Một nhà tài trợ đã xin rút khỏi Olympic Paris sau lễ khai mạc gây tranh cãi diễn ra tối 26.7.
Kéo dài hơn 4 giờ đồng hồ với màn diễu hành trên sông Seine, lễ khai mạc Olympic Paris được đánh giá là phá cách, khi lần đầu tiên không diễn ra trong một sân vận động (như các kỳ thế vận hội trước). Tuy nhiên, ngày khai hội Olympic cũng để lại tranh cãi, trong đó có một màn biểu diễn bị chỉ trích vì động đến khía cạnh tôn giáo.
Cụ thể, trong phần trình diễn catwalk, đã diễn ra phân cảnh nhiều nghệ sĩ trong trang phục sặc sỡ xếp hàng dài trên một chiếc bàn, tham dự một bữa tiệc xung quanh DJ Barbara Butch. Cách sắp xếp vị trí và tư thế của các nghệ sĩ là khung hình mô phỏng theo bức tranh nổi tiếng "Bữa tối cuối cùng" của đại danh họa Leonardo Da Vinci.
Khung cảnh được cho là động chạm đến tín ngưỡng ở lễ khai mạc Olympic Paris
Đây là một trong những kiệt tác khắc họa bữa ăn tối cuối cùng của Chúa Jesus cùng các môn đệ của mình, trước khi ngài bị phản bội bởi môn đệ Judas. "Bữa tối cuối cùng" là bức họa được nhiều tín đồ tôn thờ, nhưng tại Olympic Paris, màn trình diễn của các nghệ sĩ Pháp bị phản ứng bởi ngoại hình, biểu cảm và cách ăn mặc hoàn toàn không phù hợp với bối cảnh "Bữa tối cuối cùng", thậm chí bị chỉ trích là mỉa mai, báng bổ.
Cùng với một số màn trình diễn nhạy cảm khác, lễ khai mạc Olympic Paris đã khiến một số nhà tài trợ mất lòng. Hiện tại, C Spire, công ty viễn thông và công nghệ của Mỹ có trụ sở tại Missisipi, đã rút quảng cáo khỏi Olympic Paris. "Chúng tôi đã bị sốc trước sự chế giễu khoảnh khắc "Bữa tối cuối cùng" mà ban tổ chức đã làm trong lễ khai mạc Olympic Paris. C Spire sẽ gỡ bỏ quảng cáo khỏi sân chơi này, đại diện công ty tuyên bố.
Quyết định của C Spire được giới chức Mỹ ủng hộ. Thống đốc đảng Cộng hòa Mississippi, ông Tate Reeves cho biết: "Tôi tự hào vì cách phản ứng C Spire. Không thể chế giễu Chúa Jesus như vậy được. C Spire đã hành động hợp lý và kịp thời".
Lễ khai mạc Olympic Paris để lại tranh cãi
Trên mạng xã hội, đông đảo người hâm mộ chỉ trích lễ khai mạc Olympic Paris là "lê thê", "thiếu điểm nhấn" và động chạm quá nhiều vào những vấn đề nằm ngoài ranh giới thể thao.
Giám đốc nghệ thuật lên tiếng: 'Pháp không mô phỏng hình ảnh Bữa tối cuối cùng'
Trước sức ép của truyền thông, giám đốc nghệ thuật Thomas Jolly của lễ khai mạc khẳng định màn trình diễn của các nghệ sĩ trên cầu không mô phỏng hình ảnh "Bữa tối cuối cùng".
"Tôi không bao giờ có ý định phá hoại, chế giễu hay gây sốc ở lễ khai mạc. Trên hết, tôi muốn gửi đi thông điệp về tình yêu thương và sự hòa nhập chứ không hề chia rẽ. Ý tưởng của tôi ở màn trình diễn này là tổ chức một bữa tiệc ngoại giáo liên quan đến các vị thần trên đỉnh Olympus.
Bạn sẽ không bao giờ tìm thấy trong tác phẩm của tôi bất kỳ mong muốn chế giễu hay hạ thấp ai. Tôi muốn có một buổi lễ gắn kết mọi người lại với nhau, hòa giải, nhưng cũng là một buổi lễ khẳng định các giá trị về tự do, bình đẳng và tình bằng hữu", ông Jolly khẳng định.
Trên thế giới, cũng chia ra làm hai luồng ý kiến về màn trình diễn của các nghệ sĩ. Ví dụ như ở Việt Nam, một chuyên gia đã nêu quan điểm: "Le festin des dieux" - Bữa tiệc của các vị thần - của hoạ sỹ Jan Harmensz van Bijlert (khoảng năm 1635) mới được lấy ra để làm hình ảnh trong lễ khai mạc. Các thần Hy Lạp sống trên đỉnh Olympe (Olympique là từ Olympe) và đang uống rượu cùng nhau. Ông màu xanh là Dyonysos, thần rượu vang (trong huyền thoại Hy Lạp). Tất nhiên chẳng liên quan gì đến tranh La Cène của Léonard de Vinci với Chúa".
Hay "Rõ ràng vòng hoa lá mà Bacchus-Dyonysos đeo, cũng như vương miện ánh sáng quanh đầu Apollon, hay cánh tay phải Flore đang giơ cao, và bộ râu của Neptune đều là các dấu tượng được đem thẳng từ tranh của Jan Harmensz. Còn ngoài cái bàn ra, có ai thấy cái gì giống La Cène của Da Vinci không?".
Theo Hồng Nam/ Thanh niên
https://thanhnien.vn/le-khai-mac-olympic-gay-tranh-cai-nha-tai-tro-bo-chay-nhieu-luong-y-kien-trai-chieu-185240729082329484.htm