỉ dưỡng của các cụ già do nhóm con cháu thiết kế tour.
"Trong bối cảnh hiện nay, khách trong nước có nhiều lựa chọn ngon, bổ, rẻ hơn và việc của mình là kết nối để thu hút khách", ông Việt nói.
Phải liên kết mới kéo được khách
Ông Cao Trí Dũng - chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, cho rằng cách làm du lịch tại các tỉnh miền Trung phải thay đổi nếu muốn kéo khách trở lại. Không thể mãi quan niệm rằng miền Trung đẹp, nhiều di sản, văn hóa sâu, có giá trị để khách phải tự tìm tới. Khách tìm tới nhưng đầu mối trung gian ở đây chính là các doanh nghiệp đưa đón, thiết kế tour, là các hãng hàng không, sân bay, là tàu du lịch biển, ngành vận tải...
Ngành du lịch hơn lúc nào hết cần những cái bắt tay để tâp hợp lực lượng. Trong ảnh: một gian hàng tại chợ phiên Tân Thành, Hội An - Ảnh: B.D.
"Đại dịch đã lấy đi quá nhiều, đẩy doanh nghiệp vào thế nan giải chưa từng có, nhưng cũng là lúc để thay đổi và ngồi lại, bắt tay nhau để tất cả sẽ cùng thắng" - ông Dũng nói, đồng thời cho biết nhiều doanh nghiệp du lịch lớn tại Đà Nẵng, các khu lưu trú sang trọng đang nỗ lực liên kết, chấp nhận chia sẻ lợi nhuận để hướng đến mục đích chung là làm ấm lại bầu không khí du lịch.
Ngày 24-11, Đà Nẵng đón đoàn 100 doanh nhân, chủ các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam tới để tham quan, trải nghiệm tại địa phương. Chương trình kết thúc bằng một lễ ký kết hợp tác rất lớn và sẽ có những thay đổi cho hoạt động du lịch thời gian tới. Khu du lịch Bà Nà Hill, Sunworld cũng ngồi lại ký kết hợp tác đưa đón khách với các hãng hàng không, các khu lưu trú lớn.
Một lãnh đạo Sở Du lịch Thừa Thiên - Huế cho biết các chương trình kích cầu đang được khởi động lại với xu hướng lớn nhất là sự kết nối mang tính liên thông vùng, quốc gia. Tại miền Trung, chương trình hợp tác "Ba địa phương một điểm đến" đang lôi kéo sự tham gia của nhiều doanh nghiệp.
"Chúng ta không thể ngồi đợi khách tới, mà phải hỏi thăm nhau anh có cái gì, tôi có cái gì để rồi trưng ra bày biện mời khách tới. Khách giai đoạn này chủ yếu là khách nội địa, các đoàn tham quan nghỉ dưỡng quy mô hộ gia đình, hội nghị, hội họp nên tâm lý chung là trải nghiệm càng nhiều, dịch vụ vừa phải và ở càng dài thì càng tốt. Không doanh nghiệp nào đủ sức bao quát tất cả, nên ráp nối với nhau chính là cách cùng nhau chiến thắng", vị lãnh đạo này nói.
Ông Nguyễn Thành Phong (Chủ tịch UBND TP.HCM ): Các hoạt động liên kết phải thực chất hơn Lượng khách du lịch từ Hà Nội và TP.HCM đến các tỉnh miền Trung không ngừng tăng cao trong những năm qua. Tuy nhiên, sự liên kết trong lĩnh vực du lịch của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung với các thị trường lớn như Hà Nội, TP. HCM chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh vốn có của các địa phương. Trong bối cảnh du lịch Việt đang tập trung thực hiện kích cầu du lịch nội địa với chương trình "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam", chương trình "Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn" nhằm khôi phục và phát triển du lịch trong trạng thái bình thường mới, TP. HCM cam kết đẩy mạnh việc tổ chức thực hiện các hoạt động liên kết phát triển du lịch với vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đi vào thực chất và hiệu quả. |
Theo Thái Bá Dũng/Tuổi trẻ
https://dulich.tuoitre.vn/du-lich-mien-trung-phai-bat-tay-nhau-de-cung-thang-20201127125236095.htm