Sự ra đời của CLB Phú Thọ là lần thứ ba Hà Nội FC tự tách một phần đội bóng cho một đơn vị khác thành lập CLB mới.
Scott Sommerville của Fox Sports Asia từng nhắc đến khái niệm "franchise football", tạm dịch là "bóng đá nhượng quyền" trong một bài viết trên chuyên trang IBWM năm 2017. Ký giả người Anh sinh sống lâu năm ở TPHCM gắn cụm từ này với trường hợp của Sài Gòn FC, cái tên xuất hiện trên bản đồ bóng đá Việt Nam trước đó một năm.
Nguồn gốc của Sài Gòn FC là Trung tâm bóng đá Viettel. Năm 2010, Công ty cổ phần Thể thao T&T, đơn vị chủ quản của CLB Hà Nội T&T (Hà Nội FC hiện tại) mua lại đội bóng này và đổi tên thành CLB Hà Nội. CLB Hà Nội chơi ở giải Hạng Nhất được coi như đội B của Hà Nội T&T, do đó không được thăng hạng V-League khi giành ngôi á quân ở mùa giải 2012.
Sài Gòn FC (áo hồng) luôn mang tiếng là đội bóng anh em của Hà Nội FC.
CLB Hà Nội chỉ đủ tư cách tham dự V-League sau khi được chuyển giao cho một đơn vị khác, Công ty cổ phần Phát triển bóng đá Hà Nội. Vừa thăng hạng ở mùa giải 2016, cả công ty lẫn đội bóng này đều đổi tên và chuyển vào TPHCM, dẫn tới sự ra đời của Sài Gòn FC.
Chính vì vậy, Sài Gòn FC vẫn luôn bị coi là "anh em" của Hà Nội FC dù trên giấy tờ, hai đội bóng này hoàn toàn tách biệt về chủ sở hữu. Theo khái niệm mà Scott Sommerville nhắc đến, Sài Gòn FC giống như một chi nhánh nhượng quyền của Hà Nội FC.
Hai năm sau đó, một trường hợp "bóng đá nhượng quyền" liên quan đến Hà Nội FC lại diễn ra. Hà Nội B chính là đội U21 và U19 của Hà Nội FC tham gia giải Hạng Nhất để cọ xát và tích lũy kinh nghiệm.
Đội bóng do HLV Phạm Minh Đức dẫn dắt giành ngôi á quân giải Hạng Nhất 2018 và được chuyển giao cho Hà Tĩnh. CLB Hồng Lĩnh Hà Tĩnh được thành lập vào tháng 1/2019, vô địch giải Hạng Nhất và đủ điều kiện thăng hạng V-League. Thêm một đội bóng được tạo thành sau khi tách ra từ Hà Nội FC và giành quyền tham dự giải đấu hạng cao nhất cùng CLB của bầu Hiển.
Hồng Lĩnh Hà Tĩnh (áo đỏ) vốn là Hà Nội B, được lập ra từ đội U19 và U21 của Hà Nội FC.
Mới đây, CLB Phú Thọ cũng được thành lập theo cách tương tự nhưng có chút khác biệt so với trường hợp của Hồng Lĩnh Hà Tĩnh và Sài Gòn FC. Đối tượng của lần chuyển giao này là U21 Hà Nội, cũng là một thành phần của Hà Nội FC nhưng không mang danh nghĩa CLB chuyên nghiệp.
Việc bầu Hiển "tặng" đội U21 Hà Nội cho CLB Phú Thọ có thể được coi là chuyển nhượng cầu thủ, ban huấn luyện với mức giá cho không. Trường hợp của Sài Gòn FC và Hồng Lĩnh Hà Tĩnh, đội bóng mới được thành lập dựa trên sự chuyển giao cả về nhân sự, cơ cấu tổ chức lẫn tư cách tham dự giải đấu của CLB cũ.
"Sau khi bàn giao cho CLB Phú Thọ, tiền duy trì đội bóng sẽ do UBND tỉnh Phú Thọ và các nhà tài trợ địa phương lo liệu. CLB Hà Nội sẽ chỉ hỗ trợ về chuyên môn, Tập đoàn T&T không tài trợ cho CLB Phú Thọ", bầu Hiển trả lời phỏng vấn VTC News.
Về mặt chuyên môn, ba lần bàn giao kể trên giúp Hà Nội FC giải quyết được bài toán đầu ra cho các đội trẻ khi những lứa này đủ cứng cáp để thi đấu chuyên nghiệp. Sự xuất hiện của các đội bóng mới với lực lượng nòng cốt là cầu thủ trẻ cũng có những mặt tích cực. Theo BLV Quang Huy, đây có thể là cách làm "một mũi tên trúng hai đích".
Tuy nhiên mặt tiêu cực trong những màn chuyển giao này là những nghi ngờ. Kể cả trong trường hợp của CLB Phú Thọ, không có quan hệ về sở hữu hay tài trợ với Hà Nội FC, sự ảnh hưởng của bầu Hiển lên đội bóng mới thành lập vẫn là vấn đề gây tranh cãi.
"Tôi có một chút gờn gợn đến chuyện tặng đội bóng, vì ảnh hưởng của bầu Hiển xuống cả hạng dưới rồi, lên hạng thì đá thế nào, có tình thương mến thương không?", BLV Anh Ngọc nhận định.
Theo VTC News
https://vtc.vn/bong-da-viet-nam/bau-hien-tang-doi-bong-cho-phu-tho-nhu-lap-chi-nhanh-ha-noi-fc-ar547385.html