Năm 2019 sắp kết thúc, chúng ta cùng nhìn lại 10 sự kiện nổi bật của Thể thao Việt Nam trong năm qua, với chiến thắng vang dội tại SEA Games 30 trên đất Philippines, cùng nhiều thành tích đáng chú ý khác của các đội tuyển và các vận động viên.
1. Đoàn thể thao Việt Nam thắng lợi tại SEA Games 30
Với 288 huy chương các loại, trong đó có 98 HCV, 85 HCB và 105 HCĐ, đoàn thể thao Việt Nam đứng nhì tại SEA Games 30. Vị trí này có thể xem như đứng đầu Đông Nam Á, bởi ngôi vị số 1 đương nhiên phải thuộc về quốc gia chủ nhà Philippines, do họ “gom” rất nhiều huy chương trong các môn lạ. Điều quan trọng là chúng ta vượt qua Thái Lan trên bảng tổng sắp, vượt lên trên họ ở khá nhiều môn thể thao cơ bản của phong trào Olympic, gồm điền kinh, bơi, bóng đá, vật…
Đặc biệt, trong môn điền kinh, chúng ta giành đến 16 HCV, bứt xa hẳn khỏi đối thủ chính trong khu vực là Thái Lan. SEA Games 30 khép lại, Thể thao Việt Nam cũng chính thức nhận cờ đăng cai SEA Games 31, diễn ra sau đây 2 năm.
2. Bóng đá nam lần đầu tiên giành HCV SEA Games
Sau 60 năm đằng đẳng chờ đợi, bóng đá nam Việt Nam mới chạm đến bộ HCV Đông Nam Á vận hội. Đoàn quân của HLV Park Hang Seo lên ngôi vô cùng thuyết phục, đặc biệt là 2 chiến thắng đậm ở 2 trận bán kết và chung kết, lần lượt với tỷ số 4-0 (trước Campuchia) và 3-0 (trước Indonesia), cho thấy sự vượt trội của chúng ta so với phần còn lại của giải.
3. Bóng đá nữ bảo vệ thành công ngôi hậu SEA Games và Đông Nam Á
Ở 2 giải đấu liên tiếp diễn ra trong vòng ít tháng, đội bóng của HLV Mai Đức Chung đều lên ngôi, sau khi đánh bại Thái Lan trong trận chung kết, bằng bàn thắng được ghi ở hiệp phụ. Đầu tiên là chiến thắng 1-0 trong trận chung kết giải bóng đá nữ Đông Nam Á hồi tháng 8, ngay trên đất Thái, tiếp đó là trận thắng khi tranh HCV SEA Games vừa diễn ra, tại Philippines.
Điều đáng mừng hơn nữa là xã hội ngày càng quan tâm và ngày càng trân trọng đóng góp của những cô gái đá bóng. Con số tiền thưởng kỷ lục khoảng 22 tỷ đồng mà đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam được nhận sau thành tích giành HCV SEA Games 30, chính là sự phản ánh rằng bóng đá nữ đang được xã hội quan tâm hơn trước.
4. Đội tuyển Việt Nam thi đấu ấn tượng tại vòng loại World Cup 2022 và Asian Cup 2019
Khác với tất cả các kỳ vòng loại từng diễn ra trước đó, ở kỳ vòng loại đang diễn ra, bóng đá Việt Nam tham dự với tâm lý khác hẳn: Chúng ta tham dự với mục tiêu đi xa nhất có thể, thậm chí mơ về vé dự VCK giải vô địch thế giới, chứ không phải tâm lý đá cho xong như trước đây.
Và, tính cho đến khi khép lại năm 2019, đội bóng của HLV Park Hang Seo đang dẫn đầu bảng đấu của mình, về lý thuyết chuẩn bị có vé lọt vào giai đoạn vòng loại cuối cùng khu vực châu Á. Thành tích này cộng với việc vào tứ kết Asian Cup 2019 khép lại một năm đẹp với bóng đá Việt Nam.
5. Lực sĩ khuyết tật Lê Văn Công bán đấu giá HCV, tặng cho bệnh nhân ung thư
Không chỉ xuất sắc trong các cuộc tranh tài thể thao, VĐV Việt Nam còn đầy tính nhân văn. Lực sĩ khuyết tật Lê Văn Công bán đấu giá chiếc HCV World Cup, môn cử tạ, thu được số tiền 125 triệu đồng, và toàn bộ số tiền này được trao cho cô bé Đoàn Thị Bích Hương đang mắc bệnh ung thư, qua đó cô nữ sinh không may mắn này có điều kiện để chống chọi với căn bệnh quái ác mà mình đang mắc phải.
6. CLB Hà Nội giành cú đúp trong nước và tiến xa tại AFC Cup 2019
Đội bóng của bầu Hiển không có đối thủ tại giải trong nước. Đồng thời, ở cúp châu Á, CLB Hà Nội vào đến tận trận chung kết liên khu vực, chỉ bị loại bởi CLB April 25 (CHDCND Triều Tiên) bởi luật bàn thắng trên sân đối phương.
Điều đáng tiếc là dù giành cú đúp danh hiệu trong nước, gồm ngôi vô địch V-League và cúp quốc gia, nhưng CLB Hà Nội lại không đủ điều kiện tham dự AFC Cup mùa sau, do không tham dự đủ các giải đấu trẻ cấp quốc gia, theo quy định của chính AFC.
7. Lê Quang Liêm vô địch cờ vua châu Á
Lần đầu tiên một kỳ thủ nam của nước ta vô địch nội dung cờ tiêu chuẩn, tại giải châu Á. Khởi đầu không ấn tượng, nhưng Lê Quang Liêm càng về sau càng thi đấu xuất sắc, trước khi đánh bại kỳ thủ mạnh của Ấn Độ là Sethuraman, trong trận đấu quyết định, để giành ngôi vô địch.
8. Làn sóng cầu thủ Việt Nam xuất ngoại, sang cả châu Âu
Không còn là hiện tượng riêng lẻ, việc cầu thủ Việt Nam ra nước ngoài thi đấu dần trở thành trào lưu, cho xu thế nâng cao trình độ, cải thiện thu nhập. Không chỉ “xuất khẩu” cầu thủ đến các thị trường khu vực như Thái Lan, hay châu lục như Nhật Bản và Hàn Quốc, cầu thủ Việt Nam còn sang cả châu Âu đầu quân, nổi bật là trường hợp của Nguyễn Công Phượng đến Sint Truidense (Bỉ) và Đoàn Văn Hậu gia nhập SC Heerenveen (Hà Lan).
9. Pháo sáng trên khán đài và nỗi lo hooligan trong bóng đá nội
Từ những vụ nho nhỏ, lẻ tẻ, pháo sáng trên các sân bóng trong nước (điển hình là ở sân Hàng Đẫy) không được nghiêm trị đến nơi đến chốn đang có dấu hiệu ngày một nghiêm trọng. Đã có người bị thương phải nhập viện và đã có nhiều trận đấu bị ảnh hưởng lớn bởi pháo sáng.
Không mạnh tay với vấn nạn này ngay từ bây giờ, bóng đá Việt Nam có thể lâm vào nguy cơ xuất hiện các nhóm hooligan chuyên quậy phá thông qua bóng đá, như đã xuất hiện ở Malaysia hay Indonesia, khiến nhà chức trách đau đầu, hình ảnh của đất nước và con người nói chung của quốc gia sở tại bị ảnh hưởng.
10. Quần vợt Việt Nam lần đầu tiên có HCV tại đại hội thể thao Đông Nam Á
Cũng giống như bóng đá nam, làng banh nỉ Việt Nam lần đầu trong lịch sử có HCV SEA Games. Thậm chí, trận chung kết nội dung đơn nam của môn quần vợt là cuộc đấu nội bộ của 2 VĐV Việt Nam: Lý Hoàng Nam và Daniel Nguyễn, với phần thắng thuộc về Lý Hoàng Nam.
Theo Dân trí
https://dantri.com.vn/the-thao/10-su-kien-noi-bat-cua-the-thao-viet-nam-nam-2019-20191217213307856.htm