Bên cạnh ý thức một số cầu thủ chưa tốt, việc không ít CLB chưa chú trọng khâu giáo dục đạo đức và buông lỏng kỷ luật khiến bóng ma tiêu cực tồn tại, ảnh hưởng lớn đến hình ảnh bóng đá VN.
Môi trường bóng đá còn nhiều vấn đề
Bê bối 5 cầu thủ đội Hà Tĩnh sử dụng ma túy vừa bị phơi bày ra ánh sáng là dấu lặng buồn của bóng đá VN. Cầu thủ VN bán độ, đánh bạc hay sử dụng ma túy không phải là câu chuyện mới mà từng xảy ra nhiều lần trong quá khứ nhưng đã không có "phương thuốc chữa trị" dứt điểm, để một lần nữa khán giả sắp phải chứng kiến cảnh cầu thủ ra hầu tòa và đứng trước nguy cơ tù tội. Thời gian tới, sau khi cơ quan chức năng hoàn tất điều tra và cung cấp thông tin cho báo chí, có lẽ chúng ta còn biết thêm nhiều bí mật nữa đằng sau hành vi tổ chức sử dụng trái phép ma túy của các cầu thủ, trong đó có cả cái tên đã từng đạt đến đỉnh cao danh vọng sự nghiệp.
Nguyễn Trung Học là 1 trong 5 cầu thủ Hà Tĩnh bị bắt vì sử dụng ma túy VPF
Không thể phủ nhận, trong những năm vừa qua, bức tranh bóng đá VN đã tạo được nhiều dấu ấn khi đội tuyển quốc gia có sự tiến bộ, hệ thống giải quốc nội được nâng cấp. Nhưng bên cạnh những dấu ấn đẹp đẽ, vẫn còn một mảng màu rất xám và vấn đề đạo đức cầu thủ lại cần mang ra mổ xẻ.
Những bê bối trong làng bóng đá VN đến từ suy thoái đạo đức nghiêm trọng của một bộ phận cầu thủ. Không ít ngôi sao thừa tài năng nhưng thiếu bản lĩnh, không tránh được cám dỗ. Tệ hại hơn, có những cầu thủ đàn anh còn dụ dỗ, lôi kéo đàn em vào con đường sai trái, dẫn tới nhiều thế hệ cầu thủ trượt dài, chứ không chỉ là một vài cá nhân đơn lẻ. Chuyên gia Đoàn Minh Xương phân tích: "Về chủ quan, các cầu thủ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi tội lỗi của mình. Các cầu thủ đã lớn, đã trưởng thành, đã biết nhận thức đầy đủ, phải biết mình đã làm gì. Nhưng về khách quan, rõ ràng môi trường bóng đá VN còn nhiều vấn đề, dẫn đến suy nghĩ về nghề nghiệp, hành vi của nhiều cầu thủ từ trước đến nay không chuẩn mực.
Thi đấu ở giải chuyên nghiệp nhưng nhiều đội bóng chưa đạt được sự chuyên nghiệp theo đúng nghĩa của từ này. Việc chăm sóc, kiểm tra sức khỏe cầu thủ, nhiều đội bóng chỉ làm kiểu lấy lệ. Trong khi ở các giải đấu phát triển, việc chăm sóc, kiểm tra cầu thủ đều được thực hiện nghiêm túc. Và nói rộng hơn, Ban tổ chức giải đã làm nghiêm vấn đề kiểm tra doping, chất gây nghiện ở các cầu thủ, để ngăn ngừa hành vi sử dụng chất cấm chưa? Nếu làm nghiêm điều đó, có thể những sự cố đáng tiếc liên quan đến ma túy đã không xảy ra".
Mới chỉ dạy đá bóng, chưa dạy "kỹ năng mềm"
Nhiều năm làm công tác đào tạo bóng đá trẻ và bóng đá học đường tại Liên đoàn Bóng đá TP.HCM, cũng như từng huấn luyện một số đội V-League như Đồng Tháp, Ninh Bình, chuyên gia Đoàn Minh Xương cho rằng khâu giáo dục cầu thủ từ khi còn trẻ đến lúc trưởng thành ở nhiều đội vẫn chưa tới nơi tới chốn. Các cầu thủ chỉ được dạy đá bóng thuần túy để mang về thành tích. Còn việc dạy các "kỹ năng mềm", dạy văn hóa ứng xử hay cách quản lý đồng tiền, chăm sóc sự nghiệp và đương đầu với cám dỗ, nói thẳng là bóng đá VN làm chưa tốt.
Ông Xương phân tích: "Các CLB hay các HLV cần chỉ rõ cho cầu thủ làm thế nào để nhận thức, trân quý sự nghiệp bóng đá của mình, nói không với tiêu cực, cờ bạc, tránh các chất cấm, chất gây hại đến sức khỏe. Nếu CLB và ban tổ chức giải làm chặt chẽ, quy củ, cầu thủ sẽ có cách ứng xử đúng đắn hơn với cái nghề, cái nghiệp, biết cách bảo vệ "nồi cơm" của mình. Cần hướng dẫn cho cầu thủ biết rằng phải có thời gian mới tạo dựng được niềm tin của người hâm mộ, nhưng chỉ cần một sự cố nhỏ liên quan đến đạo đức, cầu thủ vừa đánh mất mình, vừa đánh mất niềm tin từ khán giả.
Những bê bối bán độ, ma túy đã xảy ra trong nhiều năm qua, nhưng chúng ta chưa có giải pháp căn cơ, bền vững. Chỉ phạt treo giò, cấm thi đấu cầu thủ thôi thì chẳng thể giải quyết vấn đề tận gốc, bởi không đủ nghiêm. Sau hơn 20 năm làm bóng đá chuyên nghiệp, Liên đoàn Bóng đá VN, Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp và các CLB hãy cùng ngồi lại để nhìn nhận bóng đá VN đã đi đúng hướng chưa, môi trường còn chỗ nào vẩn đục để chung tay "gột rửa", làm sạch, thay vì chỉ đưa ra vài án phạt rồi đâu lại vào đó".
"Mất bò mới lo làm chuồng"
Ông Đoàn Minh Xương nhấn mạnh rằng các CLB hãy huấn luyện kỹ càng cho cầu thủ từ khi còn nhỏ. Bởi trong giai đoạn định hình nhân cách, các cầu thủ sẽ dễ dàng tiếp thu lời dạy hơn. Bóng đá VN hiện tại còn để xảy ra tình trạng "mất bò mới lo làm chuồng".
"Các CLB phải giáo dục cầu thủ kỹ lưỡng ngay khi cầu thủ còn trẻ. Giáo dục cả chuyên môn và lối sống. Các thầy phải dạy học trò ăn uống thế nào, sinh hoạt ra sao. Sự lành mạnh trong cách sống phải được nuôi dưỡng khi cầu thủ còn nhỏ. Họ phải biết trân trọng nghề nghiệp ngay từ ngày mới "lập nghiệp". Nhiệm vụ của HLV, của các thầy là lập hồ sơ, theo dõi, quản lý cầu thủ một cách bài bản trong cả quá trình dài. Đó mới là làm bóng đá khoa học, chứ không phải cứ cho cầu thủ ăn uống, đưa họ ra sân tập luyện, thi đấu là xong. Bóng đá chuyên nghiệp cần cái tâm, cái tầm, đòi hỏi rất nhiều sự quan tâm để đào tạo ra những cầu thủ ở đẳng cấp cao", chuyên gia Đoàn Minh Xương kết luận. (còn tiếp)
Ông Đoàn Minh Xương kể: "Năm 2017, khi tham quan CLB Lyon, tôi được biết các cầu thủ ở đây còn được học thiền, yoga để kiểm soát bản thân trước áp lực. Đó là những chi tiết nhỏ nhưng sẽ tạo ra khác biệt lớn về chất lượng sản phẩm, tức là các cầu thủ. Các CLB VN cần được chuẩn hóa, không chỉ trên phương diện tiền bạc, cơ sở vật chất, mà còn là khía cạnh con người, quy trình đào tạo, quản lý". |
Theo Hồng Nam/ Thanh Niên
https://thanhnien.vn/dao-duc-cau-thu-viet-nam-vet-nho-tieu-cuc-nay-sinh-tu-dau-185240513234410124.htm