Bắn súng là môn giành thành tích cao nhất của thể thao Việt Nam trên đấu trường quốc tế. Vậy nhưng những gì diễn ra nhiều năm qua tại Liên đoàn Bắn súng Việt Nam thì khác.
Chuyên gia Park Chung Gun đồng hành cùng các xạ thủ tại Asiad 19 - Ảnh: HUY ĐĂNG
Trong 4 môn trọng điểm của thể thao Việt Nam nhằm vươn lên ở đấu trường Asiad, Olympic thì bắn súng luôn đứng ở vị trí số 1. Bắn súng đã mang về 1 HCV, 1 HCB Olympic năm 2016 do công của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh. Mới đây tại Asiad 19, bắn súng đã xuất sắc giành HCV danh giá ở nội dung 10m súng ngắn hơi nam do công của VĐV Phạm Quang Huy.
Không có môn thể thao nào tại Việt Nam luôn đứng trong tốp đầu Đông Nam Á, có HCV Asiad, HCV Olympic và thường xuyên có VĐV giành vé đến thế vận hội như bắn súng. Chính vì vậy, bắn súng cũng là một trong những môn được Cục Thể dục thể thao đầu tư nhiều tiền nhất để tập huấn đội tuyển, đưa VĐV đi thi đấu quốc tế nhằm nâng cao trình độ ở đấu trường châu lục và thế giới. Số tiền Nhà nước đầu tư chưa thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu của bắn súng, nhưng cũng cho thấy sự quan tâm đặc biệt cho môn thể thao mũi nhọn này.
Khi bắn súng có thành tích ở Olympic, người hâm mộ và ngay cả cơ quan quản lý nhà nước cũng khấp khởi hy vọng môn thể thao này sẽ được xã hội quan tâm hơn. Cụ thể là việc tham gia của các nhà hảo tâm, những người có tình yêu với bắn súng vào tổ chức xã hội nghề nghiệp là Liên đoàn Bắn súng Việt Nam (VSF).
Vậy nhưng những gì diễn ra suốt 7 năm qua đã không như kỳ vọng. Theo báo cáo tài chính của Liên đoàn Bắn súng Việt Nam nhiệm kỳ 6 (2016 - 2022), đơn vị này chỉ thu được 4,37 tỉ đồng tiền tài trợ, trung bình mỗi năm khoảng 700 triệu đồng. Số tiền ít ỏi này khiến Liên đoàn Bắn súng Việt Nam chẳng thể hỗ trợ được Nhà nước trong việc phát triển phong trào bắn súng, đài thọ thêm tiền cho các VĐV đội tuyển quốc gia đi tập huấn, thi đấu quốc tế. Tình trạng thiếu đạn ở môn bắn súng vẫn diễn ra triền miên, nhất là nội dung đạn nổ từ địa phương đến đội tuyển.
Chưa hết, trước thềm đại hội Liên đoàn Bắn súng Việt Nam khóa 7 (2022 - 2027), mâu thuẫn nội bộ của tổ chức này diễn ra trầm trọng. Tháng 6-2022, một thành viên thường trực Liên đoàn Bắn súng Việt Nam đã gửi đơn đến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Thể dục thể thao "tố" việc mất đoàn kết, mất dân chủ ở liên đoàn, làm ảnh hưởng đến bắn súng Việt Nam.
Cục Thể dục thể thao lúc đó đã phải vào cuộc để giải quyết mâu thuẫn nhưng bất thành. Rốt cuộc, nhà vô địch Olympic Hoàng Xuân Vinh, HLV trưởng đội tuyển bắn súng Việt Nam Nguyễn Thị Nhung và nhiều thành viên của Liên đoàn Bắn súng Việt Nam khóa 6 đã rút không tham gia khi đại hội khóa 7 diễn ra.
Chuyên gia Park Chung Gun (thứ hai từ phải qua) cùng các học trò giành 1 HCV, 1 HCĐ Asiad 19 - Ảnh: QUÝ LƯỢNG
Hiếm có đại hội nào buồn, trầm lắng như Đại hội Liên đoàn Bắn súng Việt Nam khóa 7 diễn ra ngày 30-6-2022 tại Hà Nội. Vậy nhưng kết thúc, Liên đoàn Bắn súng Việt Nam đã tìm ra được đội ngũ lãnh đạo đông kỷ lục. Cụ thể, đại hội đã bầu 51 thành viên ban chấp hành, 16 thành viên ban thường vụ, trong đó có 8 phó chủ tịch. Ông Đỗ Văn Bình (chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần Xây dựng phát triển đô thị và khu công nghiệp Sông Đà), nguyên chủ tịch VSF khóa 6, ứng viên duy nhất tham gia tranh cử chủ tịch khóa 7, tái đắc cử chức danh chủ tịch.
Phát biểu tại đại hội, ông Trần Đức Phấn - phó tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao - đã khẳng định với quy mô của khóa 7, Liên đoàn Bắn súng là liên đoàn thể thao có đội ngũ lãnh đạo đông nhất cả nước. Ngay cả Ủy ban Olympic quốc gia - tổ chức xã hội thể thao lớn nhất cả nước - cũng chỉ có 39 thành viên ban chấp hành, 13 thành viên ban thường vụ, 5 phó chủ tịch.
Lãnh đạo đông nhưng có vẻ như Liên đoàn Bắn súng Việt Nam khóa 7 lại làm việc khá cẩu thả. Bằng chứng là trong lễ vinh danh, trao thưởng cho VĐV, HLV sau Asiad 19 ngày 18-10, họ đã "bỏ quên" chuyên gia Park Chung Gun - người có công lớn nhất trong tấm HCV Asiad 19 và xa hơn là HCV Olympic của bắn súng Việt Nam.
Ông Park rời đi trong lặng lẽ với gương mặt thất vọng. Sau bao nhiêu đóng góp cho thể thao Việt Nam, cách làm của Liên đoàn Bắn súng Việt Nam khiến ông bị tổn thương. Chưa hết, kể từ khi dự Asiad 19 về nước, cũng chưa có lãnh đạo cấp cao nào mời ông đến gặp để nói một lời tri ân, gửi lời mời trân trọng để ông gia hạn hợp đồng với thể thao Việt Nam.
Trưa 20-10, viết trên Facebook cá nhân, chuyên gia Park Chung Gun chia sẻ: "Từ đáy lòng, tôi xin gửi lời cảm ơn sâu sắc đến người hâm mộ Việt Nam, các nhà báo và những người bạn thân yêu đã ủng hộ tôi trong suốt thời gian qua, cho tôi thêm lý do để nhận ra rằng luôn có những điều tốt đẹp để tin tưởng".
Ông Park chỉ đạo các học trò tại Asiad 19 - Ảnh: HUY ĐĂNG
Tháng 10 này hợp đồng của ông Park Chung Gun với ngành thể thao sẽ kết thúc. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Thể dục thể thao đã có chủ trương, văn bản về việc đề nghị đàm phán gia hạn hợp đồng với ông Park. Thế nhưng sau những tổn thương mà ông phải trải qua, mối lương duyên này liệu có còn tiếp tục?
Cần lắm sự quyết liệt, trách nhiệm hơn nữa của những nhà quản lý thể thao để bắn súng Việt Nam xứng đáng vị thế môn mũi nhọn, là hình ảnh tự hào của thể thao Việt Nam.
Theo Khương Xuân/Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/dung-de-ban-sung-viet-nam-tut-lui-20231020134356214.htm