Chủ tịch CLB Thanh Hoá Nguyễn Văn Đệ tin rằng các yêu cầu đưa ra cho HLV Nguyễn Thành Công gần đây là bình thường, và xem những người chỉ trích ông là "chẳng biết gì".
Trong ba năm qua, kể từ khi trở lại nắm CLB Thanh Hoá, bầu Đệ đã sáu lần thay HLV. Ảnh: Lâm Thoả.
- Tuần trước, ban lãnh đạo CLB Thanh Hoá yêu cầu HLV trưởng Nguyễn Thành Công ba vấn đề: phải chốt trước bộ khung đội hình trong các trận đấu còn lại của mùa giải 2020, phải dùng hết các cầu thủ ngoại và nhập tịch, chỉ được thay người sau khi trao đổi và nhận được đồng thuận của trên 50% thành viên ban huấn luyện. Tại sao ông lại đưa ra những đòi hỏi như vậy?
- Đúng là chúng tôi đã gửi văn bản, yêu cầu ban huấn luyện CLB nộp báo cáo về các vấn đề trên. Sau đó, rất nhiều người đã chỉ trích, bảo tôi quá đáng và can thiệp vào chuyên môn. Thực ra, họ chẳng hiểu gì cả, và có lẽ cũng chẳng biết gì về quản lý bóng đá. Tôi khẳng định văn bản trên hoàn toàn đúng pháp luật, có cơ sở triển khai. HLV quyết định chuyên môn, nhưng tôi là Chủ tịch và quản lý HLV. Nếu CLB bết bát, ai sẽ chịu trách nhiệm? Là tôi chứ ai.
Sau một tháng tập luyện mà không thi đấu vì Covid-19, tôi yêu cầu HLV đưa ra bộ khung đội hình, để biết cầu thủ nào đá chính - cầu thủ nào dự bị. Ban đầu, ban huấn luyện gửi danh sách chín cầu thủ. Nhưng một đội hình cần đủ 11 người, nên chúng tôi yêu cầu họ bổ sung cho đầy đủ thôi. Còn khi thi đấu, ai kém hay chấn thương, HLV có thể thay đổi.
Việc yêu cầu sử dụng hết ba cầu thủ ngoại và một cầu thủ nhập tịch cũng hợp lý. Một cầu thủ Tây bằng hai cầu thủ nội. Chúng tôi đã mất nhiều tiền mua về, vậy thì phải sử dụng, phải tạo cơ hội cho họ thể hiện chứ. Còn việc thay người phải bàn bạc với các trợ lý là để phát huy dân chủ. HLV là con người, nên cũng có lúc sai sót. Nếu mọi người cùng bàn bạc và góp ý, biết đâu sẽ hạn chế được nhiều lỗi lầm hơn. Không nên để các trợ lý chỉ là bù nhìn, phải cho họ thể hiện một chút chứ. Vả lại, trong văn bản chúng tôi vẫn nhấn mạnh quyền quyết định cuối cùng thuộc về HLV trưởng.
Tóm lại, tôi khẳng định mình làm đúng. Các trường dạy quản lý bóng đá nên tham khảo đưa những điều này vào giáo trình.
- Mặc định suất đá chính có thể sẽ khiến các ngoại binh mất động lực phấn đấu. Ông nghĩ sao về điều này?
- Các ngoại binh được HLV tiền nhiệm lựa chọn nên tôi nghĩ chất lượng chắc cũng tốt. Tôi cũng không ép HLV Nguyễn Thành Công sử dụng toàn bộ cầu thủ ngoại ở tất cả các trận. Nếu họ bị treo giò hay chấn thương, ban huấn luyện hoàn toàn có thể thay thế.
- Thế còn tin đồn về việc ông đưa ra văn bản kể trên nhằm ép HLV Nguyễn Thành Công ra đi mà không phải bồi thường?
- Tôi không bắt ai nghỉ việc cả. Tôi là ông bầu, chịu trách nhiệm về thành tích của đội bóng nên tôi cần đưa ra yêu cầu để quản lý tốt hơn. Những chỉ đạo của tôi rất hợp tình hợp lý, đúng pháp luật.
Thanh Hóa (vàng) đang đứng thứ tám tại V-League 2020 với 14 điểm sau 11 trận. Ảnh: VPF.
- Thanh Hóa được ví như "lò xay HLV", khi thay đến sáu người trong ba năm kể từ khi ông trở lại. Nguyên nhân là do đâu?
- Một bộ phận CĐV Thanh Hóa không hiểu, cứ thích HLV ngoại này hoặc HLV nội kia. Tôi thì khác. Tôi luôn trăn trở vì sao Thanh Hoá nhiều nhân tài mà không ai đủ khả năng dẫn dắt đội bóng quê hương. Năm ngoái, tôi đưa Mai Xuân Hợp lên, người ta chê cậu ấy không đủ kinh nghiệm, khiến tôi phải mời người nơi khác về (HLV Fabio Lopez, người Italy). Bây giờ tôi quyết định rồi, sẽ để Mai Xuân Hợp dẫn dắt đội bóng.
- Ủng hộ Mai Xuân Hợp, nhưng nếu Thanh Hóa không đạt kết quả như mong muốn ở hai trận còn lại của giai đoạn một V-League 2020, ông sẽ xử lý thế nào?
- Có thể, tôi sẽ lại... thay, nhưng đó vẫn sẽ là một cựu cầu thủ Thanh Hóa.
- Ông là một trong những ông bầu gây ồn ào nhất ở V-League. Trước sự việc khiến HLV Nguyễn Thành Công ra đi, ông từng gây tranh cãi khi gửi công văn xin dừng thi đấu ở V-League 2020. Đổi lại những điều tiếng đó, ông được gì khi cầm CLB Thanh Hoá?
- Ai cũng nói tỉnh rót ngân sách nuôi CLB, nhưng thực tế chỉ là hỗ trợ phần đào tạo trẻ. Tôi cùng nhiều doanh nghiệp khác phải chung tay vào. Nói thật, ở Việt Nam, chẳng ông bầu nào đủ tiền nuôi trọn vẹn CLB. Họ làm bóng đá cũng là để kết hợp dự án này, dự án kia.
Tôi cũng có lúc không đủ sức nuôi đội bóng, từng mời các đại gia trong địa phương, mong họ cố gắng đứng ra hỗ trợ một-hai năm nhưng có ai chịu đâu. Cách đây hai năm, tập đoàn FLC bỏ đi, tôi không đứng ra nhận thì CLB chắc không còn như bây giờ. Lãnh đạo tỉnh động viên nên tôi cố gắng, chứ thực chất tôi có ăn đá, ăn vàng gì ở đây đâu. Làm bóng đá, ngoài đam mê và trách nhiệm với quê hương, thực sự chẳng sung sướng gì. Tôi đang bệnh tật mà vẫn phải lao vào như con thiêu thân.
Theo Lâm Thỏa/VnExpress
https://vnexpress.net/bau-de-cac-truong-day-bong-da-nen-tham-khao-cach-lam-cua-toi-4161530.html