Gần một tuần sau lễ bế mạc SEA Games 29, đoàn thể thao Việt Nam chưa nhận được thông báo về việc có VĐV nào của Việt Nam đã sử dụng doping tại đại hội lần này hay không.
Bà Datuk Low Beng Choo, Tổng thư ký Ủy ban Olympic Malaysia cho hay, Tiểu ban phòng chống doping tại SEA Games 29 đã cung cấp kết quả xét nghiệm các mẫu thử doping đối với các VĐV dự đại hội. Và tiểu ban này đã phát hiện có VĐV sử dụng chất cấm trong thi đấu. Đó là thông tin ban đầu và Tiểu ban phòng chống doping SEA Games 29 còn phải tiến hành kiểm tra thêm một lần nữa, trước khi chính thức thông báo VĐV đó thuộc môn nào và của nước nào. Được biết ở SEA Games lần này có khoảng hơn 830 VĐV được lấy mẫu thử.
Tại SEA Games 27 năm 2013, VĐV môn đi bộ nữ của nước chủ nhà Myanmar đã… chạy về đích để giành HCV còn HCB thuộc về Nguyễn Thị Thanh Phúc. Gần một năm sau, Phúc được trả lại tấm HCV bị mất bởi ban tổ chức phát hiện VĐV Myanmar đã sử dụng doping. Đến kỳ SEA Games 28 năm 2015, cũng có trường hợp VĐV bị phát hiện dùng chất cấm.
Số lượng và danh tính VĐV sử dụng doping ở SEA Games 29 chưa được tiết lộ và các đoàn dự đại hội vẫn đang phải chờ thông báo chính thức từ Malaysia. Ông Hoàng Quốc Vinh - Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao 2 Tổng cục thể dục thể thao, phó đoàn thể thao Việt Nam, cho biết: “Chúng tôi hy vọng không có một trường hợp nào của đoàn Việt Nam. Đến lúc này phía ban tổ chức chưa công bố thì chúng ta tạm yên tâm.
Ở các đại hội thể thao, bao gồm SEA Games, các VĐV đoạt HCV, HCB, HCĐ sẽ phải tiến hành thử doping. Năm nay, Malaysia đã thực hiện việc kiểm tra doping khá nghiêm ngặt. Nhưng vì nước họ vẫn chưa có phòng thử đạt tiêu chuẩn nên Malaysia phải gửi các mẫu thử đến Singapore hoặc Trung Quốc hoặc Thái Lan. Sau khi có kết quả, mẫu nào dính doping sẽ được thông báo thẳng lên trưởng ban tổ chức SEA Games và sau khi vị này kiểm tra lần cuối về mặt thủ tục sẽ báo tiếp đến Hội đồng thể thao Đông Nam Á để Hội đồng gửi văn bản đến Ủy ban Olympic các nước”.
Ông Vinh nói tiếp: “Trong quá trình chuẩn bị cho SEA Games 29, chúng tôi đã dặn dò rất cẩn thận và quán triệt VĐV, HLV không được tự ý đi ăn ở ngoài vì rất dễ dính doping qua đường ăn uống. Đặc biệt trong chất tạo nạc của thịt lợn có chất cấm. Nếu không may ăn vào thì chắc chắn mẫu thử sẽ dương tính với doping. Tôi cho rằng, đoàn Việt Nam đã có sự chuẩn bị khá chu đáo, an toàn nên sẽ không có VĐV nào bị phát hiện dùng chất cấm”.
Ông Nguyễn Văn Phú - Phó giám đốc Bệnh viện thể thao Việt Nam, phụ trách vấn đề y tế của đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 29 cho hay: “Thông thường sau một tuần tính từ ngày VĐV được kiểm tra doping, sẽ có toàn bộ kết quả. Nếu không có thông báo gì, nghĩa là bình thường”. Ngày VĐV Việt Nam đoạt HCĐ cuối cùng tại SEA Games 29 (môn cử tạ) là ngày 30.8. Tính đến hôm nay là tròn một tuần.
VĐV sử dụng doping không phải người Malaysia? Tổng thư ký Ủy ban Olympic Malaysia Datuk Low Beng Choo phát biểu trên trang The Star: "Chúng tôi không thể đưa ra thêm chi tiết nhưng tôi có thể khẳng định rằng chúng tôi đã phát hiện ra trường hợp đầu tiên dính chất cấm ở SEA Games. Chúng tôi rất thất vọng, vì chúng tôi muốn SEA Games này không bị vấy bẩn bởi chất kích thích. Chúng tôi chỉ có thể tiết lộ thông tin sau khi làm mọi thủ tục cần thiết". Ông Datuk S.S.Cheema - Giám đốc Ủy ban Y tế và chống doping của SEA Games 29, nói: "Chúng tôi đã làm tất cả những gì có thể để cảnh báo cho các vận động viên của chúng tôi thông qua Ủy ban Olympic quốc gia của NOC, nhưng chúng tôi không kiểm soát được các nước khác. Tất cả những gì chúng tôi biết là một người đoạt huy chương tại SEA Games đã dương tính với thuốc cấm dựa trên mẫu A. Vận động viên này sẽ có thời gian để xét nghiệm mẫu B và một cuộc điều trần sẽ diễn ra sau đó. Thủ tục này sẽ mất một thời gian". |
Theo Bảo Nghi/ Thanh Niên