Thai League đang làm một "cuộc cách mạng" để thay đổi từ diện mạo cho đến chất lượng giải đấu này. Bóng đá Thái Lan đang có tham vọng rất lớn để hòa nhập với những nền bóng đá lớn của thế giới và phát triển chuyên nghiệp
Ra đời từ năm 1996 nhưng Giải Vô địch bóng đá Thái Lan (Thai League) chỉ thật sự đổi mới từ năm 2016, khi LĐBĐ Thái Lan (FAT) mời ông Benjamin Tan - người Singapore - làm Phó Tổng giám đốc điều hành Công ty Thai League (nay đã là tổng giám đốc).
Từ đây, FAT cùng bộ máy điều hành dần thay đổi Thai League theo xu hướng chuyên nghiệp, hội nhập với bóng đá châu lục và châu Âu. Đặc biệt, trong đại dịch Covid-19, chính Benjamin Tan là người chủ xướng biến "nguy" thành "cơ", khi vạch ra chiến lược cùng FAT làm "một cuộc cách mạng" thay đổi lịch thi đấu Thai League, bắt đầu từ tháng 9 hằng năm đến tháng 5 năm sau như các giải lớn ở châu Âu.
Lịch thi đấu thay đổi đó của Thai League đã được cơ quan chức năng, các CLB thông qua và bắt đầu thực hiện từ tháng 9-2020. Kết quả 4 vòng đấu Thai League đã tổ chức đang được cân nhắc được kế tục hay hủy bỏ.
Theo lý giải của ông Benjamin Tan, với việc thay đổi lịch thi đấu như vậy, Thai League sẽ giảm số lượng trận đấu trong mùa mưa hoặc gió mùa ở Thái Lan, tránh chấn thương cho các cầu thủ, đặc biệt có thể thu hút nhiều khán giả đến sân. Ông cho rằng với lịch thi đấu đó, khi tham dự AFC Champions League, các CLB Thái Lan có lợi thế về phong độ, điểm rơi vì thời điểm này đang là giữa mùa giải Thai League, trong khi các CLB lớn của Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc, kể cả Việt Nam lại đang ở giai đoạn chuẩn bị mùa giải hoặc mới bắt đầu giải đấu.
Ông Benjamin Tan, Giám đốc điều hành Thai League. Ảnh: TODAY
Lợi thế khác khi Thai League thay đổi lịch thi đấu là thị trường chuyển nhượng cầu thủ của Thai League cũng sẽ tương ứng với thị trường chuyển nhượng ở các giải lớn tại châu Âu. Điều này giúp các CLB Thái Lan có cơ hội săn được những cầu thủ nước ngoài chất lượng hơn và cũng giúp các cầu thủ Thái Lan đến với các giải đấu châu Âu dễ dàng hơn.
Thai League chưa thay đổi cũng đã đi đúng hướng và trở nên hấp dẫn hơn dưới sự điều hành của ông Benjamin Tan. Hiện nay, trung bình mỗi trận đấu ở Thai League có khoảng 30.000 - 40.000 khán giả. Đó là lý do True Corp - tập đoàn truyền thông lớn của Thái Lan - chi gần 3.000 tỉ đồng cho bản quyền truyền hình Thai League trong giai đoạn 2016 - 2020. Dự kiến, con số để có được bản quyền truyền hình Thai League giai đoạn tiếp theo là rất lớn. Nguồn thu lớn đó được chia đều cho các CLB và cũng là lý do vì sao thu nhập của các cầu thủ ở Thai League khá cao.
Một giải vô địch quốc gia mạnh là tiền đề để có một đội tuyển quốc gia mạnh. Bóng đá Thái Lan lại đang tiếp tục đi trước bóng đá Việt Nam, để đưa chất lượng đội tuyển quốc gia lên theo.
Ngược lại, V-League đang giẫm chân tại chỗ khi Công ty CP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) điều hành thiếu tính đột phá, thậm chí bảo thủ. Quyền lực hiện nay gần như dồn cho một người - ông Trần Anh Tú. Một mình ông Trần Anh Tú vừa là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc VPF vừa đảm nhiệm luôn cả chức danh trưởng ban điều hành hệ thống các giải đỉnh cao của bóng đá Việt Nam - từ V-League, Cúp quốc gia cho đến Hạng nhất. Đó là chưa kể hàng loạt chức danh khác ở VFF, bóng rổ, futsal… Sau khi bầu Đức phản ứng, ông Tú mới buộc phải "nhường" bớt chức danh Trưởng Ban Tổ chức V-League, Cúp quốc gia, Hạng nhất cho ông Nguyễn Trọng Hoài.
Thực chất, cả ông Tú, ông Hoài cũng chỉ là "tay ngang", không ai có chuyên môn để điều hành hệ thống thi đấu giải bóng đá chuyên nghiệp. Điều đó lý giải vì sao Toyota chỉ tài trợ cho V-League 40 tỉ đồng/mùa rồi sau đó ngừng, khiến cho V-League từ năm 2018 đến nay phải chạy kiếm tài trợ từng mùa giải. Ngược lại, Toyota vẫn tiếp tục tài trợ Thai League với 110 tỉ đồng/mùa. Thai League cũng vừa có hợp đồng bản quyền truyền hình trị giá hơn 400 triệu USD trong 8 năm.
Thai League đang đi đúng hướng. Còn V-League đã và đang mất giá và chắc chắn sẽ tụt hậu nếu không kịp cải tổ.
Benjamin Tan là ai? Benjamin Tan là người Singapore, học truyền thông ở Úc, về nước làm việc cho LĐBĐ Singapore (FAS) trong 10 năm, từ 1998-2008. Sau đó, ông chuyển qua AFC phụ trách bóng đá chuyên nghiệp và AFC Champions League từ năm 2008-2014; quay lại FAS (2015-2016). Từ năm 2016 đến nay, ông điều hành Công ty Thai League, với tư cách là phó, rồi làm tổng giám đốc. Benjamin cũng là người xây dựng mô hình thể thức thi đấu mới của AFC Champions League kể từ năm 2009. Thật ra, Benjamin không xa lạ với bóng đá Việt Nam. Ông là rể Việt Nam, có vợ là bà Trần Thị Lan Hương, đang làm việc cho AFC. |
Theo Người lao động
https://nld.com.vn/the-thao/cuoc-cach-mang-o-thai-league-20200426214214959.htm