Cuối tháng 12-2023, việc thông báo rời Hà Nội sau 11 năm gắn bó làm không ít người nghĩ rằng VĐV thể dục dụng cụ (TDDC) Lê Thanh Tùng giải nghệ.
VĐV Lê Thanh Tùng tập luyện tại TP.HCM - Ảnh: ĐỨC KHUÊ
Chấn thương là rủi ro mà VĐV phải chấp nhận. Nhưng số ca chấn thương nặng và dai dẳng như của Lê Thanh Tùng vẫn khiến nhiều người phải thấy bất ngờ. Tại cuộc gặp CLB thể dục Trần Hưng Đạo (TP.HCM), Tùng đã chỉ cho chúng tôi những chỗ đau đã đeo bám anh gần suốt sự nghiệp.
Với tôi, huy chương nào cũng quý chứ không chỉ là HCV. Tôi có một chiếc tủ đựng huy chương đạt được từ hồi còn nhỏ. Do nó sắp đầy rồi nên chắc tôi phải tìm một cái mới (cười). HCV châu Á 2017 là kỷ niệm đẹp nhất và tôi cũng tự hào mình là người Việt Nam đầu tiên chạm đến thành tích đó. |
Về với gia đình
Trong đó, gót chân là bộ phận bị nặng nhất. Trước đây, Tùng còn bị đau ở cổ tay, mắt cá, vai gáy và nhiều bộ phận khác. Nhưng điều bất ngờ là chuyện anh bị gout - điều tưởng chừng khó xảy ra với một VĐV có cường độ vận động và rất ít sử dụng bia rượu như Tùng. Trong những năm tháng chịu dựng chấn thương, anh gần như chỉ... uống thuốc giảm đau.
Năm 2023, Lê Thanh Tùng từng úp mở chuyện giải nghệ từ sau SEA Games 32. Do đó khi thông báo rời Hà Nội trên Facebook, nhiều người lầm tưởng anh giải nghệ. Nhưng Tùng đính chính: "Tôi tập TDDC lúc 5 tuổi. Lên 8 tuổi, tôi sang Trung Quốc vừa học vừa tập luyện trong 8 năm. Khi về nước, tôi tiếp tục ăn tập ở Hà Nội trong 11 năm. Xa nhà đã quá lâu, giờ là lúc tôi về với gia đình tại TP.HCM.
Vì vậy, tôi đã xin phép ban huấn luyện và lãnh đạo môn TDDC cho mình về nhà và được chấp thuận. Ngoài ra, tôi về TP.HCM cũng là để dưỡng thương. Tôi vẫn là VĐV của đội tuyển TDDC Việt Nam, chỉ là không tập ở Hà Nội thôi. Ở TP.HCM, tôi vẫn tập dưới sự giám sát của HLV đội tuyển phụ trách trong Nam".
Cũng vì nhằm giảm tải cho cơ thể để dưỡng thương, Thanh Tùng sẽ không tập trung cho các giải đấu quốc tế lớn. Thay vào đó, anh sẽ chọn các giải đấu trong nước như Giải vô địch quốc gia để duy trì phong độ.
Lê Thanh Tùng thi đấu tại SEA Games 31 trên sân nhà Việt Nam - Ảnh: NAM TRẦN
Tôi tin mình làm được
Nhưng Lê Thanh Tùng không phải người dễ bỏ cuộc. Rất nhiều lần trong sự nghiệp, anh đã vươn lên bằng ý chí và nghị lực. Câu chuyện dùng thuốc giảm đau ở Olympic Tokyo là ví dụ dù lúc đó anh được cảnh báo có thể bị chấn thương nặng, gây ảnh hưởng đến sự nghiệp nếu cố thi đấu.
Cả trong cách nói chuyện, Tùng cũng chưa bao giờ bộc lộ thái độ đầu hàng. "Lúc 8 tuổi được cho ra nước ngoài, tôi còn chưa hình dung được tương lai ra sao. Tôi cũng không nhớ rõ động lực của mình là gì. Có thể là vì mình đam mê hoặc cũng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn. Nhưng tôi chỉ biết phải cố gắng nỗ lực mỗi ngày.
Theo thời gian, nỗ lực của tôi được đền đáp. Là người có tham vọng, tôi luôn muốn đạt được thành công. Thời gian qua, đã đạt không ít thành tích, nên tôi biết và tin mình làm được. Tôi vẫn muốn mình tiếp tục thi đấu vào năm sau, đặc biệt là được dự SEA Games 2025 khi bước sang tuổi 30. Bây giờ chưa phải lúc tôi dừng lại!", Tùng chia sẻ.
Đến nay, Lê Thanh Tùng là một trong những VĐV thành công nhất lịch sử của TDDC Việt Nam. Tại đấu trường SEA Games, anh đã đoạt 7 HCV, 2 HCB và 7 HCĐ. Anh cùng với người đồng đội lâu năm Đinh Phương Thành đã tham dự Olympic Tokyo.
Nhưng dấu ấn đậm nét nhất sự nghiệp là khi anh giành HCV Giải vô địch TDDC châu Á 2017 nội dung nhảy chống. Đó là lần đầu trong lịch sử một VĐV TDDC Việt Nam được bước lên bục cao nhất ở đấu trường châu lục. Đáng tiếc là sau này chấn thương gót chân đã khiến anh phải từ bỏ nội dung nhảy chống sở trường.
Thanh Tùng đã mang về rất nhiều vinh quang cho thể dục dụng cụ Việt Nam những năm qua - Ảnh: FBNV
Học nhiều môn vào mùa đông Thời gian ở Hà Nội, Lê Thanh Tùng từng theo học tại Trường ĐH TDTT Bắc Ninh với mục tiêu trở thành HLV sau khi giải nghệ. Anh kể lại rằng mình thường đăng ký học nhiều môn vào mùa đông vì khi đó ít phải đi thi đấu. Mỗi sáng, Tùng phải dậy từ 5h sáng rồi chạy xe máy hơn một giờ từ nơi ăn tập là Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội (Nhổn) để kịp lên lớp. Anh kể: "Mùa đông ở miền Bắc rất lạnh, trời buổi sáng lại còn mờ sương. Do rất khó quan sát nên tôi không dám đi nhanh, đi chậm quá thì sợ lên lớp trễ, vì vậy tôi phải dậy thật sớm. Những ngày tháng đó vất vả lắm nhưng là kỷ niệm tôi nhớ suốt đời". |
Theo Đức Khuê/ Tuổi Trẻ
https://tuoitre.vn/nha-vo-dich-the-duc-dung-cu-chau-a-le-thanh-tung-chua-phai-luc-de-dung-lai-20240129233936298.htm