Từ tháng 10, dọc trên tuyến đường biên giới huyện Bình Liêu – được ví như "Sa Pa của Quảng Ninh" – trắng một màu hoa lau. Cung đường ấy khúc khuỷu, gập ghềnh, uốn lượn hàng chục km trên vùng đồi núi cao khoảng 1.000m so với mặt nước biển khiến nơi đây từ lâu đã trở thành một điểm du lịch cực kỳ hấp dẫn với du khách thập phương, nhất là với dân “phượt”.
Hoa lau trắng miền biên giới Bình Liêu. Ảnh: Nguyễn Hùng
Tuần Văn hóa – Du lịch và Hội Mùa vàng huyện Bình Liêu năm 2020 khai mạc tối hôm qua, 7.11.2020, nhưng từ đầu tháng 10, du khách thập phương đã đổ về Bình Liêu khá đông. Một trong những điểm đến chính của họ chinh phục đường biên giới trên độ cao khoảng 1.000m kéo dài cả trăm km từ Bình Liêu, Quảng Ninh sang tận Lạng Sơn, với những phong cảnh tuyệt đẹp, kỳ vĩ. Mùa này, hoa lau nở trắng các cung đường. Đây cũng là mùa lúa chín vàng trên các ruộng bậc thang trải khắp các sườn đồi, càng làm cho Bình Liêu nên thơ.
Cung đường tuần tra hùng vĩ và đầy mê hoặc. Ảnh: Nguyễn HùngCảnh đẹp làm say đắm lòng du khách. Ảnh: Nguyễn HùngBình Liêu đang vào mùa hoa lau trắng miền biên giới. Ảnh: Nguyễn HùngĐặt chân được lên những điểm cao bạt ngàn hoa lau trắng trên đường tuần tra biên giới không phải dễ dàng, bởi đường đèo khúc khuỷu, nguy hiểm. Ảnh: Nguyễn HùngDu khách chụp ảnh trên một cột mốc biên giới, xung quanh một màu trắng của bạt ngàn hoa lau. Ảnh: Nguyễn HùngDập dìu xe, du khách tới các điểm có hoa lau. Ảnh: Nguyễn HùngNhững cung đường tuyệt đẹp. Ảnh: Nguyễn HùngBình Liêu được biết đến là mảnh đất biên giới nằm ở vùng Đông Bắc có vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ và nên thơ, gắn liền với những rừng hồi, quế, sở xanh tươi, những cái tên như: Thác Khe Vằn, Khe Tiền, Ngàn Chi, dãy núi Cao Ba Lanh, Cao Xiêm được ví như “nóc nhà vùng Đông Bắc”, những thửa ruộng bậc thang uốn lượn.Bình Liêu hiện có rất nhiều ngôi nhà trình tường bằng đất cổ của đồng bào các dân tộc thiểu số. Ảnh: Nguyễn Hùng
Bên cạnh đó, Bình Liêu còn là vùng đất có bề dày các giá trị văn hóa phong phú, được cộng đồng các dân tộc sinh sống trên địa bàn gìn giữ bao đời nay, tạo nên bản sắc riêng, từ tiếng nói, những lễ hội truyền thống, các sinh hoạt văn hóa truyền thống đặc sắc (hát Then, đàn Tính của dân tộc Tày, hát Pả Dung của dân tộc Dao, hát Soóng Cọ của dân tộc Sán Chỉ…) cho đến các giá trị ẩm thực, văn hóa độc đáo khác…
Theo Nguyễn Hùng/Lao động
https://laodong.vn/van-hoa-giai-tri/du-khach-me-man-voi-mua-hoa-lau-trang-duong-tuan-tra-bien-gioi-852702.ldo