Copa America 2019 đã khép lại với chức vô địch thuộc về đội tuyển Brazil, nhưng những dư âm còn lại của giải đấu lớn nhất khu vực Nam Mỹ vẫn tiếp tục với những tranh cãi.
Copa America 2019 đã chính thức khép lại sau 3 tuần tranh tài với chức vô địch thuộc về đội chủ nhà Brazil. Tuy nhiên, những dư âm còn lại của giải đấu lớn nhất khu vực Nam Mỹ vẫn tiếp tục với những tranh cãi liên quan tới công tác tổ chức, trong tài và cả những tuyên bố gay gắt của các huấn luyện viên và cầu thủ.
Dưới đây là 5 tranh cãi nổi bật nhất tại giải đấu lần này:
1. Sự thất vọng đối với VAR
Nhiều đội bóng thất vọng vì VAR.
Một trong những điểm mới tại Copa America 2019 là việc đưa vào sử dụng công nghệ hỗ trợ trọng tài bằng hình ảnh (VAR) sau những thành công tại World Cup 2018. Tuy nhiên, kết quả cuối cùng lại không được như mong đợi của giới chuyên môn và người hâm mộ.
Các huấn luyện viên và cầu thủ của nhiều đội bóng tham dự giải đã than phiền về việc trận đấu kéo dài vì quá nhiều quyết định phụ thuộc vào VAR. Hơn nữa, dường như ban trọng tài của giải đấu thiếu sự nhất quán trong khái niệm về việc các trường hợp nào thì VAR được sử dụng hoặc không.
Đặc biệt, ban huấn luyện đội tuyển Agentina và ngôi sao Lionel Messi đã chỉ trích gay gắt trọng tài chính người Ecuador Roddy Zambrano không tham khảo VAR trong một số tình huống gây tranh cãi trong trận Bán kết gặp Brazil, đặc biệt là hai tình huống được cho là phạm lỗi của các cầu thủ Brazil trong vòng cấm có thể dẫn tới các quả phạt đền cho Argentina.
2. Chất lượng mặt sân và sự yếu kém về hậu cần
Sân Arena Fonte Nova là 1 trong 2 địa điểm có chất lượng tồi tệ nhất.
Chất lượng mặt cỏ tại các sân vận động tổ chức các trận đấu là một đề tài mà các đội bóng liên tục chỉ trích trong thời gian diễn ra Copa America.
Rất ít khi các đội tuyển được luyện tập trên mặt sân trước thềm trận đấu như thông lệ bởi ban tổ chức lo ngại chất lượng mặt sân sẽ không đáp ứng được yêu cầu. Các sân Arena Fonte Nova ở Salvador và Arena do Gremio ở Porto Alegre là các địa điểm có chất lượng tồi tệ nhất.
Messi, Godin, Luis Suarez, Cavani và một số HLV như Tite, Scaloni, Carlos Queiroz và Felix Sanchez đã liên tục bày tỏ sự thất vọng về chất lượng quá xấu, làm ảnh hưởng đến các trận đấu.
Cùng với đó, các cầu thủ cũng chỉ trích chất lượng hậu cần tại các khách sạn nơi các đội bóng tập trung, thậm chí một số đội phải ở những khách sạn quá xa so với địa điểm thi đấu.
Trên thực tế, trận tứ kết giữa Colombia và Chile đã phải lùi lại 20 phút theo đề nghị của đội tuyển Chile vì khoảng cách di chuyển từ khách sạn tới sân Arena Corinthians ở Sao Paulo quá xa, tình trạng tắc đường tại thành phố đông đúc này lại xảy ra thường xuyên.
3. Các đội bóng khách mời Nhật Bản và Qatar
Tuyển Nhật Bản phần lớn là cầu thủ U23. (Nguồn: AP)
Nước chủ nhà Brazil đã mời các đội tuyển Qatar và Nhật Bản, đương kim vô địch và Á quân Asian Cup tham dự. Ngoài ra, đây cũng là hai quốc gia sẽ tổ chức hai sự kiện thể thao lớn của thế giới là Đại hội Thể thao Olympic Tokyo 2020 và World Cup 2022.
Tuy nhiên, với trình độ cách biệt nên hai đội bóng này đã không thể vượt qua được vòng bảng. Huấn luyện viên đội tuyển Venezuela Rafael Dudamel tỏ ra không hài lòng về chất lượng của hai đội khách mời, thậm chí ông còn cho rằng việc Nhật Bản đưa tới Copa America một đội tuyển gồm phần lớn là các cầu thủ U23 là một sự “thiếu tôn trọng” đối với bóng đá Nam Mỹ. “Copa America là giải đấu đáng ra chỉ dành riêng cho các đội tuyển ở Nam Mỹ,” ông Dudamel kết luận.
4. Khán đài trống vắng và giá vé đắt đỏ
Các sân vận động vắng người xem trong nhiều trận đấu trái ngược hoàn toàn so với những số liệu do Liên đoàn Bóng đá Nam Mỹ công bố, theo đó khoảng 900.000 lượt người đã tới các sân vận động trong suốt giải đấu. Trận đấu có số lượng người xem trên sân đông nhất là trận Chung kết tại sân Maracana với gần 70.000 khán giả.
Tuy nhiên, dư luận cho rằng đây là một giải đấu thất bại về việc thu hút người hâm mộ tới sân vận động khi có nhiều trận, số khán giả chỉ chiếm chưa đến một nửa số ghế ngồi trên sân. Và một trong những nguyên nhân chính được chỉ ra là do giá vé bán ra quá cao.
Trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, nhiều người hâm mộ Brazil tỏ ra thờ ơ với việc đến theo dõi các trận đấu bởi giá vé vào xem ở mức khá cao, giao động từ 80 USD tới 400 USD tùy vào trận đấu và vị trí trên khán đài.
5. Tứ kết không có hiệp phụ
Các cầu thủ phải đá luân lưu ngay mà không qua hiệp phụ ở tứ kết.
Một vấn đề nữa mà dư luận tỏ ra không hài lòng với công tác tổ chức Copa America là việc không có hiệp phụ mà đi thẳng tới loạt sút luân lưu nếu hai đội bóng hòa sau 90 phút chính thức.
Giới chuyên môn cho rằng ở một giải đấu lớn cấp độ khu vực như Copa America mà không có hiệp phụ ở các trận đấu loại trực tiếp là một điều vô lý.
Hậu vệ Thiago Silva của Brazil cho rằng không áp dụng các hiệp phụ ở vòng tứ kết mà chỉ đưa vào trong các trận bán kết và chung kết là không công bằng. “Cần phải áp dụng cho tất cả các trận từ vòng đấu loại trực tiếp hoặc là không đưa vào, kể cả là trận chung kết,” Silva nhấn mạnh./.
Theo Hoài Nam (TTXVN/Vietnam+)