Sự có mặt của Hoàng Đức, Văn Lâm hay Công Phượng có thể nâng chất lượng giải hạng nhất lên tầm cao mới.
"Nóng" chưa từng có
Khoảng cách đẳng cấp giữa V-League và hạng nhất luôn là vấn đề với bóng đá VN. V-League là giải đấu cao nhất hệ thống các giải chuyên nghiệp tại VN, hội tụ những cầu thủ giỏi nhất, bên cạnh dàn ngoại binh, cầu thủ nhập tịch và gốc Việt. Còn hạng nhất chủ yếu gồm cầu thủ trẻ, hoặc những nhân tố ở bên kia sườn dốc sự nghiệp. Việc không được sử dụng cầu thủ nước ngoài cũng đẩy chất lượng giải đấu đi xuống cả về chuyên môn, cơ sở vật chất lẫn tham vọng.
Hoàng Đức khoác áo CLB Ninh Bình với bản hợp đồng khủng ẢNH: MINH TÚ
Tuy nhiên, mùa giải này đang chứng kiến sự đổi thay mạnh mẽ. Đơn cử, đội Bình Phước đã chiêu mộ cựu tuyển thủ Nguyễn Công Phượng với mức phí hợp đồng cực cao, như lời đảm bảo cho cam kết đầu tư lâu dài vào bóng đá của doanh nghiệp. Bên cạnh hợp đồng với Công Phượng, Tấn Trường hay Sầm Ngọc Đức, vốn đều là các cựu tuyển thủ VN, đội Bình Phước còn hợp tác với Giám đốc kỹ thuật Yusuke Adachi (cựu Giám đốc kỹ thuật Liên đoàn Bóng đá VN), cùng dàn chuyên gia từ ban lãnh đạo đến ban huấn luyện đến từ Nhật Bản. Mới đây, CLB Bình Phước cũng cải tạo sân bãi, làm lại mặt cỏ. Từng là đội bóng nghèo tưởng như "cam phận" ở hạng nhất, màn "lột xác" ngoạn mục của đội bóng do cựu tuyển thủ Nguyễn Anh Đức huấn luyện sẽ mang đến luồng gió mới mẻ, thúc đẩy mặt bằng giải hạng nhất đi lên.
Giải hạng nhất 2024 - 2025 còn có "nhân vật" nổi trội mang tên Ninh Bình. Đội bóng cố đô chơi lớn khi mang về Quả bóng vàng VN Nguyễn Hoàng Đức, Quả bóng đồng VN Đặng Văn Lâm. Đội này do HLV Nguyễn Việt Thắng dẫn dắt, sở hữu đội hình chất lượng không thua kém nhiều đội V-League. Tân trang lực lượng với những bản hợp đồng "khủng", dĩ nhiên mục tiêu cao nhất của Ninh Bình là tấm vé thăng hạng.
Lâu nay, giải hạng nhất khó bứt phá, không hấp dẫn và cạnh tranh khốc liệt như V-League. Chi phí tham dự tối thiểu 50 tỉ đồng cùng nhiều hạng mục phải đầu tư như mua ngoại binh, chiêu mộ nội binh giỏi, củng cố tuyến trẻ… có thể là lý do khiến nhiều đội không "máu" lên V-League, mà chỉ chơi cầm chừng ở hạng nhất, không có động lực rõ ràng. Với việc mùa này có ít nhất 3 đội đặt mục tiêu thăng hạng (tranh 1,5 suất lên V-League), sân chơi hạng nhất sẽ rực lửa và khó đoán.
Văn Lâm làm đồng đội của Hoàng Đức ở giải hạng nhất ẢNH: MINH TÚ
Quan trọng ở cầu thủ
Lựa chọn chơi ở giải hạng nhất có khiến Hoàng Đức, Văn Lâm bị kéo tụt trình độ? Đây là câu hỏi mà nhiều khán giả đặt ra. Tuy nhiên, bình luận viên Vũ Quang Huy cho rằng người hâm mộ nên nhìn dưới góc độ tích cực hơn: "Môi trường hạng nhất sẽ khác so với V-League, nhưng với sự chuyên nghiệp và cần cù, các tuyển thủ VN có thể vẫn giữ được phong độ cao. Đặc biệt với những cầu thủ không được thi đấu thường xuyên trong màu áo CLB chủ quản như Công Phượng (anh rời Nhật Bản mà số trận được ra sân cực kỳ ít), khi được thực chiến ở giải hạng nhất thường xuyên, sẽ là cơ hội tốt để Phượng tìm lại chính mình. Theo tôi, giải hạng nhất sẽ có sức hút và tính cạnh tranh cao hơn nhiều so với trước đây nhờ cuộc đổ bộ của nhiều cầu thủ chất lượng".
Chuyên gia bóng đá Đoàn Minh Xương nhận định, không thể phủ nhận trình độ giải hạng nhất không bằng V-League và thực tế này sẽ không thay đổi dù giải đấu có thêm những ngôi sao như Hoàng Đức, Văn Lâm. "Tuy nhiên từng bước đi một, các tuyển thủ VN sẽ giúp giải đấu đáng xem hơn, đặc biệt trong những cuộc đối đầu nội bộ giữa các đội có lực lượng mạnh như Ninh Bình, Bình Phước hay PVF-CAND. Nhiều người lo ngại Văn Lâm, Công Phượng hay các tuyển thủ quốc gia đang chơi ở giải hạng nhất khó phát triển, nhưng thực ra có tiến bộ hay không trước tiên còn phụ thuộc vào thái độ tập luyện và tính chuyên nghiệp của từng người, sau đó là môi trường tập luyện và thi đấu. Sẽ có hoài nghi rằng khi các siêu sao nhận mức phí hợp đồng hay lương thưởng lớn như vậy, họ có còn muốn nỗ lực thì điều này thời gian sẽ trả lời. Nếu các siêu sao vẫn tận hiến, giải hạng nhất sẽ rất thú vị".
Theo Hồng Nam/ Thanh Niên
https://thanhnien.vn/hoang-duc-van-lam-da-hang-nhat-thi-sao-185241011182444255.htm