Tình hình kinh tế khó khăn đã khiến LĐBĐVN (VFF) phải đẩy sớm tiến độ bầu bổ sung vị trí Phó chủ tịch tài chính. Tuy nhiên nếu không thực sự minh bạch và công khai, VFF khó lòng có thể chọn được người thực tài.
Ông Nguyễn Hồng Thanh phát biểu tại Hội nghị BCH LĐ bóng đá VN lần 6 khóa 8 ngày 13/5/2020. Theo ông Hồng Thanh, Phó Chủ tịch phụ trách tài chính VFF phải là một doanh nhân có uy tín, giỏi kiếm tiền và thạo về truyền thông Ảnh: CTV
Bài học rõ nhất không đâu xa chính là đại hội VFF nhiệm kỳ 8, diễn ra hồi tháng 12/2018. Bất chấp phản ứng của dư luận, lãnh đạo VFF đã quyết định tổ chức đại hội “kín”, đóng cửa với giới truyền thông và báo chí thay vì cởi mở như kỳ đại hội trước đó.
Kết quả bầu cử sau đó khiến nhiều người phải ngỡ ngàng khi trúng cử vị trí Phó chủ tịch phụ trách tài chính VFF thay vì những doanh nhân tên tuổi lại là một cán bộ nhà nước đã nghỉ hưu, nguyên Giám đốc Khu LHTTQG Mỹ Đình Cấn Văn Nghĩa. Và cũng chỉ khoảng nửa năm sau khi lên nắm quyền, tháng 6/2019 ông Cấn Văn Nghĩa đã xin rút lui vì lý do cá nhân.
Theo kế hoạch ban đầu, VFF dự kiến sẽ bầu bổ sung vị trí Phó chủ tịch tài chính tại đại hội thường niên tổ chức cuối năm nay. Một trong những lý do VFF đưa ra là tình hình tài chính năm 2019 khá ổn định, với doanh thu lên tới 240 tỷ đồng. Nhưng bước qua nửa đầu năm nay, dịch COVID-19 đã khiến nguồn thu của VFF sụt giảm (dự kiến khoảng 6%). Cộng với việc các giải đấu dồn vào giai đoạn cuối năm, BCH VFF mới đây đã thông qua kế hoạch tổ chức đại hội thường niên trong tháng 8 tới để bầu bổ sung Phó chủ tịch tài chính.
Trả lời phóng viên Tiền Phong, TTK VFF Lê Hoài Anh cho biết, trước mắt VFF sẽ xây dựng tiêu chí các ứng viên để làm cơ sở cho các tổ chức thành viên tiến cử. “Quy định trước đây ứng viên chỉ cần được 1 tổ chức thành viên giới thiệu. Tuy nhiên như vậy sẽ dẫn tới giới thiệu lan man, không đảm bảo chất lượng. Quy định mới ứng viên sẽ phải nhận được tối thiểu giới thiệu của 2 tổ chức thành viên. Thời gian tới VFF cũng sẽ thành lập các tiểu ban chuẩn bị cho công tác của đại hội và sau khi được sự cho phép của ban ngành chức năng, chúng tôi sẽ cho tổ chức đại hội”-TTK Lê Hoài Anh cho biết.
Sau khi ông Cấn Văn Nghĩa rút lui, BCH VFF hiện chỉ còn 16 người (đủ số lượng là 17). TTK Lê Hoài Anh cho biết nếu người trúng cử sắp tới là thành viên BCH thì việc bầu bổ sung thêm người mới hay không sẽ do đại hội quyết định. Trường hợp người trúng cử ngoài BCH VFF thì sẽ nghiễm nhiên là thành viên BCH.
Hiện, một số ứng viên lớn cho vị trí ông Cấn Văn Nghĩa để lại được nhắc tới nhiều nhất gồm: ông Lê Văn Thành, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty Động Lực. Ông Thành cũng đang là Chủ tịch Liên đoàn bóng chuyền, Trưởng ban Tài chính-tài trợ VFF; Chủ tịch CLB bóng đá Than Quảng Ninh Phạm Thanh Hùng, Phó ban Tài chính-tài trợ VFF; và Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ VPF Trần Anh Tú.
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong chiều qua, TGĐ Công ty cổ phần bóng đá SLNA Nguyễn Hồng Thanh cho rằng, Phó chủ tịch tài chính VFF cần phải là một doanh nhân có uy tín, giỏi kiếm tiền đồng thời cũng thạo về truyền thông. Ông Nguyễn Hồng Thanh cũng chia sẻ quan điểm đại hội VFF cần minh bạch, mở cửa với báo chí chứ không nên đóng như trước.
“Đây là quan điểm cá nhân tôi thôi chứ không rõ lãnh đạo VFF như thế nào. Nhưng theo tôi báo chí và truyền thông theo dõi đại hội tốt thôi. Mình làm minh bạch, công khai không có gì khuất tất thì tại sao phải tổ chức “kín”? Các ứng viên nếu giỏi thì cũng sẽ rất sẵn sàng đưa ra kế hoạch, mục tiêu để thuyết phục đại hội”-ông Nguyễn Hồng Thanh cho biết.
Nhiều liên đoàn thể thao khác của Việt Nam như điền kinh, đua thuyền…đều tổ chức đại hội mở với báo chí.
Theo Tiền phong
https://www.tienphong.vn/the-thao/bau-pho-chu-tich-tai-chinh-vff-minh-bach-cong-khai-de-chon-duoc-nguoi-gioi-1661588.tpo