Khi đội bóng nợ lương, thưởng, phần thiệt thòi luôn thuộc về cầu thủ và ban huấn luyện. Thực trạng này cần phải sớm được giải quyết rốt ráo
Ngày 23-11, bóng đá Việt Nam dậy sóng khi Ban Huấn luyện (BHL) và cầu thủ CLB TP HCM gửi tâm thư đến lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao (VH-TT) TP HCM, LĐBĐ Việt Nam (VFF), LĐBĐ TP HCM (HFF), Công ty CP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF)... kêu cứu về việc bị nợ lương, thưởng cùng phí lót tay lên tới 30 tỉ đồng.
Thắng nhưng không vui
Đây là số tiền ước tính lãnh đạo CLB TP HCM nợ kéo dài từ mùa V-League 2022-2023 đến 2023-2024.
Nếu không quyết liệt làm rõ vì sao CLB TP HCM có nguồn thu lớn từ tài trợ và quảng cáo mà tiền không được giải ngân đến BHL và cầu thủ thì thực trạng này có thể kéo dài, quyền lợi chính đáng của anh em trong đội cũng sẽ giống như các đội Than Quảng Ninh, Cần Thơ, Khánh Hòa trước đó. Vì vậy, HLV Vũ Tiến Thành đã lên tiếng bảo vệ BHL và cầu thủ, những người đã cùng ông chia sẻ khó khăn với lãnh đạo đội liên tiếp 3 mùa bóng, song kết quả nhận lại chỉ là hứa và hứa.
Do bất đồng quan điểm và không tìm được tiếng nói chung cùng HLV Vũ Tiến Thành, lãnh đạo CLB TP HCM đã thanh lý hợp đồng với ông. CLB phải chi trả toàn bộ các khoản lương, thưởng cũng như bồi thường hợp đồng khi thanh lý sớm. Ngoài ra, lãnh đạo CLB TP HCM cũng phải trả lại số tiền lên đến vài tỉ đồng mà họ đã mượn HLV Vũ Tiến Thành khi nhờ ông tạm ứng thưởng, chi phí sinh hoạt tối thiểu cho hoạt động của đội bóng.
Việc đòi hỏi quyền lợi chính đáng của BHL và các cầu thủ TP HCM đã thành công bước đầu. Lãnh đạo CLB đã quyết toán những khoản nợ mà BHL cùng các cầu thủ liệt kê trong tâm thư. Tuy nhiên, với khoản tiền 7 tỉ đồng của mùa V-League 2022, lãnh đạo CLB TP HCM vẫn còn nợ và hứa sẽ trả sau (nhưng chưa ấn định thời gian).
CLB TP HCM (trái) vẫn còn nợ ban huấn luyện và cầu thủ 7 tỉ đồng tiền lương, thưởng của mùa V-League 2022 Ảnh: CAO TOÀN
Viện lý do khó khăn về kinh tế, ông chủ CLB TP HCM kêu gọi toàn đội chia sẻ. Thế nhưng, họ chỉ cố gắng "chịu đựng" hai mùa giải 2022-2023 chứ không thể kéo dài đến mùa giải 2023-2024 vì sau lưng họ là gia đình, cuộc sống của bao người thân.
Ngoài CLB TP HCM, CLB Đông Á Thanh Hóa (ĐATH) cũng tương tự. Toàn đội đang bị nợ lương, thưởng và có thể sẽ đình công nếu không được trả tiền.
Khác với HLV Vũ Tiến Thành nói chuyện trực tiếp với lãnh đạo cao nhất của đội còn BHL cùng cầu thủ gửi tâm thư đến các cấp lãnh đạo, HLV Popov của CLB ĐATH đã chọn thời điểm công bố ngay tại buổi họp báo sau trận thắng Khánh Hòa 2-0 ở vòng 4 V-League 2023-2024. Ông Popov cho rằng đội có trận thắng nhưng không vui vì các cầu thủ không hài lòng về tài chính. Ông Popov nhấn mạnh một số giới hạn và sự kiên nhẫn đã hết.
Lãnh đạo CLB ĐATH xác nhận đội đang chậm lương và nợ một số khoản với các cầu thủ, trong đó có tiền thưởng vô địch Cúp Quốc gia 2023. Sau CLB TP HCM rồi ĐATH, chưa biết còn đội bóng nào lên tiếng hay không khi không ít CLB đã và đang đối mặt với khó khăn chung của nền kinh tế.
Nhiều đội bóng tự xóa sổ
Trong những năm qua, V-League rồi Giải Hạng nhất đã có nhiều đội bóng phải tự xóa sổ vì không có kinh phí hoạt động.
Than Quang Ninh phải giải thể từ mùa giải V-League 2022; Saigon FC xóa tên trên bản đồ bóng đá Việt Nam khi rớt xuống Hạng Nhất sau mùa giải 2022. Trước đó, Tây Ninh, An Giang, Cần Thơ và mới đây, ngày 10-10, Bình Thuận đã bỏ Giải Hạng nhất vì thiếu kinh phí hoạt động.
Tháng 9-2023 xảy ra câu chuyện buồn của CLB Khánh Hòa vì các cầu thủ lại kêu cứu khi họ tiếp tục bị nợ tiền. Số tiền nợ của nhà tài trợ cũ bao gồm: 2 tỉ tiền thưởng thăng hạng (từ hạng nhất lên V.League vào cuối mùa giải 2022), tiền phí lót tay và lương tháng 9 của đội bóng.
Theo cam kết, sau khi khất nợ từ tháng 8 qua tháng 11, đến nay, tất cả đều im lặng khiến cầu thủ Khánh Hòa hoang mang. Không loại trừ khả năng cầu thủ sẽ mất trắng do nhà tài trợ mới không có trách nhiệm trả, còn nhà tài trợ cũ thì im lặng.
CLB Than Quảng Ninh cũng đã rơi vào cuộc khủng hoảng tài chính xuyên suốt cả mùa giải 2020. Đầu mùa giải 2021, đã có lúc các cầu thủ đồng loạt đình công, không tập luyện do CLB nợ tiền lót tay, tiền lương nhiều tháng.
Khi UBND tỉnh Quảng Ninh vào cuộc, tháng 4-2021, các cầu thủ Than Quảng Ninh được CLB trả vài tháng lương. Nhưng sau đó, cầu thủ không nhận thêm được khoản nào từ CLB. Ngày 23-8-2021, một số cầu thủ Than Quảng Ninh ra tối hậu thư rằng đến ngày 31-8, nếu lãnh đạo đội bóng không trả tiền, họ sẽ gửi đơn kiện lên VFF, AFC và FIFA.
Việc phải đến rồi sẽ đến. Ngày 28-10-2021, VFF ra quyết định không cấp phép ngoại lệ cho CLB Than Quảng Ninh tham dự V.League 2022. Lý do là đội bóng này không đáp ứng các tiêu chí bắt buộc trên hệ thống cấp phép trực tuyến năm 2021 về tài chính, cơ sở vật chất, đào tạo trẻ, chăm sóc y tế cầu thủ và Công ty TNHH MTV Bóng đá Quảng Ninh - đơn vị quản lý CLB Than Quảng Ninh tạm dừng hoạt động.
Khi Than Quảng Ninh giải thể, các cầu thủ vẫn là người chịu thiệt thòi. Họ không được quyết toán bất kỳ khoản nợ nào từ lãnh đạo đội bóng.
Ai bảo vệ quyền lợi cầu thủ?
Nhiều nước trên thế giới thành lập hiệp hội cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp với mục đích bảo vệ quyền lợi chính đáng của cầu thủ. Ban tổ chức các giải vô địch chuyên nghiệp hàng đầu thế giới cũng có luật công bằng tài chính là quy định các CLB phải có lãi để duy trì tính bền vững.
Ở Việt Nam chưa có hiệp hội cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp. V-League và Giải Hạng nhất cũng chưa có quy định chi tiết, rõ ràng về luật công bằng tài chính khi các CLB chưa thể hoạt động lấy thu bù chi. Nói đơn giản hơn, các CLB không tự nuôi sống mà hoàn toàn phụ thuộc vào các ông chủ đội bóng hoặc ngân sách nhà nước cộng với nguồn thu từ các nhà tài trợ.
Bóng đá Việt Nam hiện nay vẫn còn những khoảng cách không nhỏ với các nền bóng đá chuyên nghiệp ở châu lục, còn so với các nền bóng đá châu Âu hay thế giới thì khoảng cách còn xa hơn. Câu chuyện của Than Quảng Ninh cùng nhiều CLB khác như vừa kể trên là nỗi đau của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam dù đã hơn 20 năm.
Đã đến lúc VFF và VPF nên mở hội thảo, mời tất cả lãnh đạo các đội thi đấu trong hệ thống bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam tham gia để tìm giải pháp cho việc lãnh đạo đội bóng nợ lương HLV, cầu thủ từ mùa này qua mua khác mà không có phương án xử lý.
Khi có quy định, có luật đưa vào Điều lệ Thi đấu V-League và Giải Hạng nhất, thử hình dung VFF và VPF nhận đơn kêu cứu của HLV, cầu thủ, nếu điều tra xác minh đúng sự việc, căn cứ theo luật thì có khung phạt trừ điểm, cấm chuyển nhượng, thậm chí phải rớt hạng... Nếu làm nghiêm như vậy, có lẽ căn bệnh trầm kha về việc lãnh đạo đội bóng nợ rồi không trả lương, thưởng cho HLV, cầu thủ sẽ dần được cải thiện và khắc phục.
Khi đã là bóng đá chuyên nghiệp, không thể dựa bất kỳ lý do nào, dù là khó khăn về kinh tế, để nợ kéo dài với HLV, cầu thủ. HLV, cầu thủ là những người làm công, sẵn sàng chia sẻ với giới chủ và các nhà đầu tư. Họ sẵn sàng đồng cam cộng khổ nhưng phải rõ ràng với các khoản tiền lương, thưởng. Ngân sách có thể co lại, thu nhập của HLV, cầu thủ có thể ít đi, nhưng không ai được quyền nợ họ rồi không trả.
Nợ rồi không quyết toán cho HLV, cầu thủ đã là tiền lệ xấu, trở thành căn bệnh trầm kha của bóng đá Việt Nam. Đã đến lúc việc này phải được những người điều hành bóng đá Việt Nam cùng nhau ngồi lại bàn phương án giải quyết rốt ráo. Có như vậy, bóng đá Việt Nam mới thật sự phát triển lành mạnh và bền vững. |
Không ai giải quyết CLB Than Quảng Ninh đã nợ cầu thủ suốt 3 mùa bóng với số tiền lên đến 60-70 tỉ đồng. Thế nhưng, không ai có trách nhiệm giải quyết, bất chấp các cầu thủ liên tục kêu cứu. Sau khi đội giải thể từ mùa giải V-League 2022, cầu thủ vẫn là người bị thua thiệt. |
Theo Hoàng Tú/ Người lao động
https://nld.com.vn/tran-tro-chuyen-doi-bong-no-tien-hlv-cau-thu-19623120720491446.htm