Về các tỉnh miền Tây Nam bộ, du khách sẽ được thưởng thức các món ăn ngon. Nếu ở An Giang có món bún cá, Hậu Giang có bún mắm thì Sóc Trăng lại “níu chân” du khách bởi món bún nước lèo.
Anh Thạch Hồng (một người dân Khmer ở Sóc Trăng) chia sẻ, bún nước lèo là món ăn truyền thống của người Khmer, có tên gọi là “num-chooc”, còn người Kinh gọi là bún nước lèo.
Bún nước lèo gồm 2 thành phần chính là bún và nước lèo. Trong đó bún là sản phẩm hết sức quen thuộc với nhiều địa phương được chế biến từ gạo, có sợi dài, trắng; còn nước lèo là sản phẩm từ sự khéo tay của người nội trợ.
Nguyên liệu để nấu bún.
Bà chủ quán bún nước lèo Ba Te nổi tiếng ở thị trấn Mỹ Xuyên (huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) cho biết: Trước đây, nguyên liệu chính để nấu nước lèo là mắm bò hóc (người Khmer gọi là “prohok”) đặc thù của người Khmer.
Nhưng do món mắm này quá nồng khiến thực khách “khó chịu” nên được thay bằng loại mắm cá sặc hay cá linh vì những loại mắm này có mùi nhẹ hơn. Cũng có nơi người nấu bún có sự kết hợp 3 loại mắm là mắm bò hóc, mắm cá sặc và mắm nêm khi nấu nước lèo.
Nồi nước lèo.
Để nấu món bún nước lèo, người nấu bún sẽ chuẩn bị các nguyên liệu là bún, ngải bún, cá lóc (cá quả, cá chuối, cá tràu), tôm, thịt heo quay, sả, rau thơm, giá, hẹ, bắp chuối bào, rau muống bào, ớt,… và nước lèo.
Về bún, người nấu bún nước lèo chọn loại bún sợi nhỏ, dài, có màu trắng, thơm. Loại bún này rất dễ ngấm vào gia vị và nước lèo, làm dậy lên mùi thơm đậm đà đặc trưng của món bún. Còn các thành phần khác như cá lóc, tôm, thịt heo quay được sơ chế và nấu chín sẵn để ăn kèm cùng với bún.
Nước lèo được nấu hoàn toàn từ xương, thịt và nước cốt dừa nên khi ăn vào thấy rất thơm và ngọt nước. Xương được hầm trong 4 đến 6 tiếng để cho ra loại nước thơm ngon, ngọt, giàu chất dinh dưỡng.
Món bún nước lèo thường được ăn kèm cùng với rau sống hay hoa chuối xắt nhỏ để tăng thêm hương vị thanh mát của nó.
Chuẩn bị sẵn sàng phục vụ khách.
Nhiều người gọi bún nước lèo Sóc Trăng là “món ăn đoàn kết”, bởi nó là sự kết hợp tinh hoa của dân tộc Kinh - Khmer - Hoa, thể hiện ở mỗi thành phần món ăn là đặc trưng của 3 dân tộc.
Ở Sóc Trăng ngày nay hầu như ở tất cả các địa phương đều có rất nhiều quán bún nước lèo, nhưng nhiều người vẫn tìm đến các quán bún nước lèo có bề dày thâm niên như quán bún nước lèo Ba Te (ấp Hòa Mỹ), quán 189 (ấp Chợ Cũ) đều thuộc thị trấn Mỹ Xuyên, huyện Mỹ Xuyên; quán Cây Nhãn (đường Võ Đình Sâm, phường 8, TP Sóc Trăng), quán Thảo Nhi đường Phú Lợi (phường 2), quán Cá Đồng (quốc lộ 1A, phường 2, TP Sóc Trăng),…
Hấp dẫn tô bún nước lèo.
Với người dân Sóc Trăng, đi đâu, làm gì vẫn không quên được hương vị bún nước lèo Sóc Trăng. Nhiều người sinh sống, làm việc ở TPHCM và các tỉnh khác, những nơi đó cũng có “bún nước lèo Sóc Trăng” nhưng đều nhớ về bún nước lèo Sóc Trăng bởi hương vị của tô bún xứ người thua xa hương vị tô bún quê nhà.
Còn những người ở tỉnh khác khi đến Sóc Trăng cũng tìm quán ngon để thưởng thức bún nước lèo đúng gốc Sóc Trăng. Thưởng thức xong, nhiều người cho rằng, “đến Sóc Trăng mà chưa ăn bún nước lèo Sóc Trăng thì coi như chưa đến Sóc Trăng”.
Theo Cao Xuân Lương/ Dân Trí
https://dantri.com.vn/du-lich/xuyt-xoa-nem-thu-bun-nuoc-leo-an-roi-lai-muon-an-them-dac-san-o-soc-trang-20201116101252960.htm