Nữ kình ngư số 1 VN Nguyễn Thị Ánh Viên gây thất vọng lớn khi chỉ xếp hạng 19 vòng loại cự ly sở trường 400 m cá nhân hỗn hợp ở giải bơi vô địch thế giới diễn ra ở Hàn Quốc.
Ánh Viên sa sút vì ngành TDTT đã đầu tư không hợp lý, không mạnh dạn tìm HLV ngoại giỏi
Không những không đoạt vé vào chung kết, thành tích 4 phút 47 giây 96 của Ánh Viên tại giải lần này là cột mốc thụt lùi rất đáng báo động, thấp nhất trong 6 năm qua.
Ở ASIAD 2014, Ánh Viên đạt 4 phút 39 giây 65 đến giải vô địch TG 2015, Ánh Viên cải thiện thành 4 phút 38 giây 78. Đỉnh cao của Ánh Viên là tại Olympic Brazil 2016 khi cô đạt 4 phút 36 giây 85. Kể từ đó thành tích của Ánh Viên bắt đầu đi xuống với 4 phút 40 giây 39 ở giải vô địch TG 2017, 4 phút 42 giây 81 ở ASIAD 2018 và tiếp tục thụt lùi như vừa qua.
Việc Ánh Viên sa sút đã bắt đầu từ năm 2016 nhưng đến tận bây giờ vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu dẫn đến việc làng bơi VN trước nguy cơ lớn mất đi tài năng này. Lý do lớn nhất được các HLV lẫn nhà quản lý chỉ ra là Ánh Viên cần có HLV giỏi thay thế HLV Đặng Anh Tuấn để giúp cô đột phá. HLV Đặng Anh Tuấn với tâm huyết lớn nhưng dẫu sao khả năng cũng chỉ có hạn, đủ giúp Ánh Viên ở giai đoạn đầu sự nghiệp, còn muốn vươn đến đỉnh cao TG, cô cần có HLV giỏi với phương pháp huấn luyện hiện đại, kế hoạch thi đấu khoa học… Rào cản lớn ở trường hợp Ánh Viên khi cô vẫn là “gà đẻ trứng vàng” ở đấu trường SEA Games, thầy trò không muốn chia tay trong khi phía quản lý lại nhún nhường, thấy điểm yếu cần tháo gỡ nhưng không quyết đoán xử lý. Rất nhiều lần việc thay thế HLV cho Ánh Viên được đề cập nhưng đến nay vẫn diễn ra cảnh một thầy một trò cùng thành tích thảm bại.
Có ý kiến cho rằng Ánh Viên nay 23 tuổi không còn độ tuổi đỉnh cao thành tích cũng đã chạm ngưỡng nên sa sút. Nhận định này không đúng, bởi không đâu xa tại giải bơi vô địch TG, những VĐV đoạt thứ hạng cao đều nằm ở độ tuổi từ 22 - 26, tức là tuổi của độ chín sự nghiệp. Vấn đề của Ánh Viên theo phân tích của các chuyên gia bơi lội hàng đầu VN nằm ở chỗ cô bị “dú ép”, nghĩa là tập luyện sai quy trình, dẫn đến sớm gặt thành tích nhưng cũng sớm lụi tàn. Các VĐV thế giới từng đoạt thành tích cao ở các giải trẻ nếu được huấn luyện đúng cách sẽ tiếp tục phát triển mạnh ở các đấu trường lớn. Như Ánh Viên từng giành HCV Olympic trẻ nhưng lại không bứt phá thì vấn đề nằm ở cách đầu tư và huấn luyện còn nhiều sai số.
Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao 2 Nguyễn Trọng Hổ cho biết: “Thành tích sa sút của Ánh Viên là không bất ngờ nhưng thông số quá thấp ở cự ly sở trường 400 m hỗn hợp là đáng báo động. Từ nay đến SEA Games 30 vào cuối năm không xa, do đó Ánh Viên cùng HLV Anh Tuấn tiếp tục được tin tưởng đi tập huấn ở Mỹ. Chúng tôi cũng thuê HLV người Mỹ hỗ trợ cho Ánh Viên trong thời gian tới và động viên thầy trò tiếp tục nỗ lực. Sau SEA Games, chúng tôi sẽ có những tính toán mới, trong đó có việc thay HLV cho Ánh Viên”.
Nhiều người không đồng tình với ý kiến này của ông Hổ khi nếu chỉ mục tiêu SEA Games thì có cần để Ánh Viên ở lại Mỹ tập huấn nữa không? Phải chăng ngành TDTT dư tiền đến mức lãng phí cho một sân chơi Đông Nam Á? Bài học Nguyễn Huy Hoàng cho thấy dù tập luyện trong môi trường nào nhưng nếu có sự tập trung cao, thực sự nỗ lực, VĐV bơi lội VN như Ánh Viên vẫn có thể giành thành tích không khó ở SEA Games. Lãng phí đầu tư như thời gian qua (180.000 USD/năm của Tổng cục TDTT chưa tính khoảng 40.000 USD của ngành TDTT quân đội cho Ánh Viên) đã có hệ quả nhãn tiền tại giải thế giới, vậy mà giờ vẫn tiếp tục lãng phí kéo dài cho mục tiêu SEA Games cho thấy chiến lược đầu tư của ngành TDTT còn quá nhiều bất cập.
Nhiều chuyên gia bơi lội cho rằng vài yếu tố cũng ảnh hưởng đến thành tích của Ánh Viên như càng lớn tuổi, tâm sinh lý của VĐV cũng thay đổi nhưng do không định hướng tốt nên cô bị phân tâm đến chuyên môn. Ngoài ra thành tích đến dồn dập cũng như sự kỳ vọng quá lớn đã khiến Ánh Viên đánh mất chính mình khi không vượt qua được bài toán tâm lý và chưa ý thức cao chuyện phải tập trung liên tục cho mục tiêu số 1 là tập luyện, thi đấu. |
Theo Thanh niên