Việc Filip Nguyễn tuyên bố tìm cơ hội khoác áo tuyển Cộng hòa (CH) Séc để lại nhiều bài học, trong việc chiêu mộ nhân tài cho bóng đá Việt Nam.
Thủ môn Filip Nguyễn được gọi lên tuyển CH Séc, chuẩn bị cho trận gặp Scotland ở Nations League. Đây là quyết định rất bất ngờ với chính bản thân anh cũng như người hâm mộ Việt Nam. Phải thẳng thắn, Filip Nguyễn được trao cơ hội ở đội hình 2, bởi toàn bộ đội hình 1 đã bị cách ly do có 2 người nhiễm COVID-19.
Thủ môn gốc Việt sau đó họp gia đình và đưa ra tuyên bố trên trang cá nhân rằng anh sẽ tận dụng cơ hội này để khoác áo tuyển CH Séc. Anh nhấn mạnh, bản thân đã đệ đơn xin có quốc tịch Việt Nam hơn 3 năm qua nhưng không có kết quả. Anh mong người hâm mộ thông cảm và hiểu cho quyết định của anh.
Thực tế, Filip Nguyễn không ra sân ở trận gặp Scotland. Tuy nhiên, cơ hội để anh khoác lên mình màu áo tuyển Việt Nam cũng không khả quan hơn, một phần vì những rào cản từ quy định của FIFA, quá trình nhập tịch từ Chính phủ Việt Nam cũng như từ chính tuyên bố của chính anh.
Dù Filip Nguyễn chưa thi đấu cho tuyển CH Séc, cơ hội cho Filip Nguyễn tại tuyển Việt Nam vẫn chưa rõ ràng. Ảnh: Slovan Liberec.
Trường hợp xấu nhất, thủ môn sinh năm 1992 sẽ không thể khoác áo tuyển Việt Nam. Đây là điều rất đáng tiếc cho đội tuyển, bởi anh là cầu thủ Việt kiều có tài năng thật sự, đã khẳng định được chỗ đứng tại một giải vô địch quốc gia tầm trung tại Châu Âu.
Filip Nguyễn nổi bật hơn hẳn những cầu thủ Việt kiều về nước vài năm gần đây như Michal Nguyễn, Đặng Văn Robert, Martin Lò, Adriano Schmidt… Huấn luyện viên Park Hang-seo cũng từng để ngỏ muốn trao cơ hội cho anh (khi có quốc tịch Việt Nam), bởi vị trí thủ môn có đặc thù riêng, không phải trao đổi, liên lạc với nhau nhiều như các vị trí khác trên sân.
Có thể thấy từ Lee Nguyễn, Filip Nguyễn, Tristan Do hay Yohan Cabaye – những cầu thủ gốc Việt có trình độ cao đều không quá mặn mà với bóng đá Việt Nam. Dĩ nhiên, mỗi cầu thủ đều có cái “khó” riêng, nhưng với việc giải vô địch quốc gia (V.League) chưa thật sự chuyên nghiệp, thành tích đi xuống của tuyển quốc gia suốt thời gian dài, VFF không “chủ động” đánh tiếng, săn đón từ sớm… khiến họ chọn cống hiến với những nền bóng đá chuyên nghiệp hơn, trình độ hơn, thay vì quyết gắn bó với bóng đá Việt Nam.
Các nước Đông Nam Á tích cực săn cầu thủ “ngoại”
Trong bối cảnh bóng đá đang toàn cầu hóa mạnh mẽ, Liên đoàn bóng đá (LĐBĐ) các nước Đông Nam Á rất tích cực tìm kiếm nhũng tài năng trẻ khắp thế giới, mang trong mình dòng máu của quốc gia đó, để mời về khoác áo các đội tuyển quốc gia, tăng sức cạnh tranh ở các giải quốc tế.
Thái Lan thuyết phục thành công Benjamin Davis của Fulham khoác áo đội U23 nước này. Ảnh: Getty.
Chẳng hạn, U23 Thái Lan đã thuyết phục thành công cầu thủ chạy cánh Ben Davis, vốn đang khoác áo Fulham tại Premier League. Cầu thủ này có thể khoác áo đến 4 đội tuyển gồm Anh, Xứ Wales, Thái Lan và Singapore. Cuối cùng, anh chọn khoác áo Thái Lan. Tại vòng chung kết U23 Châu Á 2020, Ben Davis đã thi đấu cho U23 Thái Lan.
LĐBĐ Thái Lan và Indonesia cũng đang ra sức săn đón trung vệ trẻ Elkan Baggot (có bố người Anh, mẹ người Indonesia, sinh ra tại Thái Lan). Anh đang khoác áo đội Ipswich Town (Anh) và có tiêm năng phát triển rất lớn.
Với Philippines, họ đã có hẳn 1 chương trình thu hút các nhân tài mang trong mình dòng máu Philippines về thi đấu cho đội tuyển nước này hơn 1 thập kỷ qua. Chiến lược này thành công rực rỡ khi biến tuyển Philippines từ một đội “lót đường”, cạnh tranh sòng phẳng với các đội khác tại AFF Cup. Tuyển nước này cũng lần đầu tiên giành vé dự Asian Cup 2019.
Với Malaysia, LĐBĐ nước này có hẳn 1 Ủy ban để chuyên lo việc săn đón, mòi gọi những cầu thủ có “gốc” Malaysia về thi đấu cũng như lo chuyện nhập tịch đối với những người vốn chẳng có huyết thống của quốc gia này. Tất cả vì mục tiêu nâng tầm tuyển Malaysia, hướng đến việc giành vé dự những đấu trường lớn hơn như Asian Cup, World Cup.
Theo Nguyễn Đăng/Lao động
https://laodong.vn/bong-da/filip-nguyen-va-chuyen-thu-hut-tai-nang-cua-bong-da-dong-nam-a-836636.ldo