Bóng đá Việt Nam tồn tại nghịch lý, đó là nhân tài thì nhiều, nhưng "đất dụng võ" hay đầu ra cho các nhân tài lại hạn chế, không tương xứng với tiềm năng.
1. Thông tin Đoàn Văn Hậu lọt vào tầm ngắm của CLB Borussia Monchengladbach (Đức) đang khiến dư luận dậy sóng. Dù chưa được kiểm chứng, nhưng việc một cầu thủ trẻ của Việt Nam được đội bóng lớn tại châu Âu để ý cũng mang đến ít nhiều hứng khởi.
Thành công của U23 Việt Nam hay tuyển Việt Nam nâng bóng đá nước nhà lên vị thế cao hơn mà những chuyến xuất ngoại của Xuân Trường (Buriram United), Văn Lâm (Muangthong United) hay Công Phượng (Incheon United) là minh chứng. Tuy nhiên, kết quả tích cực của các đội tuyển chỉ là bề nổi. Ở phần chìm của tảng băng, bóng đá Việt Nam vẫn cần đạt những quy chuẩn để được nhìn nhận là nền bóng đá phát triển. Một trong số đó là khả năng tạo đầu ra cho cầu thủ trẻ.
Làm thế nào để tìm ra thêm nhiều Văn Hậu, Quang Hải?
Khi được hỏi về trường hợp của Hà Đức Chinh (bị HLV Lê Huỳnh Đức chỉ trích), HLV Park Hang Seo trả lời ngắn gọn: "SHB Đà Nẵng dùng tới 2 cầu thủ ngoại trên hàng công, Đức Chinh lấy đâu ra cơ hội thể hiện?". Hỏi cũng là trả lời. Thực tế thì V-League chuộng cầu thủ ngoại đã là câu chuyện cách đây hàng chục năm.
Không chỉ các đội V-League, mà rất nhiều đội bóng lớn trên thế giới cũng rất chuộng hàng ngoại. Tuy nhiên, các đội tuyển quốc gia của những CLB kể trên không vì thế mà thụt lùi, bởi họ có thể xuất khẩu nhân tài. Cầu thủ Pháp không nhất thiết phải đá ở Pháp. Paul Pogba, N'Golo Kante, Antoine Griezmann đều chơi bóng ở nước ngoài. Tương tự với Tây Ban Nha, Italia, Bồ Đào Nha,... thị trường cầu thủ của các nước phát triển rải khắp thế giới.
Còn ở Việt Nam, lựa chọn cho các cầu thủ eo hẹp và hạn chế hơn nhiều.
Nhiều cầu thủ trẻ Việt Nam chỉ chơi 12-15 trận/ năm. (Ảnh: Hồng Nam)
2. Theo thống kê từ báo Thanh Niên, đã có gần 220 cầu thủ của 8 đội bóng có mặt tranh tài tại vòng chung kết U19 Quốc gia. Tính tổng 22 đội đá ở vòng loại thì số cầu thủ lên đến 550 người. Con số này nói lên điều gì?
Nếu trên thế giới, các cầu thủ có lựa chọn ở rất nhiều quốc gia, thì đại đa số cầu thủ Việt Nam chỉ có lựa chọn là V-League, không có điều kiện đi đâu khác. Thậm chí, lựa chọn này còn bị đe doạ khi hầu hết các đội đều ưu tiên dùng cầu thủ ngoại. HLV Park Hang Seo bảo vệ Đức Chinh là có cơ sở. Khi các đội còn chơi theo kiểu "cậy Tây", "nhờ Tây", cầu thủ Việt Nam, nhất là các cầu thủ trẻ, sẽ cạnh tranh và phát triển thế nào?
Tìm đầu ra cho cầu thủ trẻ là nhiệm vụ nan giải. Theo ông Philippe Troussier - GĐKT PVF, các cầu thủ U19 chỉ có 12-15 trận được cọ xát mỗi năm, quá ít so với mặt bằng thi đấu của cầu thủ chuyên nghiệp. Khi các CLB dùng cầu thủ trẻ hạn chế thì việc có không có hệ thống giải chuyên nghiệp hoặc bán chuyên cho các cầu thủ trẻ tranh tài hàng năm là thiệt thòi lớn.
Bóng đá Anh có giải trẻ cho các đội U23, thể thức tương tự giải Ngoại hạng Anh.
Thiếu cọ xát và tích luỹ kinh nghiệm ở độ tuổi cần phát triển nhất là lý do khiến nhiều tài năng "mãi không chịu lớn". Trở lại với tin đồn của Văn Hậu. Cầu thủ trẻ của Hà Nội FC trưởng thành từ những ngày còn là chàng trai gầy mảnh, "lòng khòng" ở vòng loại U19 Quốc gia. Văn Hậu đi từng bước một, tạo dựng được chỗ đứng ở U19 Việt Nam, được góp mặt tại U20 World Cup và có bệ phóng thuận lợi để phát triển.
Văn Hậu là sản phẩm điển hình cho sự vươn lên của các cơ ngơi đào tạo trẻ, nhưng như đã nói, sự xuất hiện của Văn Hậu nói riêng và thế hệ Quang Hải, Công Phượng, Đình Trọng,... nói chung là thành quả của đào tạo trẻ, với dấu ấn của các... ông bầu nhiều hơn là một hệ thống đào tạo hoàn chỉnh, cân xứng.
3. Bóng đá cần sự chung tay của nhiều nguồn lực xã hội, song tự thân nó phải đủ tin cậy, khoa học để thu hút sự đầu tư. Bóng đá cũng như chọn lọc tự nhiên, luôn tồn tại sự đào thải để sàng lọc ra những nhân tố tốt nhất. Tuy nhiên, nhiệm vụ của một hệ thống bóng đá không chỉ là khai phá, mà còn là mài giũa, gia công để có được những viên ngọc sáng loà.
Các cầu thủ trẻ không thể phát triển nếu ít được ra sân thi đấu. (Ảnh: Ngọc Anh)
Trong số 550 cầu thủ dự giải U19 Quốc gia kia, bao nhiêu tài năng sẽ thui chột vì không có "đất dụng võ", đấy mới là vấn đề của bóng đá Việt Nam. Hãy tưởng tượng nếu bóng đá trẻ được giăng một tấm lưới lớn với sự chọn lọc, đầu tư bài bản hơn, chúng ta còn có thể tìm thấy và phát triển nhiều nhân tài đến cỡ nào?
Điều đó không thể phụ thuộc vào thành tích của đội tuyển quốc gia hay những doanh nghiệp khi vui mới vỗ tay vào, mà nó phụ thuộc vào cách vận hành của cả nền bóng đá. Nếu các giải vô địch quốc gia trên thế giới được xây dựng với hệ thống kim tự tháp, các giải hạng dưới (chuyên và bán chuyên) có nhiều đội, ít dần cho đến phần đỉnh là giải đấu cao nhất thì bóng đá Việt Nam lại là... kim tự tháp ngược. V-League nhiều đội hơn hạng Nhất, mà các đội hạng Nhất còn không chắc duy trì được bao nhiêu năm.
Với một kết cấu bất ổn ngay từ các CLB chính, việc xây dựng hệ thống giải cho các đội trẻ, đội bóng của trường đại học dự giải chuyên nghiệp như trong các đề án phát triển là câu chuyện xa vời.
Theo VTC New