Thể thức thi đấu của V-League mùa này nhiều khả năng phải thay đổi do quỹ thời gian cho mùa giải đã ngắn lại.
Dịch COVID-19 khiến quỹ thời gian thi đấu của V-League giảm không dưới 2 tháng, có thể lên tới 3 tháng nếu bóng chỉ lăn vào đầu tháng 6. Nếu số trận đấu của mùa giải được giữ nguyên, các CLB sẽ bước vào cuộc chay đua khủng khiếp trong 5 tháng tới để đáp ứng lịch thi đấu.
2 trận/tuần mới đủ?
Đặt trường hợp V-League trở lại vào cuối tháng 5, các đội sẽ có khoảng 5 tháng để hoàn thành 24 vòng đấu còn lại. Như vậy, chỉ tính riêng ở V-League, các đội sẽ đá 5 trận/tháng, trung bình có 3 tuần đá với mật độ 1 trận/tuần và 1 tuần đá 2 trận/tuần.
Nếu tính thêm cả cúp Quốc gia, lịch thi đấu sẽ nặng hơn từ 1 đến 5 trận tuỳ theo thành tích. Một đội lọt vào chung kết cúp Quốc gia sẽ đá 5 trận, tính thêm 24 trận ở V-League là 29 trận từ nay đến cuối mùa.
Hà Nội FC từng đá 45 trận ở mùa 2019.
Với CLB TPHCM và Than Quảng Ninh, hai đại diện đang tham chiến tại AFC Cup, tình hình còn nan giải hơn nữa. Nếu hai đội này đi sâu, vào tới chung kết AFC Cup Đông Nam Á, số trận phải thi đấu thêm là 7 trận, lọt vào chung kết liên khu vực, số trận đá thêm sẽ là 11 trận.
Như vậy, một đội V-League có thể phải đá tối đa 40 trận trong 5 tháng, trung bình 2 trận/tuần liên tục đến hết mùa. Đó là mật độ kinh hoàng với cả các đội châu Âu. Tất nhiên, không phải CLB nào cũng đá AFC Cup hay đi sâu ở cúp Quốc gia. Về lý thuyết, con số 24 đến 29 trận trong 5 tháng không đến mức... bất khả thi.
Dù vậy, cần tính thêm những biến động bên lề, như việc giải đấu phải tạm nghỉ để tuyển Việt Nam đá vòng loại World Cup (dự kiến vào tháng 9, 10) hay HLV Park Hang Seo muốn giải kết thúc sớm để hội quân cho AFF Cup 2020.
Tùy theo tình hình, ban tổ chức giải sẽ phải co nén lịch thi đấu, nên có nguy cơ các đội phải đá mật độ dày trong nhiều tuần, trong bối cảnh các cầu thủ mới trở lại sau kỳ nghỉ dài bất đắc dĩ và dễ chấn thương nếu phải thi đấu nặng.
Chia sẻ với VTC News, GĐĐH Lê Xuân Hải của CLB Hải Phòng khẳng định VPF cần căn cứ cả tính khoa học, thể thao để xếp lịch thi đấu. Nhìn chung, vừa đảm bảo hoàn thành lịch cũ, vừa đáp ứng nguyện vọng các CLB là chuyện... không tưởng.
CLB TPHCM có thể phải đá 40 trận trong 5 tháng.
Thay đổi thế nào?
Thay đổi là điều khó tránh khỏi. Trong cuộc họp với đại diện 13 CLB V-League vừa qua, VPF đã ghi nhận ý kiến các đội và cân nhắc thay đổi dựa trên tình hình thực tế. Do đó, khả năng V-League sẽ thay đổi thể thức thi đấu, giảm tải một số trận đấu là không nhỏ.
Thay đổi như thế nào? Một đại diện CLB miền Trung đề xuất ý kiến đá một lượt, hủy kết quả 2 vòng đầu. Như vậy, các đội chỉ còn đá 13 trận, cộng với các trận ở cúp Quốc gia trong 5 tháng, với mật độ giảm gần một nửa.
HLV Chung Hae Seong đề xuất các đội nên đá một lượt để phân hạng, sau đó chia đôi, một nửa đá tranh ngôi vô địch, một nửa đá tránh xuống hạng, giống cách thức thi đấu ở một số giải VĐQG như Hàn Quốc hay Scotland.
HLV Chung Hae Seong muốn V-League đổi thể thức thi đấu.
Thể thức này sẽ tăng mức độ kịch tính giải đấu, tránh những trận "một mất mười ngờ", đồng thời giảm số trận phải đá của các đội từ 26 trận cả mùa xuống 19 trận, gồm 13 trận phân hạng lượt đi và 6 trận lượt về cho mỗi đội.
Đây cũng là phương án VPF cần cân nhắc. Các giải như cúp Quốc gia (thể thức cố định) hay AFC Cup không thể thay đổi, nên chỉ còn V-League là mảnh đất tiềm năng để các nhà điều hành "xào xáo", tạo ra hệ thống thi đấu có lợi nhất cho các CLB.
Vấn đề này vô cùng nan giải, ngay cả ở những giải VĐQG hàng đầu thế giới. Ở Đông Nam Á, ngoại trừ Thái Lan dời hẳn giải đấu sang tháng 9, các nước như Singapore, Malaysia, Indonesia,... vẫn chưa có kế hoạch tái khởi động giải đấu.
Điều này đặt ra thách thức cho VPF, song nếu tìm được phương án thi đấu ổn thỏa để V-League sớm trở lại và thi đấu an toàn, bóng đá Việt Nam sẽ hưởng lợi rất nhiều khi đi trước các đối thủ một bước.
Theo VTC News
https://vtc.vn/bong-da-viet-nam/v-league-da-tro-lai-ngay-cuoi-thang-5-tinh-toan-doi-the-thuc-thi-dau-ar543766.html