Ngoài việc gây ảnh hưởng đến kinh tế của nước chủ nhà Nhật Bản, việc hoãn Olympic Tokyo cũng gây ra nhiều xáo trộn về chuyên môn cho các đoán tham dự.
Trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) và nước chủ nhà Nhật Bản đã phải ra quyết định hoãn Olympic Tokyo đến năm 2021. Đây là quyết định hợp lý để đảm bảo sức khỏe và an toàn tính mạng cho những người tham dự Đại hội thể thao lớn nhất hành tinh. Dù vậy, những ảnh hưởng của việc hoãn Olympic là vô cùng to lớn, không chỉ về kinh tế của nước chủ nhà Nhật Bản mà còn cả những vấn đề về chuyên môn của các đoàn tham dự.
Suất dự Olympic Tokyo có được "bảo lưu"?
Hiện tại, số lượng các VĐV đạt chuẩn dự Olympic Tokyo vẫn chưa được xác định chính thức khi các cuộc thi đấu vòng loại vẫn chưa hoàn tất. Tuy nhiên, đã có không ít người đã giành vé đến với Đại hội thể thao lớn nhất hành tinh. Tuy nhiên, (IOC) vẫn chưa làm rõ việc, liệu đến năm 2021 quyền tham dự của các vận động viên vẫn được đảm bảo hay không.
Những VĐV đã đoạt vé Olympic Tokyo như Huy Hoàng có được bảo lưu suất đến mùa Hè 2021?
Về lý thuyết, các suất tham dự Olympic Tokyo đương nhiên sẽ được "bảo lưu", cũng tương tự như số đội bóng sẽ tham dự EURO hay Copa America, những giải đấu cũng đã bị hoãn từ năm 2020 sang 2021.
Tuy nhiên, cho đến trước khi IOC có thông báo chính thức, "số phận" của những tấm vé đến với Olympic Tokyo vẫn sẽ là một dấu hỏi và những người đã đoạt vé thông qua các cuộc thi vòng loại tính điểm sẽ phải tiếp tục chờ đợi thêm trước khi biết chắc mình có thể tranh tài ở ngày hội thể thao thế giới hay không.
Nhiều VĐV có thể mất phong độ đỉnh cao
Trong thể thao thành tích cao, việc chọn điểm rơi phong độ sao cho đúng giải đấu trọng điểm là điều vô cùng quan trọng với các VĐV cũng như các HLV. Để đạt được thành tích ở đấu trường cao nhất thế giới, các VĐV phải trải qua quãng thời gian dài chuẩn bị, tích lũy. Nay khi Olympic bị hoãn lại, tất cả những kế hoạch chuẩn bị về chuyên môn, thể lực đều sẽ phải thay đổi.
Bên cạnh đó, Olympic có rất nhiều môn thi mang tính đặc thù mà VĐV tham gia tranh tài chỉ có thể đạt được phong độ cao ở một số độ tuổi nhất định, trong đó có thể kể đến thể dục dụng cụ, thể dục nghệ thuật, điền kinh hay bơi lội. Việc tham dự Olympic Tokyo khi đã già đi thêm 1 tuổi vào năm 2021 cũng sẽ khiến nhiều VĐV mất đi đáng kể cảm giác thi đấu. Cũng không thể không nhắc đến những trường hợp các VĐV kỳ cựu coi Olympic Tokyo là mục tiêu cuối cùng trong sự nghiệp trước khi giải nghệ, họ sẽ phải chờ và phấn đấu thêm một năm để đạt được mục tiêu trong khi cơ thể đã bắt đầu không "nghe lời".
Độ tuổi dự bóng đá nam sẽ tính ra sao?
Bóng đá nam luôn là một trong những môn thu hút đông người xem ở mỗi kỳ Thế vận hội. Kể từ năm 1992, môn bóng đá nam tại Olympic đã được dành cho các cầu thủ dưới 23 tuổi (mỗi đội được bổ sung 3 cầu thủ quá tuổi). Điều đó tiếp tục được duy trì ở Olympic Tokyo.
Nếu Olympic Tokyo diễn ra đúng hạn, các cầu thủ sinh năm 1997 sẽ đủ tuổi dự giải. Tuy nhiên, sang năm 2021, một số lượng lớn những cầu thủ này sẽ bước sang tuổi 24 và việc họ có thể tiếp tục dự Thế vận hội như dự kiến hay không vẫn còn là dấu hỏi.
Các cầu thủ sinh năm 1997 của Olympic Hàn Quốc có đủ điều kiện dự Olympic Tokyo vào năm 2021? (Ảnh: AFC).
Nếu IOC quyết định giữ nguyên độ tuổi của các VĐV bóng đá nam là U23, sẽ vô cùng bất công cho những gương mặt sinh năm 1997 đã chiến đấu hết mình ở các trận đấu vòng loại lại không thể góp mặt ở những trận đấu then chốt nhất. Điều đó còn khiến cho kế hoạch chuẩn bị của những đội bóng đã đoạt vé sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thậm chí có thể phải "thay máu" một nửa đội hình vì quá tuổi.
Quyết định hoãn Olympic Tokyo là điều nên làm và cũng bất khả kháng trong tình cảnh dịch bệnh hiện tại nhưng đằng sau quyết định ấy sẽ còn rất nhiều hệ lụy và bất cập chờ IOC tiếp tục giải quyết trong thời gian tới./.
Theo VOV.VN
https://vov.vn/the-thao/the-gioi-the-thao/olympic-tokyo-bi-hoan-nhung-kho-khan-chuyen-mon-cua-cac-doan-tham-du-1028629.vov