Không chỉ được đánh giá là kỳ đại hội lớn nhất trong lịch sử thể thao châu Á, ASIAD 19 xét về quy mô còn vượt tầm cả kỳ Olympic Paris 2024, cụ thể ở phương diện thu hút nhiều hảo thủ tầm cỡ thế giới tranh tài
Chủ nhà Trung Quốc đứng đầu bảng tổng sắp huy chương ASIAD kể từ năm 1982, tức tròn 40 năm trải suốt chiều dài 10 kỳ Á vận hội. Tại kỳ đại hội diễn ra cách đây 5 năm ở Indonesia, Trung Quốc giành tổng cộng 132 HCV, nhiều gần gấp 2 lần đoàn xếp thứ nhì Nhật Bản với chỉ 75 HCV. Tại Asian Games Hàng Châu lần này, chủ nhà Trung Quốc được dự báo tiếp tục thống trị thể thao châu lục khi có trong tay những nhà thể thao số 1 thế giới.
"Kỳ hậu" Hou Yi-fan
Cờ vua nam thế giới nhiều năm qua lưu danh "kỳ vương" Magnus Carlsen, người duy nhất sở hữu Elo trên 2.800 ở cả 3 thể loại tiêu chuẩn, nhanh và chớp nhoáng. Trong khi đó, "kỳ hậu" Hou Yi-fan (Hầu Dật Phàm) là người xô đổ hầu hết mọi kỷ lục khi cờ vua mở rộng sân chơi cho phái nữ từ những năm 1920.
Vị trí số 1 còn gây nhiều tranh cãi khi đánh giá của giới chuyên môn còn phân vân giữa Vera Menchik, người 7 lần vô địch thế giới cùng 21 lần vô địch nước Anh với Judith Polgar, nữ kỳ thủ Hungary sở hữu Elo cao nhất trong lịch sử (2.753) cũng như không có đối thủ trong 26 năm, chỉ thiếu danh hiệu vô địch thế giới để trở thành kỳ thủ vĩ đại nhất. Trong khi đó, vị trí số 2 đã nghiễm nhiên thuộc về Hou Yi-fan.
Kỳ hậu Hou Yi-fan mơ giành HCV trên quê nhà Hàng Châu. (Ảnh: FIDE)
Xếp thứ 13 trong danh sách những nhà vô địch cờ vua nữ thế giới, Hou Yi-fan là kỳ thủ trẻ nhất nắm giữ vị trí số 1 thế giới và cũng là kỳ thủ nữ trẻ nhất đạt chuẩn đại kiện tướng khi mới 14 tuổi 6 tháng 2 ngày. Trước đó, cô bé 12 tuổi Hou Yi-fan là VĐV trẻ nhất tham gia Giải Vô địch cờ vua nữ thế giới do FIDE tổ chức năm 2006 tại Nga. Cô là nhà vô địch Giải Cờ vua toàn Trung Quốc 2007 khi mới 13 tuổi. Hou Yi-fan trở thành nhà vô địch trẻ nhất trong lịch sử cờ vua thế giới (cả nam và nữ) sau khi đánh bại đồng hương Ruan Lofei trong trận chung kết Giải Vô địch cờ vua nữ thế giới 2010 khi cô tròn 16 tuổi.
Cho đến nay, Hou Yi-fan đã 4 lần giành ngôi vô địch cờ vua nữ thế giới (2010, 2011, 2013, 2016). Cô vượt qua Judit Polgar để nắm giữ vị trí số 1 trên bảng xếp hạng FIDE lần đầu tiên vào tháng 3-2015 và chỉ một lần rời vị trí này khi Polgar đòi lại ngôi đầu vào tháng 8-2015. Hou Yi-fan là kỳ thủ nữ thứ 3 - sau Judit Polgar và Humpy Koneru - sở hữu hệ số Elo vượt quá 2.600, cao nhất là 2.686 vào tháng 3-2015 và hiện là 2.624.
Chưa từng để lại điều tiếng gì kể cả trong lẫn ngoài sàn đấu, Hou Yi-fan là niềm tự hào của cờ vua Trung Quốc. Quốc gia này đã sản sinh nhiều nhà vô địch nữ nhất trong lịch sử cờ vua thế giới, ngoài Hou Yi-fan còn có Xie Jun (Tạ Quân, vô địch thế giới 1991, 1999), Zhu Chen (Chư Thần, 2001), Xu Yu-hua (Hứa Dục Hoa, 2006), Tan Zhongyi (Đàm Trung Di, 2017), Ju Wen-jun (Cư Văn Quân, 2018, 2019, 2020).
Năm 2020, Hou Yi-fan được bổ nhiệm làm giáo sư tại Trường Đại học Thâm Quyến. Nữ giáo sư trẻ nhất trong lịch sử ngôi trường danh tiếng này từng theo học Khoa Quan hệ quốc tế tại Bắc Kinh, được trao học bổng Rhodes để theo học Khoa Chính sách công tại Đại học Oxford. Quê nhà ở Giang Tô nhưng mới đây, cô quyết định chuyển về cư trú hẳn ở Hàng Châu và tràn trề cơ hội đăng quang ngay tại quê mới khi góp mặt trong thành phần tuyển cờ vua Trung Quốc dự ASIAD 19.
Trong sự nghiệp thi đấu bóng bàn chuyên nghiệp của Sun Ying-sha, tấm HCV đơn nữ ở đấu trường ASIAD chính là một trong vài danh hiệu hiếm hoi mà cô còn thiếu trong bộ sưu tập thành tích đồ sộ của mình.
Sun Ying-sha hiện đứng ở vị trí số 1 trên bảng xếp hạng của Liên đoàn Bóng bàn thế giới (ITTF) ở cả nội dung đơn nữ, đôi nữ lẫn đôi nam nữ. Tay vợt nữ 23 tuổi quê Hà Bắc - Trung Quốc này từng giành ngôi quán quân Olympic, HCV Giải Vô địch thế giới và thậm chí không có đối thủ ở Giải Vô địch châu Á. Chưa có giải đấu nào nằm ngoài tầm chinh phục của cô, trừ danh hiệu vô địch đơn nữ tại ASIAD.
Sun Ying-sha quyết tranh ngôi số 1 đơn nữ bóng bàn. (Ảnh: ITTF)
Do mỗi quốc gia chỉ được đăng ký 2 VĐV tham gia các nội dung đánh đơn, Sun Ying-sha và đồng đội Wang Yi-di (số 4 thế giới) được trao trọng trách giữ tấm HCV đơn nữ ở lại với nước chủ nhà. Đây xem ra không phải là nhiệm vụ quá tầm đối với bộ đôi siêu sao này khi bóng bàn Trung Quốc là thế lực số 1, nắm giữ ưu thế gần như tuyệt đối ở bất kỳ giải đấu nào, thuộc mọi cấp độ từ châu lục đến thế giới.
Bóng bàn Trung Quốc được giao chỉ tiêu giành toàn bộ 7 bộ HCV tại Đại hội Thể thao châu Á 2023 để củng cố vị thế số 1 sau khi đội tuyển nước này đã giành đủ 7 HCV tại Giải Vô địch châu Á vào đầu tháng 9. Từ năm 1974, bóng bàn Trung Quốc đã giành tổng cộng 66 HCV tại các kỳ ASIAD, bao gồm 18/19 ngôi vô địch tại 3 đại hội gần nhất.
Không hề ngủ quên trên chiến thắng cũng như chẳng hề tự mãn, tuyển Trung Quốc tham dự ASIAD 19 với lực lượng gồm 5 tay vợt nữ đều trong Top 5 ITTF (Sun Ying-sha, Wang Yi-di, Chen Meng, Wang Man-yu, Chen Xing-tong) và 5 tay vợt nam tên tuổi gồm Fan Zhen-dong (số 1), Wang Chu-qin (số 2), Ma Long (số 3), Liang Jing-kun (số 6), Lin Gao-yuan (số 7).
Sun Ying-sha ngoài thi đấu đơn sẽ còn đứng cặp với Wang Man-yu thi đấu đôi nữ, tranh đôi nam nữ cùng với Wang Chu-qin. Chỉ tiêu cho cô gái 23 tuổi này là 3 HCV, bao gồm cả ngôi vô địch đơn nữ tại ASIAD 19.
Theo Đông Linh/NLĐO
https://nld.com.vn/the-thao/sao-the-gioi-tu-hoi-tranh-tai-o-asiad-19-20230923203004125.htm