Vòng 18 V-League 2019, sân Thống Nhất đón lượng khán giả đông kỷ lục.
Mười lăm nghìn vé trận TP.HCM gặp Hà Nội FC không chỉ bán hết sạch mà còn gây ra cơn “sốt vé”. Sức nóng của “trận chung kết” V-League 2019 khiến sân Thống Nhất được lấp đầy và phá luôn kỷ lục về số lượng khán giả mới được thiết lập chỉ 1 tuần trước đó.
Vòng 17 V-League 2019, sân Thống Nhất đón tới 8000 khán giả đến theo dõi, cổ vũ trận đấu giữa Sài Gòn FC và Hà Nội FC. Sau cả 2 trận đấu, hàng trăm khán giả thành phố mang tên Bác đã nán lại sân để chờ đợi cơ hội được xin chữ ký hay chụp ảnh cùng Quang Hải, Văn Hậu, Hùng Dũng, Đức Huy, Duy Mạnh…
Rất rất lâu rồi, người ta mới thấy bầu không khí náo nhiệt ấy ở sân Thống Nhất khi diễn ra một trận đấu V-League. Vài năm nay, sân Thống Nhất luôn là một trong những sân bóng vắng khán giả nhất của làng bóng đá Việt Nam. Bên cạnh những nỗ lực của hai đội bóng địa phương và ban tổ chức V-League, thành công của hai trận đấu kể trên mang dấu ấn đặc biệt từ sức hút của Hà Nội FC.
Khán đài sân Hàng Đẫy thường xuyên kín khán giả đến xem các trận đầu của Hà Nội FC trong những mùa giải gần đây
Thực tế, Hà Nội FC bây giờ không chỉ biến sân nhà Hàng Đẫy trở thành một trong những sân bóng đông khán giả nhất V-League, mà còn có khả năng hâm nóng bầu không khí ở những nơi mà đời sống bóng đá tưởng chừng đã nguội lạnh.
Ấy thế mà chỉ mới 3 năm trước thôi, Hà Nội FC còn loay hoay với bài toán thu hút khán giả. Bất chấp việc đội bóng Thủ đô sở hữu lối đá đẹp mắt nhất nhì V-League và bảng thành tích đồ sộ, sân Hàng Đẫy vẫn rơi vào cảnh “vắng tanh vắng ngắt”.
Ngay cả khi Hà Nội FC (thời còn mang tên Hà Nội T&T) đầu tư bài bản vào công tác đào tạo trẻ, trình làng những tài năng và “thay máu” đội hình bằng những cầu thủ trưởng thành từ cái nôi bóng đá Thủ đô, đội bóng vẫn không có được sự thừa nhận.
Đó là câu hỏi mà giới truyền thông thường xuyên đặt ra với các thành viên Hà Nội FC. Đáp lại, các thành viên đội bóng đều kiên định với phương châm “cống hiến hết mình, khán giả sẽ ghi nhận”.
Lối đá đẹp mắt, hấp dẫn từ các cầu thủ tài năng như Quang Hải, Văn Quyết, Duy Mạnh đã kéo khán giả đến sân Hàng Đẫy
Và rồi tầm nhìn ấy đã trở thành sự thật. Những Quang Hải, Văn Hậu, Hùng Dũng, Đức Huy, Duy Mạnh được trao cơ hội ở Hà Nội FC, có sự trưởng thành vượt bậc và trở thành những người hùng làm nên hàng loạt kỳ tích cùng các cấp độ đội tuyển Việt Nam.
Bóng đá Việt Nam hồi sinh và bóng đá Thủ đô cũng hồi sinh. Hà Nội FC trở thành đội bóng được yêu thích bậc nhất tại V-League. Không chỉ trên sân nhà Hàng Đẫy mà ngay cả trên sân khách.
Bây giờ, đến sân Hàng Đẫy mỗi dịp cuối tuần là được thưởng thức bầu không khí lễ hội. Khán giả đầy ắp các khán đài và dàn cầu thủ áo tím trình diễn thứ bóng đá hoa mỹ dưới sân. Không chỉ ở V-League, Cúp Quốc gia, mà còn ở đấu trường châu lục AFC Cup.
Tình yêu mà người hâm mộ dành cho Hà Nội FC và những ngôi sao của đội bóng hình thành tự nhiên như hơi thở. Ngày trở lại của bóng đá Thủ đô có lẽ là phần thưởng ngọt ngào nhất cho Hà Nội FC, sau nỗ lực bền bỉ suốt 10 năm thi đấu ở V-League từ 2009 đến 2019.
Bởi dù đội bóng có giành 5 chức vô địch, 4 chức Á quân hay 50 chức vô địch, 40 ngôi Á quân mà không có tình yêu của khán giả, thì đó vẫn chưa phải thứ bóng đá trọn vẹn.
Hà Nội FC – Niềm tự hào Thủ đô, khí chất bóng đá Thủ đô
Đất Thăng Long ngàn năm văn hiến. Người Hà Nội thanh lịch, hào hoa.
Một đội bóng muốn trở thành biểu tượng của mảnh đất và con người Thủ đô, nhất định không thể là một đội bóng tầm thường. Đó phải là đội bóng có hào khí của riêng mình.
Thế nên mới có thời khán giả Thủ đô không mặn mà với những đội bóng mang danh Hà Nội. Đó là chuyện của thập niên trước, khi những đội chủ sân Hàng Đẫy chỉ loay hoay chống chọi với cuộc chiến trụ hạng, xây dựng lực lượng bằng nguồn cầu thủ đến từ địa phương khác và đóng góp rất hạn chế cho các cấp độ đội tuyển Việt Nam.
Quãng thời đó, những người yêu bóng đá Thủ đô hay hoài niệm về thời vàng son của những Thể Công, Công An Hà Nội, về những trận derby kịch tính đầy cảm xúc trên sân Hàng Đẫy, về “thế hệ vàng” đầu tiên của tuyển Việt Nam với những danh thủ Hà Nội như Nguyễn Hồng Sơn, Vũ Minh Hiếu, Trương Việt Hoàng…
Như quy luật tất yếu, những đội bóng không được lòng khán giả dần biến mất khỏi đời sống bóng đá Việt Nam. Bây giờ, bóng đá Thủ đô đang có niềm tự hào mang tên Hà Nội FC. Sân Hàng Đẫy đầy ắp khán giả mỗi dịp cuối tuần để cổ vũ cho thế hệ cầu thủ tài năng sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, do Hà Nội FC đào tạo và nuôi dưỡng.
Với chức vô địch V-League 2019, Hà Nội FC chính thức vượt qua Bình Dương về số lần lên ngôi vô địch giải đấu bóng đá cao nhất Việt Nam ở kỷ nguyên V-League (5 so với 4). Hà Nội FC cũng vượt qua tượng đài Thể Công với cùng 5 lần lên ngôi vô địch nhưng nhiều hơn số lần giành ngôi Á quân (4 so với 3).
Quan trọng hơn, Hà Nội FC đã mang hào khí của bóng đá Thủ đô và bóng đá Việt Nam ra đấu trường châu lục ở mùa giải 2019. Đội bóng áo tím không chỉ trình diễn lối đá hoa mỹ ở đấu trường trong nước mà còn trước những Bangkok United, Shandong Luneng ở vòng play-off AFC Champions League, rồi Yangon United, Naga World, Tampines Rovers, Ceres Negros, Bình Dương, Altyn Asyr, 4.25 SC ở AFC Cup.
Hà Nội FC đã trải qua đến 14 trận đấu với 7 chuyến làm khách đến nhiều vùng của châu Á (kỷ lục trước đó thuộc về Bình Dương chỉ là 11 trận ở AFC Cup 2009) để chinh chiến tại AFC Cup năm nay. Họ đã phải chịu nhiều sự tổn thất về lực lượng từ những trận đấu ấy nhưng vẫn quyết chiến đến cùng với tinh thần không bỏ cuộc và chỉ chịu dừng bước trước 4.25 SC ở chung kết liên khu vực bởi luật bàn thắng sân khách nghiệt ngã.
Bóng đá Việt Nam không chỉ có những chiến công mang tầm châu lục của các đội tuyển dưới thời HLV Park Hang Seo, mà còn có kỳ tích châu lục của Hà Nội FC ở cấp CLB. Đó là lời khẳng định cho sự phát triển thực chất về chất lượng của cả nền bóng đá.
Đó cũng là lời khẳng định cho sự phát triển bền vững mà Hà Nội FC theo đuổi. Từ xuất phát điểm của một đội bóng “bình thường” khi mới lên V-League năm 2009 để trở thành đội bóng “phi thường” của năm 2019.
Hành trình vô địch V-League 2019 của Hà Nội FC: Bước qua chông gai, làm nên lịch sử
Hà Nội FC đã khởi đầu V-League 2019 bằng chiến thắng tưng bừng 5-0 trong cuộc tiếp đón Than Quảng Ninh tại vòng mở màn. Tuy nhiên, kịch bản “một mình một ngựa” băng băng về đích như ở V-League 2019 đã không lặp lại với đội bóng Thủ đô.
Thay vào đó, mùa giải này đã chứng kiến cuộc đua song mã nghẹt thở giữa Hà Nội FC và TPHCM. Để rồi, chức vô địch V-League 2019 trở thành chiến quả ngọt ngào cho đoàn quân áo tím, trong mùa giải mà thầy trò HLV Chu Đình Nghiêm đã phải căng sức chiến đấu trên 3 mặt trận.
Giai đoạn lượt đi V-League 2019 cũng là lúc Hà Nội FC chinh phục hành trình tại vòng bảng, săn vé vào vòng knock-out AFC Cup. Sáu vòng đấu tại đấu trường châu lục đan xen với 10 vòng đấu tại giải quốc nội tạo thành lịch thi đấu dày đặc, với mật độ trung bình 3 ngày/trận.
Thử thách này không tạo ra quá nhiều khó khăn cho Hà Nội FC trong bước khởi đầu mùa giải khi Quang Hải và các đồng đội luôn thể hiện sự ổn định trên cả hai đấu trường. Ở vòng 7, Hà Nội FC thắng thuyết phục TPHCM trên sân Hàng Đẫy nhờ pha lập công của Hoàng Vũ Samson để vươn lên dẫn đầu V-League.
Nhưng khi cuộc đua giành vé đi tiếp ở vòng bảng AFC Cup đi đến hồi quyết định, cũng là lúc Hà Nội FC trải qua thời gian khó khăn nhất trong mùa giải V-League 2019. Đội chủ sân Hàng Đẫy liên tục rơi điểm trước Bình Dương, Thanh Hóa, Nam Định, HAGL.
Ngoài những kết quả đáng tiếc, Hà Nội FC còn bị tổn thất lực lượng. Trung vệ Trần Đình Trọng dính chấn thương đầu gối nghiêm trọng trong trận hòa 0-0 với HAGL trên sân Pleiku ở vòng 12 và phải nói lời chia tay với mùa giải 2019. Trước đó, thủ quân Nguyễn Văn Quyết cũng dính chấn thương cơ đùi trong trận gặp Yangoon United ở AFC Cup và phải vắng mặt trong đội hình Hà Nội FC suốt từ tháng Tư đến tháng Sáu.
Khó khăn tiếp tục đeo bám thầy trò HLV Chu Đình Nghiêm trong những trận đầu tiên ở giai đoạn lượt về V-League 2019. Đó là hai trận hòa “đen đủi” trước Khánh Hòa và HAGL ngay trên sân Hàng Đẫy, với cùng kịch bản đánh rơi chiến thắng ở phút bù giờ cuối cùng, sau khi các chân sút áo tím đã bỏ lỡ vô số cơ hội trước khung thành đối phương.
Giữa hoàn cảnh nhọc nhằn ấy, chuyến hành quân rời xa Thủ đô 15 ngày vào giữa tháng Bảy trở thành khúc cua ngặt nghèo của Hà Nội FC trong cả mùa giải. Đoàn quân áo tím “Nam tiến” để làm khách của Sài Gòn FC và TPHCM ở V-League, cũng như Bình Dương ở lượt đi chung kết khu vực Đông Nam Á AFC Cup.
Kết quả, Hà Nội FC đè bẹp Sài Gòn FC 4-1, hòa kịch tính 2-2 với TPHCM trong “trận chung kết” V-League 2019 và thắng Bình Dương 1-0 ở đấu trường châu lục. Đội bóng Thủ đô vượt qua khúc cua định mệnh, để rồi tăng tốc trong giai đoạn nước rút của mùa giải và chinh phục ngôi vô địch V-League.
Sau trận “chung kết” bất phân thắng bại trên sân Thống Nhất, nếu như TPHCM bắt đầu sa sút phong độ, không còn giữ được sự ổn định thì Hà Nội FC liên tiếp giành những chiến thắng giòn giã trước Thanh Hóa, Đà Nẵng, Nam Định, Viettel rồi bước lên ngôi vô địch V-League 2019 sớm 2 vòng đấu bằng chiến thắng 1-0 trên sân SLNA.
Nội FC giành chức vô địch thứ 5 ở V-League sau một mùa giải đầy chông gai trước sức cạnh tranh quyết liệt từ các đối thủ, cũng như phải căng mình thi đấu ở 3 mặt trận gồm cả Cúp Quốc gia và AFC Cup (trước đó là vòng sơ loại AFC Champions League).
Vinh quang này cũng đánh dấu cột mốc quan trọng của Hà Nội FC khi đội bóng thủ đô đã chính thức vượt qua Bình Dương về số lần lên ngôi vô địch giải đấu bóng đá cao nhất Việt Nam ở kỷ nguyên V-League. Theo đó, Bình Dương với 4 lần đăng quang ở V-League 2007, 2008, 2014 và 2015 chính thức bị Hà Nội FC vượt mặt trên bục vinh danh.
Tính rộng hơn trong lịch sử giải đấu cao nhất bóng đá Việt Nam, chức vô địch V-League 2019 của Hà Nội FC cũng giúp đội bóng Thủ đô vượt qua tượng đài Thể Công với cùng 5 lần lên ngôi vô địch nhưng nhiều hơn số lần giành ngôi Á quân (4 so với 3).
Niềm tự hào thủ đô và chuyện “mài gươm, chờ thời” của Hà Nội FC
Cuối năm 2016, giới truyền thông Việt Nam có dịp xôn xao trước cái nhìn về V-League trong mắt một nhà báo Anh. Cây út Thomas Barrett của tờ Guardian khắc họa bức tranh đìu hiu về bóng đá Việt Nam nói chung và bóng đá Thủ đô nói riêng, thông qua hành trình đến sân Hàng Đẫy xem trận đấu quyết định ngôi vô địch V-League 2016 của Hà Nội FC gặp Thanh Hóa (khi đó hai đội mang tên Hà Nội T&T và FLC Thanh Hóa).
Đó là thời điểm đội bóng Thủ đô đau đáu với nỗi niềm “đá đẹp, giàu thành tích vẫn không có người xem”. Hàng Đẫy luôn là một trong những sân bóng ít khán giả nhất, với những khán đài vắng tanh, nguội lạnh.
Tác giả Thomas Barrett đã phản ánh chân thực bầu không khí ấy trong bài viết của mình. Nhưng giữa khung cảnh ảm đạm, cây bút của tờ The Guardian vẫn nhìn thấy hy vọng của tương lai khi viết câu kết: “Những khoảnh khắc như khi Nguyễn Quang Hải nhảy múa qua sáu hậu vệ cho thấy ở đây bóng đá vẫn còn thuần khiết. Có rất nhiều tiềm năng chưa được khai thác ở đây, cho giải đấu quốc nội này”.
Nguyễn Quang Hải cùng thế hệ tài năng sinh ra, lớn lên tại Hà Nội, do Hà Nội FC đào tạo và nuôi dưỡng như Đỗ Duy Mạnh, Phạm Đức Huy, Đoàn Văn Hậu…là những người hùng giúp bóng đá Việt Nam làm nên kỳ tích Thường Châu ở VCK U23 châu Á, khởi đầu cho một loạt chiến công lịch sử ở Asiad, AFF Cup, Asian Cup…
Những thành công của các cấp độ đội tuyển Việt Nam dưới thời HLV Park Hang Seo giúp bóng đá Việt Nam hồi sinh và mang khán giả trở lại với V-League. Trong đó, Hà Nội FC là đội bóng “đổi đời” mạnh mẽ nhất. Từ chỗ khó khăn trong việc thu hút khán giả, bây giờ Hà Nội FC là đội bóng được yêu thích bậc nhất tại V-League.
Nếu bây giờ, cây bút Thomas Barrett có dịp trở lại sân Việt Nam theo dõi một trận đấu của Hà Nội FC, ông sẽ được chứng kiến một bầu không khí náo nhiệt từ hàng nghìn khán giả lấp kính sân Hàng Đẫy. Tài năng trẻ Nguyễn Quang Hải ngày nào giờ trở thành ngôi sao bóng đá hàng đầu trên mảnh đất hình chữ S.
Trên ngực áo Hà Nội FC cũng có 5 ngôi sao, tượng trưng cho 5 chức vô địch V-League. Đây chính là đội bóng vô địch nhiều nhất trong kỷ nguyên V-League và mới làm nức lòng khán giả cả nước với hành trình đầy cảm xúc ở đấu trường châu lục khi vào đến chung kết liên khu vực AFC Cup 2019.
Mất gần 2 năm từ khi bài viết của Thomas Barrett được đăng tải trên The Guardian đến khi Nguyễn Quang Hải và các đồng đội làm nên kỳ tích Thường Châu. Đó cũng là khoảng thời gian Hà Nội FC ươm mầm cho thành công và có những bước đi quan trọng để chuẩn bị sẵn sàng cho việc khai thác tiềm năng lớn lao từ nền bóng đá nước nhà.
Sau chức vô địch V-League 2016, đội bóng đã đổi tên từ Hà Nội T&T thành Hà Nội FC. Chủ tịch đội bóng, Nguyễn Quốc Hội chia sẻ: “Đội bóng đổi tên là để tiếp cận một cách gần gũi nhất với CĐV bóng đá Thủ đô. Chúng tôi đặt mục tiêu đội bóng trở thành tài sản chung, được người dân Hà Nội cùng nâng niu, trân trọng và xây dựng. Bên cạnh đó, Hà Nội FC cũng mở rộng vòng tay để đón nhận nhiều tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước chung tay đồng hành, xây dựng đội bóng trở thành niềm tự hào bóng đá Hà Nội nói riêng và góp phần phát triển cho bóng đá Việt Nam”.
Đội bóng Thủ đô cũng đổi màu áo từ vàng và trắng vốn phổ biến ở các đội bóng V-League, hạng Nhất sang màu tím – màu áo làm nên “thương hiệu” của Hà Nội FC. Công tác truyền thông, nhất là trên Facebook và YouTube của Hà Nội FC có bước phát triển mạnh mẽ trong vài năm qua, để thắt chặt sợi dây kết nối giữa người hâm mộ và đội bóng.
Trên sân cỏ, Hà Nội FC đã đưa các tài năng từ tuyến trẻ lên đội 1 theo lộ trình cực kỳ hợp lý, làm mới đội hình một cách từ tốn, không vội vàng, ồ ạt. Để rồi những Nguyễn Quang Hải, Đỗ Duy Mạnh, Đỗ Hùng Dũng, Phạm Đức Huy, Đoàn Văn Hậu, Nguyễn Thành Chung…có sự phát triển vượt bậc, từ những “ông vua giải trẻ” trở thành những ngôi sao đầy bản lĩnh, qua đó mang về thành công cho bóng đá Việt Nam nói chung và bóng đá Thủ đô nói riêng.
Với cách làm bóng đá bài bản, kết hợp với tầm nhìn chiến lược dài hạn xuyên suốt 10 năm thi đấu ở V-League từ 2009 đến 2019, đặc biệt là nỗ lực bứt phá trong 3 năm gần đây, những thành công đến với Hà Nội FC là thành quả tất yếu và xứng đáng. Từ chỗ bị xem là “đội quân tứ xứ” của những ngày đầu, bây giờ Hà Nội FC đã thực sự trở thành niềm tự hào của bóng đá Thủ đô.
Theo Quỳnh Chi/VTC News