16 VĐV Việt Nam (VN) của 11 môn thể thao sẽ sang Pháp vào tuần sau để bước vào tranh tài tại Olympic Paris 2024. Liệu đoàn thể thao của chúng ta có huy chương ở kỳ Olympic lần này?
Chu kỳ 8 năm có huy chương
Olympic Paris 2024 là kỳ Thế vận hội thứ 11 mà thể thao VN chính thức góp mặt. Trong 10 kỳ trước đó, VN bắt đầu tham dự Olympic Moscow (Nga) năm 1980 với 31 VĐV (đông nhất) và ít nhất là tại Olympic Atlanta (Mỹ) chỉ vỏn vẹn 6 VĐV. Lần gần nhất tại Olympic Tokyo (Nhật Bản) 2020, VN dự với 18 VĐV. Tổng cộng qua 10 kỳ Olympic đã có 152 VĐV vinh dự đặt chân đến Thế vận hội.
Trưởng đoàn Đặng Hà Việt nhận cờ Tổ quốc và nhiệm vụ cao cả BÙI LƯỢNG
Trong 10 kỳ Olympic, thể thao VN mới giành tổng cộng 5 huy chương gồm 1 HCV, 3 HCB và 1 HCĐ, bắt đầu bằng HCB môn taekwondo của Trần Hiếu Ngân hạng cân 57 kg nữ tại Olympic Sydney (Úc) năm 2000, sau đó lực sĩ cử tạ Hoàng Anh Tuấn giành HCB hạng
56 kg nam ở Olympic Bắc Kinh (Trung Quốc) năm 2008. Tại Olympic London (Anh) 2012, lực sĩ cử tạ Trần Lê Quốc Toàn cũng giành HCĐ hạng 56 kg nam. Thành tích chói lọi thuộc về xạ thủ bắn súng Hoàng Xuân Vinh khi giành 1 HCV nội dung 10 m súng ngắn hơi và 1 HCB nội dung 50 m súng ngắn tại Olympic Rio (Brazil) năm 2016. Không chỉ là người đầu tiên mang về HCV Olympic cho VN, một mình xạ thủ Quân đội còn đóng góp gần 50% số huy chương của thể thao nước nhà sau hơn 40 năm có mặt ở Thế vận hội.
Tay vợt cầu lông Thùy Linh đọc tuyên thệ
Có lẽ là sự trùng hợp ngẫu nhiên khi chu kỳ giành huy chương của VN là 8 năm. Nếu chiếc HCB đầu tiên từ năm 2000 ở môn võ thì 8 năm sau (2008), thêm 1 tấm HCB khác xuất hiện ở môn cử tạ và 8 năm tiếp đó (2016) là 1 HCV và 1 HCB của Hoàng Xuân Vinh. Riêng HCĐ cử tạ năm 2012 của Quốc Toàn lại hơi đặc biệt. Do VĐV đứng thứ 3 của Azerbaijan bị tước huy chương vì doping nên Quốc Toàn được đôn lên. Nên với chu kỳ 8 năm, những tấm huy chương quý giá là thành quả tuyệt vời từ sự nỗ lực "vượt vũ môn", quyết tâm bền bỉ, tập trung tinh thần, tâm lý tốt của các VĐV VN. Điều này cũng cho thấy sự đầu tư và định hướng đúng đắn của thể thao VN cho những môn và nội dung trọng tâm của Thế vận hội.
Hãy vượt lên chính mình
Lần này chu kỳ 8 năm sẽ ứng với đoàn VN dự Olympic Paris, liệu kỳ tích sẽ lặp lại? Câu trả lời là không dễ nhưng không phải là không thể. Trong lễ xuất quân vào tối 17.7 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh: "Các thành viên đoàn VN tham dự Olympic lần này nhận rõ trách nhiệm vô cùng to lớn trước đất nước và người dân hâm mộ, thi đấu trung thực, cao thượng, ngoan cường và sáng tạo, vượt qua chính bản thân mình để giành được thành tích cao nhất, trở thành tấm gương sáng về nhân cách, bản lĩnh và ý chí cho thế hệ trẻ cả nước noi theo… Các VĐV cần tự tin, linh hoạt để phát huy hết khả năng, sở trường của mình. Mỗi tấm huy chương mà các VĐV giành được tại Olympic này là một vinh dự lớn, là lời tri ân đầy ý nghĩa với gia đình, người thân, nhân dân và đất nước. Nhưng điều quan trọng là hãy thi đấu bằng hết sở trường, vượt lên chính mình ở mức cao nhất".
Đoàn VN quyết tâm cao
Ông Đặng Hà Việt - Cục trưởng Cục TDTT, Trưởng đoàn thể thao VN, nhấn mạnh: "Đoàn VN đến Pháp lần này với 39 thành viên, trong đó có 16 VĐV của 11 môn thể thao đã có sự chuẩn bị kỹ, nghiêm túc. Các VĐV tham dự đều được tạo điều kiện tập huấn trong và ngoài nước như ở Hàn Quốc, Hungary (bắn súng, bơi); Đức, Ý (xe đạp) và có VĐV đến Pháp (quyền anh). Các VĐV nhập làng Olympic sớm để làm quen với thời tiết, công tác chuẩn bị thi đấu. Theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ VH-TT-DL, chúng tôi thường xuyên bám sát quá trình tập luyện của 16 VĐV, đảm bảo chăm sóc tốt nhất cả về chế độ dinh dưỡng, hồi phục chấn thương và đặc biệt trang bị cho các VĐV có được tâm lý, tinh thần tốt nhất chuẩn bị cho các cuộc tranh tài với các VĐV mạnh nhất thế giới. Dĩ nhiên chúng ta mong muốn thể thao VN đã giành được huy chương ở các kỳ Olympic 2000, 2008 hay 2016, nên sẽ phấn đấu để có huy chương tại Olympic năm nay, dù là màu gì cũng quý giá".
Theo Quang Tuyến/ Thanh Niên
https://thanhnien.vn/viet-nam-se-co-huy-chuong-olympic-2024-185240717234407713.htm