Phó chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn cho hay Việt Nam thực chất đã nhắm đến việc dự World Cup từ trước, nhưng nếu FIFA nâng số đội dự VCK lên 32 đội, cơ hội sẽ cao hơn. Quyết tâm của chúng ta còn thể hiện sau khi VFF có tân trưởng Ban bóng đá nữ là ông Phạm Thanh Hùng.
Hiện tại, vòng chung kết (VCK) World Cup có 24 đội, và châu Á có 5 suất tham dự giải đấu này. Ở kỳ VCK World Cup bóng đá nữ 2019 vừa kết thúc tại Pháp, 5 đại diện của bóng đá châu Á gồm Nhật Bản, Trung Quốc, Australia, Hàn Quốc và Thái Lan.
Trong số này, Thái Lan chính là đội từng thắng đội tuyển nữ Việt Nam trong trận tranh vé vớt dự VCK World Cup bóng đá nữ - khu vực châu Á, diễn ra ở sân Thống Nhất cách nay vài năm.
Nếu VCK World Cup tăng số đội tham dự từ 24 lên thành 32 đội, chắc chắn châu Á sẽ có thêm suất, và cơ hội của đội tuyển nữ Việt Nam sẽ lớn hơn hẳn.
Nếu VCK World Cup được tăng số đội tham dự lên 32, đội tuyển nữ Việt Nam sẽ rộng cửa dự VCK World Cup
Lâu nay, ở châu Á, bóng đá nữ Việt Nam thường chỉ xếp dưới 5 nền bóng đá, gồm Nhật Bản (cựu vô địch thế giới), Australia và Trung Quốc (các đội từng vô địch châu Á), Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên.
Ít năm gần đây, bóng đá nữ CHDCND Triều Tiên đôi chút chững lại, vì từng chịu lệnh “cấm vận” từ FIFA, cũng như ít cọ xát quốc tế.
Trong khi đó, 1 trong 5 đại diện của châu Á dự VCK World Cup bóng đá nữ năm 2019 là Thái Lan không mạnh hơn đội tuyển nữ Việt Nam. Chúng ta có lúc thắng có lúc thua đội bóng nữ đất Chùa Vàng. Tức là nếu đạt phong độ cao, thi đấu tập trung, đội tuyển nữ Việt Nam hoàn toàn có thể đánh bại đội tuyển nữ Thái Lan.
Thành ra, nếu số đội dự VCK World Cup là 32 đội, và số suất dành cho châu Á nhiều hơn 5 suất, bóng đá nữ Việt Nam không ngán việc phải tranh vé với tất cả các đội còn lại, trừ nhóm “5 đại tỷ” là Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc, Trung Quốc, CHDCND Triều Tiên như đã nêu ở trên.
Tân trưởng Ban bóng đá nữ VFF Phạm Thanh Hùng (trái) tặng 300 triệu đồng cho đội tuyển nữ Việt Nam, trước khi đoàn quân của HLV Mai Đức Chung đi tập huấn, rồi tham dự giải Đông Nam Á vào tháng sau
Xét trong bối cảnh thực lực chung của bóng đá nữ Việt Nam với các nền bóng đá nữ ở châu lục, mục tiêu này không khó (khác với bóng đá nam, bóng đá nữ ở các nước Tây Á rất yếu, do đặc điểm của người đạo Hồi là phụ nữ ít theo đuổi nghiệp thể thao đỉnh cao). Tuy nhiên, vấn đề là đội tuyển nữ Việt Nam làm sao duy trì sức mạnh của mình lâu dài, rồi sau khi có vé dự VCK phải đủ khả năng đá đàng hoàng ở đấu trường World Cup.
Rút kinh nghiệm từ đội tuyển nữ Thái Lan, phải chịu thất bại đậm nhất trong lịch sử của đấu trường World Cup, tại giải vô địch thế giới vừa diễn ra tại Pháp, khi thua đội Mỹ đến 0-13, bóng đá nữ Việt Nam cần một lực lượng tốt, có tính ổn định lâu dài, có khả năng cạnh tranh cao.
Đây là điều dĩ nhiên không hề dễ, nhưng bóng đá nam của chúng ta từng làm được với thế hệ của Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Văn Toàn, Duy Mạnh, Đức Huy, Tiến Dũng…, rồi sau này là Quang Hải, Đình Trọng, Đoàn Văn Hậu, Hoàng Đức…, có chất lượng khác hẳn với chất lượng của các thế hệ trước đây.
Tức là vấn đề nằm ở khâu đào tạo và chất lượng, tính cạnh tranh của giải trong nước, đồng thời làm sao để các cầu thủ nữ yên tâm cống hiến với nghề. Đấy cũng là bài toán đặt ra với những nhà quản lý bóng đá trong nước, sao cho đội tuyển nữ Việt Nam không chỉ có mặt ở VCK World Cup, mà còn có thể đá tốt ở đấu trường này!
Tân trưởng Ban bóng đá nữ VFF tặng quà cho đội tuyển nữ trước giải Đông Nam Á Ngay trước khi đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam sang Nhật Bản tập huấn, rồi tham dự giải vô địch bóng đá nữ Đông Nam Á tại Thái Lan vào đầu tháng sau, tân trưởng Ban bóng đá nữ VFF là ông Phạm Thanh Hùng đã gặp mặt, động viên và tặng 300 triệu đồng cho đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam, thể hiện sự quan tâm đối với đoàn quân của HLV Mai Đức Chung. Tại giải vô địch bóng đá nữ Đông Nam Á diễn ra tại Thái Lan tới đây, đội tuyển nữ Việt Nam nhắm đến trận chung kết và ngôi vô địch, thử sức với đội chủ nhà vốn vừa trở về từ VCK World Cup. |
Theo Kim Điền/Dân trí