Hội nghị bàn về các giải pháp nâng cao thành tích của thể thao Việt Nam lần đầu tiên được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức ngày 21-12 tại Hà Nội được đông đảo giới chuyên môn, người hâm mộ cả nước quan tâm
Cả Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch lẫn Cục TDTT đều yêu cầu đại diện cơ quan quản lý TDTT 63 tỉnh, thành và các ngành giáo dục, công an, quân đội, các liên đoàn, hiệp hội thể thao về tham dự, ngoài ra còn có đại diện một số ủy ban của Quốc hội, các nhà khoa học, các chuyên gia nhằm tìm lời giải cho những vấn đề cấp bách của thể thao Việt Nam (TTVN).
Hội nghị dự kiến bàn về định hướng phát triển thể thao thành tích cao đến năm 2030, tập trung vào 2 nội dung chính: Định hướng mục tiêu và giải pháp phát triển thể thao thành tích cao tại các kỳ đại hội Olympic, Asian Games và SEA Games từ nay đến năm 2030; thảo luận các giải pháp cụ thể nhằm giành huy chương Olympic 2024 và 2028; HCV Asian Games 2026 và 2030, HCV SEA Games 2025, 2027, 2029.
Hội nghị dự kiến sẽ có các tham luận được trình bày bởi các nhà nghiên cứu, nhà khoa học đầu ngành TDTT với nội dung tập trung vào các vấn đề như: Đổi mới, sáng tạo trong phát triển thể thao thành tích cao; các giải pháp ứng dụng khoa học trong công tác huấn luyện, đào tạo VĐV thể thao thành tích cao; đổi mới công tác quản lý HLV, VĐV đội tuyển tại các trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia; công tác xã hội hóa thể thao thành tích cao…
Chương trình nghị sự quan trọng như vậy song chỉ gói gọn trong một buổi chiều, nên không rõ các địa phương sẽ có cơ hội trình bày về khó khăn, thuận lợi ra sao, khi vai trò của các địa phương là cực kỳ quan trọng trong phát triển thể thao nói chung và thể thao thành tích cao nói riêng, là nơi phát hiện, đào tạo ra các tài năng thể thao cũng như xây dựng lực lượng ở tuyến cơ sở cho các đội tuyển quốc gia.
Thể thao Việt Nam cần định hướng phát triển từ hệ thống môn thi Olympic. (Ảnh: QUÝ LƯỢNG)
Tương tự, các liên đoàn, hiệp hội thể thao cũng khó có thể trình bày hết những tâm tư về việc quản lý, tổ chức các giải đấu, kế hoạch đào tạo, tập huấn, thi đấu của các đội tuyển, kể cả mối quan hệ ngành dọc với Cục TDTT… cũng chưa phải đã "cơm lành, canh ngọt".
Từ chỗ địa phương, ngành và liên đoàn, hiệp hội khó nói hết, nói đủ, do vậy liệu Cục TDTT và Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch sẽ xem xét, kiến nghị đầy đủ toàn diện với Chính phủ, Quốc hội và các cấp có thẩm quyền để tháo gỡ những vướng mắc cho TTVN nhằm nâng cao thành tích, cũng như việc huy động các nguồn lực xã hội để phát triển TTVN nói chung và thể thao thành tích cao nói riêng?
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội, bày tỏ: "Hội nghị lần này phải đánh giá được thực chất về thực trạng phát triển của TTVN, cả về thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao. Vị trí nhất toàn đoàn tại SEA Games 2003 trên sân nhà đã tạo cú hích cho TTVN phát triển. Thể thao nhận được nhiều sự quan tâm hơn và cũng đã đạt được nhiều thành tích hơn, trong đó có HCV danh giá tại Olympic Rio 2016, cùng hàng loạt ngôi vô địch thế giới, châu lục và khu vực.
Tuy vậy, TTVN vẫn còn những hạn chế, đó là bộ máy quản lý ngành nhiều lần thay đổi; chế độ tiền công cho VĐV, HLV chưa theo kịp mặt bằng chung của xã hội. TTVN cũng chưa có những cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cho lĩnh vực TDTT, dẫn đến những hạn chế trong việc kêu gọi xã hội hóa thể thao thành tích cao".
Thành công và những hạn chế của TTVN qua việc tham dự các kỳ đại hội, gần đây nhất là Olympic 2000 và 2 kỳ Asian Games 2018, 2022 là quá rõ, TTVN đã giành được những kết quả đáng ghi nhận (dẫn đầu toàn đoàn tại 2 kỳ SEA Games 31 và 32). Tuy nhiên, khi bước ra đấu trường Asian Games và Olympic, TTVN vẫn còn một khoảng cách khá xa. Cần sớm có một chiến lược tổng thể phát triển dài hạn cũng như giải quyết những vấn đề cấp bách để TTVN thực sự phát triển bền vững. |
Theo Đào Tùng/NLĐO
https://nld.com.vn/nang-cao-thanh-tich-the-thao-viet-nam-nhiem-vu-cap-bach-196231220194707194.htm