SEA Games 31 là cơ hội để Việt Nam khẳng định vị thế của nước chủ nhà. Đây cũng là kỳ đại hội để chúng ta có thể quảng bá hình ảnh đất nước, con người và kích cầu du lịch sau những ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Đoàn Thể thao Việt Nam tại SEA Games 2019. Ảnh: Anh Tuấn
Kỳ SEA Games an toàn, tiết kiệm
Ngày 13.7, Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch công bố quyết định Phê duyệt Đề án tổng thể chuẩn bị và tổ chức Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31) và Đại hội Thể thao người khuyết tật Đông Nam Á lần thứ 11 (Para Games 11) năm 2021 tại Việt Nam” (dưới đây gọi tắt là đề án) do Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện ký.
Đề án có đưa ra quan điểm: “Việc tổ chức SEA Games lần thứ 31 và Para Games 11 tại Việt Nam không chỉ có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển của thể dục thể thao, mà còn có ý nghĩa về chính trị, văn hóa, xã hội, ngoại giao và du lịch; góp phần tăng cường tình đoàn kết hữu nghị, sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân ta với nhân dân các nước ASEAN.
Tổ chức SEA Games 31 và Para Games 11 trên cơ sở tiết kiệm, tận dụng tối đa cơ sở vật chất hiện có, sửa chữa, nâng cấp các công trình thể thao đáp ứng các yêu cầu tổ chức Đại hội. Sử dụng hiệu quả các nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước; đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút các doanh nghiệp trong, ngoài nước và toàn xã hội tham gia góp sức vào việc tổ chức SEA Games 31 và Para Games 11 thành công”.
Đề án cũng nhấn mạnh: “Tổ chức SEA Games 31 và Para Games 11 phải thể hiện được tinh thần trách nhiệm và vị thế của đất nước, tinh thần đoàn kết, hữu nghị của nhà nước và nhân dân ta với bạn bè quốc tế, đồng thời thông qua đại hội sẽ giới thiệu, quảng bá hình ảnh đất nước, con người và văn hóa của Việt Nam nhằm thu hút khách du lịch trong và ngoài nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô và đất nước”.
Theo đề án, kinh phí tổ chức dự kiến cho SEA Games 31 là 980,3 tỉ đồng (khoảng 43 triệu USD), còn Para Games 11 là 299,1 tỉ đồng (khoảng 13 triệu USD). Đây được xem là con số khá khiêm tốn, nếu so với năm 2003 Việt Nam đăng cai SEA Games 22 với tổng kinh phí 5.000 tỉ đồng (khoảng 250 triệu USD).
Nhìn ra khu vực, năm 2011, Indonesia chi 232 triệu USD; năm 2015 Singapore chi 244 triệu USD và khủng nhất là SEA Games năm 2013 ở Myanmar lên tới… 400 triệu USD. Gần nhất, Philippines phải vay một công ty Malaysia hơn 50% trong tổng kinh phí 315 triệu USD để tổ chức SEA Games 2019.
Vị thế của Việt Nam
Trao đổi với Lao Động, ông Trần Đức Phấn - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục TDTT - cho biết: “SEA Games là kỳ đại hội có ý nghĩa trong việc hợp tác, phát triển giữa các quốc gia Đông Nam Á không chỉ trong lĩnh vực thể thao mà trong các lĩnh vực khác. Đó là kênh quảng bá hình ảnh đất nước, con người và nền văn hoá các quốc gia. Về việc phát triển thành tích thể thao, quốc gia nào cũng mong muốn sau một kỳ đại hội, thành tích các môn thể thao của mình được phát triển, qua đó đẩy mạnh phong trào thể thao ở trong nước”.
Ông Trần Đức Phấn cũng nêu quan điểm: “Trong vai trò tổ chức, tất nhiên chúng ta muốn nâng cao vị thế của đất nước lên. Khi chúng ta tổ chức tốt các môn thi đấu sẽ nâng cao hình ảnh của SEA Games. Thành tích của các quốc gia đăng cai cũng phải tốt, qua đó quảng bá hình ảnh của đất nước từ những vinh quang của thể thao.
Quan điểm của tôi là đăng cai kỳ SEA Games đẹp trong mắt bạn bè quốc tế về mặt tổ chức và thành tích thể thao. SEA Games 31 sẽ là đại hội khác biệt từ trước đến nay khi chúng ta sẽ đưa vào chương trình thi đấu tất cả nội dung ở các môn. SEA Games 31 sẽ không tồn tại tình trạng chỉ đưa môn thế mạnh của nước chủ nhà mà cắt bỏ nhiều nội dung sở trường của các quốc gia khác. Chúng tôi chủ trương đưa tất cả nội dung vào chương trình thi đấu, điều này giúp chúng ta sẽ đánh giá được tổng quan thực lực thể thao Việt Nam đang ở đâu, từ đó đưa ra các định hướng phát triển cho tương lai.
Đây là kỳ SEA Games mà chúng ta không phải lo lắng quá nhiều đến công tác tổ chức vì đã có kinh nghiệm. Việc đội tuyển bóng đá nam và nữ vừa giành được Huy chương Vàng ở kỳ SEA Games trước đã tạo ra hiệu ứng lớn trong toàn xã hội. Đây là một lợi thế mà chúng tôi đã đánh giá được. Hình ảnh của các đội bóng đá và các môn khác có tác dụng kích cầu lớn và làm cho hình ảnh của chúng ta sẽ tăng lên. Thế nhưng, với vị thế chủ nhà cũng sẽ khiến các vận động viên gặp nhiều áp lực”.
SEA Games 31 ước tính có 450 nội dung thi đấu của 36 môn. Riêng 4 môn bổ sung sẽ được công bố vào tháng 11.2020, dựa trên danh sách đề xuất 21 môn mà các quốc gia khác đưa ra để chốt tổng số 40 môn tranh tài. Việc bỏ đi nhiều môn mang tính “ao làng” để đưa vào các môn Olympic đã khiến cho Việt Nam nhận được sự ủng hộ của nhiều quốc gia trong khu vực.
Cơ hội và thách thức
Nếu tận dụng tốt sự kiện thể thao này sẽ tiếp thêm năng lượng cho ngành Du lịch Việt Nam vốn đã phát triển rất tốt những năm qua. Đồng thời, sự kiện kỳ vọng sẽ tạo ra nhiều việc làm cho người lao động khi tham gia vào các hoạt động phục vụ công tác tổ chức thi đấu, đón tiếp khách du lịch quốc tế.
Malaysia từng chi rất nhiều tiền để tổ chức Đại hội thể thao toàn Anh năm 1998 (xây khu liên hợp thể thao Bukit Jalil) và dùng chính tổ hợp khổng lồ này tổ chức SEA Games 21 năm 2001 và SEA Games 2017. Năm 2007, Malaysia tính ra “có lãi” khi tổ chức SEA Games khi lượng khách du lịch tăng mạnh.
Nhìn chung, ở các quốc gia phát triển, kinh doanh thể thao đóng góp một con số đáng kể vào GDP. Ví dụ, tại Mỹ, kinh doanh thể thao đứng thứ 11/25 ngành kinh doanh hàng đầu, chiếm tỉ trọng 2,4% GDP. Nhà sản xuất hàng hoá thể thao lớn nhất thế giới chính là Trung Quốc (70%).
Thành tích U.22 Việt Nam và thể thao Việt Nam tại SEA Games 30 vừa qua mang đến ý nghĩa lớn với đất nước. Do đó, chúng ta phải duy trì, phát huy được các thành tích đó, cũng như khai thác một cách tốt nhất các giá trị có thể đem lại.
Câu hỏi đặt ra, bóng đá Việt Nam từ trước đến nay luôn được đánh giá cao về tiềm năng, nhưng phải đợi tới lúc huấn luyện viên Park Hang-seo xuất hiện, chúng ta mới gặt hái được những thành tích như vừa qua? Các nhà quản lý cần giải đáp chính xác được câu hỏi này, bóng đá Việt Nam mới thực sự có nền tảng căn bản cho các bước đi trong tương lai và từ bóng đá tính toán đến phát triển kinh tế, du lịch, xây dựng hình ảnh và thương hiệu quốc gia.
Nếu SEA Games 2021 diễn ra ở thời điểm Việt Nam và các quốc gia Đông Nam Á đã khống chế được dịch COVID-19, đó sẽ là thuận lợi lớn. Việt Nam đã và đang truyền đi những thông điệp tích cực trong công tác phòng, chống dịch. Do vậy, SEA Games 2021 sẽ là cơ hội khẳng định vị thế của chúng ta.
SEA Games 31 sẽ diễn ra từ ngày 21.11 - 2.12.2021, tại Hà Nội và một số thành phố và tỉnh lân cận như: Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Hòa Bình, Vĩnh Phúc và Bắc Giang. |
Theo Đăng Huỳnh/Lao động
https://laodong.vn/the-thao/sea-games-31-co-hoi-de-khang-dinh-vi-the-viet-nam-832434.ldo