Lần thứ 2 giải V-League phải tạm hoãn, và lần này đã có ý kiến đề xuất nên dừng hẳn giải đấu, để tránh gánh nặng về mặt tài chính cho các CLB.
Ở thời điểm giải LS V-League 2020 tạm hoãn lần thứ 2, chỉ mới có 2 CLB tuyên bố giữ nguyên mọi chế độ của các cầu thủ, cho dù giải tiếp tục hay không tiếp tục, đó là các đội HA Gia Lai và Viettel.
Tuy nhiên, không phải đội nào cũng giàu tiềm lực tài chính như Viettel, hoặc chẳng phải đội nào cũng có sẵn ông bầu hào phóng như bầu Đức của HA Gia Lai. Thế nên, việc giải đấu tạm dừng càng lâu sẽ càng trở thành gánh nặng cho nhiều đội khác.
Nhóm các đội vẫn phải sống dựa vào ngân sách nhà nước như Nam Định, Thanh Hóa, Sông Lam Nghệ An, Hải Phòng… thật sự gặp khó khăn trong giai đoạn hiện nay.
Khó khăn về tài chính, đội Quảng Nam xin dừng V-League 2020
Như đội Nam Định, Thanh Hoá hay đội Hải Phòng, nguồn thu đáng kể của họ đến từ tiền bán vé và bán bảng quảng cáo trên sân, đặc biệt là Nam Định. Nhưng do giải đấu không diễn ra, nên nguồn thu từ vé mất đi, trong khi đội vẫn phải trả lương cho các cầu thủ, Ban huấn luyện và bộ máy ở khối văn phòng CLB.
Cũng chính nhóm các đội Hải Phòng, Nam Định, SL Nghệ An, Quảng Nam đề xuất nên dừng hẳn V-League 2020. Dĩ nhiên, chuyện dừng giải cũng có nghĩa là các đội vừa nêu tránh được nguy cơ rớt hạng vốn đang hiển hiện, nhưng mặt khác cũng xuất phát từ nguyên nhân lớn là chính các đội bóng này đối diện với nguy cơ khủng hoảng tài chính, trong trường hợp giải tạm dừng quá lâu.
Ông bầu Đoàn Nguyên Đức đứng trên góc độ vừa là doanh nhân, vừa là ông bầu có nuôi đội bóng chuyên nghiệp, hiểu rõ khó khăn của các CLB trong giai đoạn hiện nay: “Bản thân các CLB có nỗi khổ riêng về tài chính, về gánh nặng tiền lương, về bộ máy nhân sự…”.
“Nếu giải phải dừng quá lâu thì các đội bóng không thể chờ lâu như thế, nên đề xuất dừng V-League lúc này của họ không phải là đề xuất vô lý” – bầu Đức nói thêm.
Giải tạm dừng cũng có nghĩa là đội Nam Định sẽ thất thu tiền bán vé, trong khi vẫn phải duy trì bộ máy, nên Nam Định cũng là đội xin dừng hẳn V-League 2020
Dĩ nhiên, không phải cứ muốn huỷ giải đấu là huỷ được ngay, như quan điểm từ phía đơn vị tổ chức giải là VPF, rằng quyết định hủy giải sớm sẽ ảnh hưởng đến phong độ cầu thủ, đến cơ hội chơi bóng của chính các cầu thủ. Ngoài ra còn ảnh hưởng rất lớn đến nhà tài trợ, đến tài chính, và quan trọng là chất lượng của đội tuyển quốc gia.
Cái khó nhất và khổ nhất của đơn vị tổ chức giải còn ở chỗ nếu huỷ giải vào lúc này, VPF sẽ mất uy tín nghiêm trọng với nhà tài trợ, khó kêu gọi tiếp ở những mùa giải tiếp theo, trong bối cảnh mà 3 năm liên tục vừa qua, V-League phải đổi 3 nhà tài trợ chính khác nhau, và chẳng nhà tài trợ nào trụ nhiều hơn 1 mùa.
V-League đang đối diện với bài toán khó chưa từng có tiền lệ. Các CLB có cái lý, có nỗi khổ của các CLB, vì không ai có thể thay các CLB lo chuyện thu nhập cho các cầu thủ, lo nguồn tài chính để duy trì bộ máy, khi giải tạm dừng.
Về phía VPF có cái khó của VPF, nhất là khó ăn khó nói với đối tác. Mà giữ được đối tác cũng là VPF giữ được nguồn thu và giữ được nguồn tài chính để duy trì bộ máy của VPF.
Giờ chỉ hy vọng rằng dịch bệnh sớm được kiểm soát, để bóng được lăn trở lại, trong bối cảnh mà chưa thấy giải pháp tốt có thể dung hoà được lợi ích giữa 2 phía, giữa bên tổ chức giải đấu và bên tham gia giải đấu!
Theo Dân trí
https://dantri.com.vn/the-thao/noi-lo-cua-cac-doi-bong-khi-v-league-hoan-vi-dich-covid-19-20200803114143485.htm#dt_source=Cate_TheThao&dt_campaign=Top3&dt_medium=3