Có một thực tế là hầu hết các đội tuyển quốc gia trong khu vực Đông Nam Á đều dùng HLV ngoại để nâng tầm các đội tuyển nước mình, đồng thời các HLV này đều là những người đến từ bên ngoài khu vực.
Riêng bóng đá Thái Lan hiện sử dụng đến 2 HLV ngoại, cho các đội tuyển quốc gia và đội tuyển U23 nước họ. Đó là các ông Rajevic ở đội tuyển quốc gia và ông Jankovic ở đội tuyển U22 Thái Lan, cả hai đều có quốc tịch Serbia.
Đội tuyển quốc gia Thái Lan dưới sự huấn luyện của HLV Rajevic hiện có lối chơi khá hiện đại, và được đánh giá rằng có khả năng bắt kịp trình độ châu Á trong tương lai gần, thông qua những gì mà họ thể hiện tại những trận cuối vòng loại World Cup 2018 – khu vực châu Á.
Trước đó, đội tuyển Thái Lan sử dụng HLV nội là Kiatisuk. Cho dù “Zico Thái” giúp bóng đá đất Chùa Vàng giành 1 HCV SEA Games (năm 2013) và 2 ngôi vô địch AFF Cup (các năm 2014 và 2016), nhưng Kiatisuk vẫn không được tiếp tục công việc của mình tại đội tuyển quốc gia.
Dẫn dắt Thái Lan hiện nay là HLV Milovan Rejavic (người Serbia)
Thần tượng số 1 của bóng đá Thái Lan bị đánh giá là không thể giúp bóng đá xứ Chùa Vàng nâng tầm, trong khi chiến lược của bóng đá Thái Lan là gia nhập nhóm có trình độ hàng đầu châu lục, nên ông Kiatisuk phải ra đi, để HLV Rajevic tiếp quản ghế HLV đội tuyển quốc gia.
Không chỉ Thái Lan, hầu hết các nền bóng đá mạnh ở Đông Nam Á đều dùng HLV ngoại. Người dẫn dắt đội tuyển Indonesia lúc này là HLV Luis Milla (người Tây Ban Nha). Dưới thời HLV Milla, Indonesia được xem là một trong hai đội bóng có thể đánh bại Thái Lan ở các trận quan trọng, tại các giải tầm khu vực (đội kia là Malaysia).
Còn HLV của đội tuyển quốc gia Malaysia là ông Nelo Vingada (người Bồ Đào Nha). Ông này từng dẫn dắt Olympic Iran, cùng các CLB chuyên nghiệp nổi tiếng tại châu Á là FC Seoul (Hàn Quốc) và Dalian Shide FC (Trung Quốc).
Ngay đến Campuchia hiện nay cũng đã sử dụng HLV ngoại. Và cũng kể từ khi HLV Leonardo Vitorino (người Brazil) nắm đội tuyển Campuchia trong 2 năm nay, bóng đá xứ Chùa Tháp có những bước tiến mạnh mẽ.
Năm ngoái, Campuchia suýt đánh bại Malaysia ở AFF Cup 2016. Còn năm nay, suýt chút nữa họ đã khiến cho đội tuyển Việt Nam mất điểm tại vòng loại Asian Cup 2019, trong trận đấu hồi đầu tháng này.
Do đặc thù của bóng đá “vùng trũng” Đông Nam Á là chất lượng thấp, nên các HLV nội ở các quốc gia trong khu vực không có nhiều điều kiện cập nhật kiến thức huấn luyện, cũng như ít kinh qua các cuộc tranh tài đỉnh cao, nên bản lĩnh cũng hạn chế (trường hợp rõ nhất xảy ra với 3 HLV Nguyễn Hữu Thắng, Hoàng Văn Phúc và Phan Thanh Hùng của đội tuyển Việt Nam trong những năm gần đây).
Khả năng lập kế hoạch, áp dụng các kiến thức huấn luyện đỉnh cao trong quá trình chuẩn bị cho các giải đấu lớn từ những HLV bên ngoài Đông Nam Á cũng tốt hơn các HLV có quốc tịch Đông Nam Á.
Singapore gần như là quốc gia duy nhất trong nhóm trên tại Đông Nam Á sử dụng HLV nội cho đội tuyển quốc gia. Nhưng kể từ khi được dẫn dắt bởi HLV nội Sundramoorthy, chất lượng của đội tuyển Singapore kém hẳn so với chính họ thời còn được dẫn dắt bởi HLV người Serbia Avramovic cách nay vài năm.
Theo Kim Điền/Dân trí