Son Heung-min nói riêng hay các cầu thủ châu Á nói chung trở thành nạn nhân của phân biệt chủng tộc bởi nhiều lý do khác nhau.
Một thứ còn lây lan nhanh hơn cả chủng virus corona, đó là vấn nạn bài ngoại. Bóng đá không phải ngoại lệ, khi CĐV và các cầu thủ một lần nữa phải chứng kiến điều xấu xí nhất vẫn còn tồn tại trong thể thao.
Son Heung Min bị nhiều CĐV công kích trên mạng xã hội vì gốc gác châu Á. (Ảnh: PA)
Mới đây nhất, CLB Vũ Hán Trác Nhĩ bị hai đội bóng cũng đang tập huấn tại Tây Ban Nha huỷ lịch đá giao hữu. Các cầu thủ và HLV Vũ Hán Trác Nhĩ chỉ mới biết điều này tuần trước khi đặt chân tới Malaga.
Phía các CLB châu Âu không đưa ra bất cứ lý do gì. Dường như họ sợ các cầu thủ Trung Quốc lây nhiễm virus corona, bất chấp CLB Vũ Hán Trác Nhĩ khẳng định họ đã rời Hồ Bắc từ sau ngày 2/1, khi dịch bệnh còn chưa bùng phát.
Vũ Hán Trác Nhĩ vẫn đang nỗ lực sắp xếp một vài trận giao hữu tiền mùa giải. Đội bóng Trung Quốc đang ở thế "tiến thoái lưỡng nan": các CLB châu Âu từ chối giao hữu với họ, gia đình cầu thủ bị mắc kẹt tại Vũ Hán do lệnh phong toả của chính quyền, còn giải VĐQG Trung Quốc bị hoãn vô thời hạn.
CLB Vũ Hán Trác Nhĩ bị 2 CLB từ chối giao hữu.
Son Heung-min có lẽ sẽ đồng cảm với các cầu thủ Vũ Hán Trác Nhĩ. Sau khi ghi bàn ấn định chiến thắng 2-0 cho Tottenham trước Manchester City, Son Heung-min đã bị CĐV phân biệt chủng tộc. Nhiều người nói Son là người Trung Quốc và cho rằng anh sẽ lây lan bệnh dịch corona đến cho các cầu thủ khác.
Điều đó thật kinh khủng với Son và các CĐV Hàn Quốc. Đáng buồn hơn, nhiều thông điệp phân biệt chủng tộc lại phát ra từ chính CĐV Tottenham.
Với Son Heung-min, đây không phải lần đầu cầu thủ người Hàn Quốc bị phân biệt chủng tộc, ở cả ngoài đời và trên mạng xã hội.
Một báo cáo từ The Guardian cho thấy số vụ việc phân biệt chủng tộc ở Anh và Xứ Wales đã tăng gần 50%, từ 98 vụ ở mùa giải 2017/2018 lên 152 vụ ở mùa giải 2018/2019. Đây là vấn nạn, chứ không phải một trò đùa.
Một ví dụ khác, tàn ác và đau lòng hơn, diễn ra ở Italia cách đây ít hôm. Một cầu thủ nhí người Trung Quốc bật khóc, chạy khỏi sân bóng sau khi bị đối thủ mỉa mai: "Tao mong mày cũng nhiễm virus corona".
Bóng đá Trung Quốc trong giai đoạn khó khăn.
Ngay sau sự cố, cả CLB Cesano Boscone Idrostar của tài năng trẻ người Trung Quốc và CLB đối thủ là Academy Ausonia phải có tuyên bố chung trên Facebook, rằng họ "chống lại tất cả các hình thức phân biệt chủng tộc và phân biệt đối xử. CLB cam kết không bao giờ lùi bước, không khoan dung và sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết chống lại tất cả những người không phản ánh giá trị của đội bóng".
Đó là thông điệp đúng đắn, cho thấy ảnh hưởng tích cực của bóng đá. Ít ngày sau, AC Milan gửi tặng cầu thủ nhí Trung Quốc một chiếc áo có chữ ký, trên lưng áo in tên và số áo của cậu.
CLB Espanyol của tuyển thủ Trung Quốc Vũ Lôi cũng gửi tặng 450.000 khẩu trang để hỗ trợ cuộc chiến chống virus corona ở Vũ Hán. Gio Moreno - tiền vệ Colombia từng chơi cho Thân Hoa Thượng Hải trong 8 năm, cũng bỏ tiền túi gửi tặng Trung Quốc nhiều vật tư, thiết bị y tế. Jordi Cruyff - cựu HLV của CLB Trùng Khánh Lực Phàm chúc người dân Trung Quốc những điều tốt đẹp nhất.
"Tiến lên, Trung Quốc. Tôi luôn biết ơn vì những gì mình nhận được ở quốc gia này, và ở thời khắc khó khăn, tôi muốn gửi đến tất cả lời chúc cùng sự động viên của mình. Trung Quốc, hãy mạnh mẽ lên", Cruyff chia sẻ.
Cuộc khủng hoảng toàn cầu hôm nay sẽ là cơ hội để thế giới bóng đá xích lại gần nhau, chứ chẳng phải tách xa nhau hơn.
Theo VTC News
https://vtc.vn/bong-da-anh/virus-corona-thoi-bung-nan-phan-biet-chung-toc-trong-bong-da-hien-dai-ar526155.html