Chuyên gia y tế khẳng định bóng đá phong trào những va chạm và tiếp xúc gần, mang nguy cơ lây nhiễm rất cao. Đây là môn thể thao không phù hợp để tập luyện trong mùa dịch COVID-19.
Bóng đá phong trào không phải môn thể thao nên chơi trong mùa dịch COVID-19. (Ảnh: Nguyên An/Vietnam+)
Tập luyện thể thao, rèn sức khoẻ rất tốt và cần thiết trong mùa dịch COVID-19 giúp cơ thể có thêm sức đề kháng. Tuy nhiên, bóng đá không phải môn thể thao phù hợp để tập luyện thời điểm này.
Theo bác sỹ Nguyễn Văn Phú - Trưởng tiểu ban y tế các đội tuyển Tổng cục Thể dục-Thể thao, chơi bóng đá không phải cách rèn luyện an toàn trong mùa dịch COVID-19 khi mọi người đều cần ý thức, tránh tụ tập đông người.
Ông nói: "Vào thời điểm hiện tại, tình trạng dịch COVID-19 như vậy, môn bóng đá không còn phù hợp và không đảm bảo an toàn với người tham gia tập luyện. Số người chơi môn này trên một không gian không đảm bảo sự an toàn trong phòng ngừa lây nhiễm."
Một trận đấu bóng đá phong trào thu hút lượng người chơi đông. Không những thế, môn thể thể thao này mang tính đối kháng và tiếp xúc gần. “Cầu thủ” thường xuyên bắt tay và giao tiếp sát nhau.
Thậm chí, phần đông người tham gia môn thể thao này hiện đều sử dụng chung áo thi đấu, cốc uống nước mỗi khi giải khát.
Bác sỹ Phú khẳng định: "Bóng đá có những va chạm và tiếp xúc gần, mang nguy cơ lây nhiễm rất cao. Đặc biệt cường độ vận động cao và nhu cầu hô hấp lớn ở môn này sẽ khiến lượng không khí trên mặt sân không đảm bảo an toàn."
Bên cạnh đó, lượng người có mặt trên sân bóng phong trào rất khó kiểm soát. Nhiều hình thức thi đấu giao hữu ở môn này khiến hai đội không biết nhiều thông tin về nhau, liệu người chơi có đang trong diện cách ly hay tới từ vùng dịch hay không và khi cần thì liên hệ ra sao.
Chuyên gia từ Tổng cục Thể dục-Thể thao khuyến cáo: "Nếu tình trạng bóng đá phong trào sinh hoạt mạnh tiếp tục diễn ra thì cần phải có cảnh báo. Trước đây chúng ta có thể xem bóng đá là môn thể thao đảm bảo thể lực, tăng sức đề kháng cho cơ thể. Tuy nhiên, vào thời điểm này với bệnh lây nhiễm nguy hiểm, môn này không còn phù hợp nên chúng ta cần phải xem xét dừng tập luyện cho phù hợp với điều kiện thực tế. Tâm lý chủ quan hoặc với tinh thần thể thao cho rằng đây là môn thể thao cần thiết có thể để lại hậu quả lớn.”
Một sân cỏ nhân tạo đông đúc người chơi bóng đá vào buổi tối bất chấp dịch COVID-19. (Ảnh: Nguyên An/Vietnam+)
Dẫu vậy, phong trào bóng đá tại Hà Nội vẫn đang được duy trì đều đặn bất chấp dịch COVID-19 ngày một diễn biến phức tạp.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo điện tử VietnamPlus, nhiều sân bóng trên địa bàn Hà Nội thu hút lượng lớn người chơi vào mỗi chiều và tối hàng ngày từ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
Ở khu vực gần đường Trần Duy Hưng (quận Cầu Giấy), một sân bóng đều kín người chơi lúc 19 giờ vào ngày thứ Hai. Lượng người này được duy trì đều vào mỗi tối cho tới cuối tuần. “Cầu thủ” gồm sinh viên, người đi làm trong nước và số ít người nước ngoài.
Điều này cũng được ghi nhận tại nhiều sân bóng nằm trên đường Mạc Thái Tông, Lê Trọng Tấn, Hoàng Cầu và Cầu Giấy.
Một chủ sân bóng nhân tạo ở khu vực Hoàng Cầu (quận Đống Đa) cho biết kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, lượng khách thuê đến sân chơi bóng có giảm nhưng không đáng kể. Vẫn có rất đông “cầu thủ” thi đấu, khoảng 15 người sinh hoạt trên một sân.
Một sân bóng với diện tích rộng tại đường Lê Trọng Tấn (quận Thanh Xuân) thu hút khoảng từ 40 tới 60 người chơi cùng một lúc vào buổi tối ở “khung giờ vàng” từ 17 giờ 30 tới 19 giờ. Chủ sân này cho biết nhiều đội bóng thuê sân cố định hàng tuần vẫn sinh hoạt đều và thường xuyên.
Với khuyến cáo từ chuyên gia y tế, bóng đá phong trào rõ ràng cần tạm dừng sinh hoạt trong mùa dịch để đảm bảo an toàn, tránh lây lan diện rộng tại Thủ đô./.
Theo Nguyên An (Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/chuyen-gia-canh-bao-bong-da-phong-trao-mang-nguy-co-lay-nhiem-covid19/629970.vnp