Ý kiến cử đội trẻ thay vì ĐTQG Việt Nam tham dự AFF Cup 2020 là không thể chấp nhận được.
1. Do đại dịch COVID-19, vòng loại World Cup 2022 và AFF Cup 2020 sẽ dồn vào cuối năm. Điều này buộc HLV Park Hang Seo và các cộng sự sẽ phải tính toán nhân sự, điểm rơi phong độ kỹ lưỡng cho đội tuyển Việt Nam để vừa đảm bảo mục tiêu bảo vệ thành công chức vô địch AFF Cup vừa có thể đưa đội tuyển lần đầu tiên trong lịch sử lọt vào vòng loại cuối cùng World Cup khu vực châu Á.
Trước vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng, VFF nên chọn một trong 2 mục tiêu để tập trung thay vì căng sức cho cả hai mặt trận. Thậm chí có ý kiến cho rằng, Việt Nam chỉ nên cử đội trẻ dự AFF Cup 2020 như cách mà Thái Lan đang cân nhắc trong bối cảnh Thai League phải đá xuyên AFF Cup 2020.
Việt Nam đang là đương kim vô địch AFF Cup.
2. Người Thái có thể cân nhắc nhưng bóng đá Việt Nam thì không!
Bóng đá Việt Nam mới chỉ 2 lần vô địch giải đấu khu vực và rất cần danh hiệu vô địch Đông Nam Á làm động lực để tiếp tục thúc đẩy phát triển. Nhất là trong bối cảnh thể thao chịu ảnh hưởng nặng nề do đại dịch COVID-19 và V-League chưa có được chỗ đứng vững chắc trong lòng người hâm mộ.
Nên nhớ, suốt 2 thập kỷ qua, AFF Cup hay SEA Games là những giải đấu hỗ trợ tốt nhường nào cho cả nền bóng đá, cho V-League vốn chưa phải là lựa chọn của khán giả Việt Nam. Bóng đá ở đâu cũng cần thành tích. Chỉ có chức vô địch mới tạo ra sức hút mãnh liệt, đưa khán giả cũng như các nhà tài trợ trở lại.
VFF trong năm 2019 có lợi nhuận tăng 747% so với dự kiến ban đầu là nhờ những thành tích của các đội tuyển trong năm 2018 và 2019. Nhiều doanh nghiệp đã và đang đầu tư cho bóng đá nam và nữ Việt Nam hướng đến World Cup cũng là nhờ kết quả mà chức vô địch AFF Cup 2018 và tấm Huy chương Vàng SEA Games 30 tạo ra.
Vì thế, gần như chắc chắn, nếu thầy trò Park Hang Seo không bảo vệ được chức vô địch AFF Cup, VFF, VPF sẽ lỗ nặng, thương hiệu cầu thủ đi xuống, thương hiệu đội tuyển quốc gia cũng đi xuống và cả nền bóng đá sẽ khó mà tiếp tục đà tiến thần kỳ 2 năm qua.
Thành công ở cấp độ ĐTQG tiếp tục mở đường thành công cho nhiều cầu thủ trẻ Việt Nam.
Bảo vệ chức vô địch AFF Cup là mục tiêu trọng tâm, nếu không muốn nói là số 1 trong năm 2020. Thậm chí, nó có thể là một phần bắt buộc trong những thỏa thuận để gia hạn hợp đồng với HLV Park Hang Seo.
Ở cuộc họp gần nhất giữa ông Park với lãnh đạo VFF để triển khai nhiệm vụ năm 2020, cả hai bên vẫn thống nhất về mục tiêu này, bên cạnh mục tiêu lọt vào vòng loại thứ 3 World Cup 2022.
3. "Tôi xin nói rằng chiến thắng này không chỉ là chiến thắng thể thao mà là chiến thắng của tinh thần yêu nước, tinh thần Việt Nam, chiến thắng của sự đoàn kết, quyết tâm, là ý thức trách nhiệm lớn trước hàng triệu người dân yêu nước”.
"Tôi chân thành chúc mừng hai đội tuyển đã góp nên chiến công lớn lao, mang vinh quang về cho đất nước. Chiến thắng này sẽ truyền cảm hứng mạnh mẽ để phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội và để mọi người cùng đóng góp xây dựng nước Việt Nam hùng cường".
Đó là lời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong cuộc gặp 2 đội tuyển U23 Việt Nam và nữ Việt Nam khi họ giành HCV SEA Games 30 trở về. Đây không phải là lần đầu tiên người đứng đầu Chính phủ lấy bóng đá là động lực tinh thần cho phát triển kinh tế xã hội.
Trong cuộc đối thoại với 1.000 đại biểu thanh niên tháng 12 năm ngoái, Thủ tướng một lần nữa nhấn mạnh: "Đằng sau bóng đá là ý chí dân tộc, quyết chiến, quyết thắng của hàng triệu người Việt Nam hun đúc lên, tạo điều kiện tốt nhất cho đội bóng thành công".
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong cuộc gặp U23 Việt Nam và đội tuyển nữ Việt Nam trở về từ SEA Games 30.
Việt Nam đã bước đầu chiến thắng đại dịch COVID-19. Chính phủ đang kêu gọi toàn dân cùng chung sức, đồng lòng, vực dậy kinh tế sau đại dịch với tinh thần “dịch bệnh làm chúng ta khó khăn gấp đôi thì chúng ta cố gắng gấp ba”.
Bóng đá Việt Nam cũng phải vượt qua những thách thức, khó khăn bằng tinh thần này.
Theo VTC News
https://vtc.vn/bong-da-viet-nam/khong-the-chap-nhan-chuyen-cu-tuyen-tre-viet-nam-da-aff-cup-2020-ar544702.html