Nhờ khoản đầu tư không lãi suất gần nửa tỷ USD của ông chủ Farhad Moshiri, Everton dần bộc lộ tham vọng leo vào hàng ngũ đại gia Ngoại hạng Anh.
Phút 45, trận đấu ở vòng hai Ngoại hạng Anh gặp West Brom, James Rodriguez đỡ một nhịp ngoài cấm địa rồi duỗi mu sút bóng về góc hiểm nâng tỷ số lên 2-1. Tiền vệ người Colombia là nguồn cảm hứng giúp Everton thắng 5-2 và vươn lên đỉnh bảng Ngoại hạng Anh.
Rời sân ở phút 78, anh và HLV Carlo Ancelotti ôm nhau, rồi cười nói vui vẻ. Người hâm mộ Everton trước đây có lẽ chỉ mơ mới thấy Ancelotti và Rodriguez chia vui ở Goodison Park.
Rodriguez tỏa sáng đưa Everton lên đỉnh bảng Ngoại hạng Anh sau vòng hai. Ảnh: Reuters
Người biến giấc mơ của Everton thành hiện thực là Farhad Moshiri. Kể từ khi mua lại Everton năm 2016, Moshiri đã đầu tư 452 triệu USD vào đội bóng, dưới hình thức cho vay không lãi suất. Trung bình mỗi mùa, ông bơm 100 triệu USD cho CLB chủ sân Goodison Park. Chỉ có Roman Abramovich đầu tư nhiều hơn cho một CLB Anh trong giai đoạn này, 114 triệu USD mỗi mùa với Chelsea.
Trước triều đại của Moshiri, Everton lỗ tám trên 11 mùa liên tiếp. Trong ba mùa còn lại, một mùa họ hòa vốn. Lỗ lũy kế 11 từ 2006 đến 2016 đạt 56 triệu USD. Tức là trung bình mỗi mùa họ lỗ năm triệu USD. Mùa duy nhất Everton lãi đáng kể là 2013-2014, với 36 triệu USD, phần lớn từ thương vụ 38 triệu USD mang tên Marouane Fellaini, sang Man Utd.
Năm 2016, lợi nhuận gộp của Everton thua cả Crystal Palace, Southampton, Norwich hay West Brom, dù họ đứng trong top 8 trong tám mùa liên tiếp giai đoạn 2007-2014. Chủ tịch Everton Bill Kenwright và nhiều thành viên trong hội đồng quản trị tìm cách rao bán Everton. Với niềm đam mê bóng đá, Moshiri bán cổ phần ở Arsenal cho tỷ phú Nga Alisher Usmanov, dành tiền mua 49,9% cổ phần Everton, với giá 113 triệu USD ngày 27/2/2016. Thị giá của đội bóng khi đó là 226 triệu USD.
Moshiri khao khát sở hữu một CLB Ngoại hạng Anh và ông đang muốn đưa Everton vào nhóm đại gia. Ảnh: Telegraph
Hè 2016, Moshiri bắt đầu cho Everton mượn 134 triệu USD, để trả nợ, lãi suất và mua cầu thủ. Trước đó Everton chưa bao giờ chi đến 60 triệu USD để mua cầu thủ trong một mùa giải. Nhưng, trong mùa 2016-2017, họ bỏ ra tới 102 triệu USD mua sắm, với Yannick Bolasie (34 triệu USD), Morgan Schneiderlin (27 triệu USD) hay Ashley Williams (17 triệu USD).
Khối tài sản của Moshiri năm 2020 được Forbes định giá 2,5 tỷ USD, chỉ đứng thứ 12 trong danh sách tỷ phú sở hữu đội bóng ở Ngoại hạng Anh. Dù Moshiri mê bóng đá, việc ông chi 100 triệu USD mỗi năm vào Everton cũng là không bình thường. Người ta tin rằng Moshiri còn được hậu thuẫn, bởi một người giàu hơn, đó là Usmanov.
Usmanov từng sở hữu 30% cổ phần Arsenal. Với khối tài sản 15,7 tỷ USD, Usmanov giàu hơn cổ đông chính của Arsenal - Stan Kroenke, nhưng ông không được bầu vào hội đồng quản trị. Sau nỗ lực mua lại Arsenal từ Kroenke bất thành, Usmanov bán hết cổ phần của ông với giá 700 triệu USD tháng 8/2018, lời 382 triệu USD. Chỉ một tháng sau, Moshiri mua thêm 18,7% cổ phần ở Everton, lên mức 68,6%. Ông hứa hẹn mua thêm 8,6% cổ phần, vượt mức 75%, để chiếm toàn quyền tự quyết ở Everton. Quả thực, Moshiri làm được điều đó vào tháng 6/2019.
Trong mùa 2018-2019, Moshiri dốc thêm 190 triệu USD vào Everton. Nhiều nguồn tin đồn rằng Usmanov đã chuyển dòng tiền sang Everton, nhưng người phát ngôn của cả hai tỷ phú này phủ nhận. Việc sở hữu chéo các đội bóng bị cấm ở Ngoại hạng Anh.
Moshiri xuất thân là kiểm toán viên của E&Y và Deloitte. Từ đó, ông gặp gỡ và dần trở thành bạn thân của Usmanov. Với vai trò cố vấn, Moshiri được Usmanov chia cho 5% cổ phần của tập đoàn USM Holdings. USM do Usmanov thành lập năm 2012, và ông sở hữu chính.
Usmanov (trái) được cho là hậu thuẫn Moshiri ở Everton. Ảnh: AP
Moshiri đang lên kế hoạch xây sân mới cho Everton, với chi phí ít nhất 382 triệu USD. USM hứa hẹn tài trợ 38 triệu USD mỗi năm cho Everton để đặt tên cho sân mới. Từ tháng 1/2017, USM cũng cam kết tài trợ 15 triệu USD hàng năm chỉ để đặt tên cho đại bản doanh đội bóng. Trước triều đại Moshiri, Everton chỉ kiếm được 12 triệu USD tiền tài trợ mùa 2015-2016. Một khi xây xong sân mới, Everton có thể kiếm 53 triệu USD mỗi năm, chỉ từ USM. Tính thêm khoản thu 24 triệu USD mỗi năm từ hợp đồng áo đấu với Cazoo và Hummel từ năm 2020, Everton có thể đạt doanh thu tài trợ tối thiểu 77 triệu USD, tăng hơn sáu lần trong năm năm.
Nếu việc Usmanov hậu thuẫn Moshiri là đúng, Everton đang sở hữu nguồn tài chính khổng lồ. So với các ông chủ ở Ngoại hạng Anh, Usmanov giàu chỉ sau Mansour Al Nahyan - người sở hữu Man City. Hai tỷ phú này sẵn sàng rót thêm tiền vào Everton khi cần.
Tiền chỉ là điều kiện cần, nhưng chưa đủ để mang lại thành công cho Everton trên sân bóng. Họ chi tới 596 triệu USD để mua cầu thủ chỉ trong bốn mùa đầu tiên dưới triều đại Moshiri. Nhưng, Everton chỉ về thứ 12 ở Ngoại hạng Anh mùa trước - vị trí thấp nhất trong 16 năm.
Vấn đề của Everton là họ đổ nhiều tiền cho cầu thủ trẻ có tiềm năng, nhưng không phải ai cũng trở thành sao "hạng A". Những hợp đồng trên 30 triệu USD như Gylfi Sigurdsson, Davy Klaassen, Alex Iwobi, Moise Kean hay Yerra Mina đều chưa đủ tầm để thay đổi cả đội bóng. Thành công hiếm hoi của Everton từ chuyển nhượng giai đoạn này là tiền đạo Richarlison.
Để thu hút nhân tài, Everton cũng cần một HLV danh tiếng. Vì thế, họ sẵn sàng trả lương 14 triệu USD mỗi năm cho Ancelotti - HLV từng ba lần vô địch Champions League. Ông góp công đưa về ba tân binh trong hè này, đó là Abdoulaye Doucoure, Allan và James Rodriguez. Điểm chung của ba tân binh là không còn quá trẻ, không đắt hơn 30 triệu USD, và đã kiểm chứng tài năng. Doucoure là mục tiêu của nhiều đội mạnh, Allan nhiều năm cầm trịch tuyến giữa của Napoli, còn Rodriguez từng đoạt Giày Vàng World Cup 2014.
Ancelotti (phải) và Rodriguez xuất hiện ở Everton là giấc mơ của người hâm mộ. Ảnh: Reuters
Ba tiền vệ tân binh thay đổi toàn diện tuyến giữa Everton. Từ đội bóng chơi kiểu Anh truyền thống với sơ đồ 4-4-2, Everton chơi đa dạng hơn dưới thời Ancelotti. Ông sử dụng sơ đồ 4-3-3, với tam tấu Rodriguez, Richarlison và Dominic Calvert-Lewin trên hàng công. Allan, Doucoure và tuyển thủ Bồ Đào Nha Andre Gomes quán xuyến trung tuyến. Dàn cầu thủ này đủ mạnh để cạnh tranh vị trí dự Cup châu Âu. "Tôi đã có những cầu thủ như ý muốn, và giờ là lúc để vươn đến top đầu", Ancelotti nói trước mùa giải 2020-2021.
Everton giàu thành tích thứ tư ở Anh, với chín chức vô địch, sau Man Utd, Liverpool và Arsenal. Goodison Park cũng là sân bóng chuyên dụng đầu tiên ở Anh, năm 1892. Truyền thống cũng sẽ là nền tảng để Everton chuyển mình thành đại gia mới của Ngoại hạng Anh.
Việc ông chủ hào phóng như Moshiri, hay Usmanov, dốc tiền cho đội bóng từng có tiền lệ ở Ngoại hạng Anh, đó là Abramovich và Al Nahyan. Abramovich mất hai năm để giúp Chelsea vô địch, còn Al Nahyan mất bốn năm. Tính cạnh tranh ở top đầu Ngoại hạng Anh ngày càng cao, và Moshiri cần thêm nhiều năm nữa mới hy vọng chinh phạt danh hiệu. Nhưng, ông sẵn sàng cho cuộc chiến trường kỳ đượm mùi kim tiền.
Theo VnExpress
https://vnexpress.net/buoc-chuyen-minh-cua-everton-4164465.html