HLV Philippe Troussier muốn tạo ra guồng máy cạnh tranh nóng bỏng và quyết liệt ở đội tuyển Việt Nam, nhưng đây luôn là "con dao hai lưỡi" với bất kỳ chiến lược gia nào.
Dù HLV Philippe Troussier mới trải qua 1 giải đấu lớn cùng bóng đá Việt Nam trong 4 tháng ngồi ghế chỉ đạo, nhưng triết lý huấn luyện của nhà cầm quân người Pháp đã lộ rõ. Về mặt chuyên môn, ông Troussier tôn thờ lối chơi kiểm soát, triển khai lối chơi bằng những đường chuyền ở cự ly ngắn và trung bình, đồng thời chủ động gây áp lực giành quyền kiểm soát. Đây là lối chơi mang hơi thở hiện đại mà "Phù thủy trắng" cho rằng phù hợp để đội tuyển Việt Nam đến gần hơn với nhóm đầu châu Á.
Còn về huấn luyện và quản lý con người, HLV Troussier muốn tạo ra tập thể giàu tính cạnh tranh, nơi các cầu thủ đều bình đẳng về cơ hội ra sân thi đấu, dù giàu kinh nghiệm thi đấu quốc tế hay mới lần đầu lên đội tuyển Việt Nam. Chiến lược gia 68 tuổi đã làm việc xưa nay hiếm, đó là san phẳng ranh giới giữa đội tuyển quốc gia và U.23, để các cầu thủ tập chung giáo án, yêu cầu chuyên môn tương tự nhau, đồng thời xếp cho hai đội đối đầu nhau liên tục trong các bài tập.
Đội tuyển Việt Nam trong buổi tập chiều 8.6. ĐOÀN NHẬT
Thậm chí, HLV Troussier còn hòa lẫn đội tuyển Việt Nam và U.23 thành một khối đồng nhất, để chọn lựa nhóm cầu thủ ưng ý cho các trận gặp Hồng Kông và Syria (trong khi nhóm còn lại đấu với CLB Hải Phòng và CLB Công an Hà Nội). Tức là, việc chia đội tuyển Việt Nam và U.23 với ông Troussier không mang nhiều ý nghĩa. Một tuyển thủ U.23 thể hiện tốt, có thể lọt vào nhóm 1 cùng đàn anh và ngược lại, các tuyển thủ quốc gia dù tên tuổi đến mấy, nếu tập luyện không đạt yêu cầu cũng rơi xuống nhóm 2.
Dường như với tiêu chí huấn luyện và quản trị con người đang áp dụng, HLV Troussier sẽ không vội xây dựng nhóm nòng cốt, hay "đóng đinh" suất đá chính cho bất kỳ cầu thủ nào. Nhà cầm quân người Pháp sẽ liên tục xáo trộn nhân sự hai đội, thử nghiệm và sàng lọc để tìm ra bộ khung tối ưu. Điểm mạnh của triết lý "cào bằng" đội tuyển của HLV người Pháp là tạo ra bầu không khí cạnh tranh liên tục và không ngừng nghỉ. Các cầu thủ phải nỗ lực liên tục qua từng buổi tập, từng đợt tập trung và từng trận đấu để bảo vệ vị trí. Mọi sự chững lại hay thụt lùi của các trụ cột có thể được chấp nhận dưới thời những HLV khác, nhưng với ông Troussier, sự thay thế có thể diễn ra ngay lập tức.
HLV Troussier không ngại thách thức những giá trị truyền thống và "khích tướng" các trụ cột. VFF
"Phù thủy trắng" không ngần ngại nói Công Phượng, Quang Hải không xứng đáng lên đội tuyển Việt Nam. Ông cũng nhấn mạnh có 100 cầu thủ chuẩn bị cho vòng loại World Cup 2026. Đồng nghĩa, HLV Troussier chọn cách đối đầu những giá trị xưa cũ, thậm chí thách thức những yếu tố đã tạo nên bước tiến ổn định cho đội tuyển Việt Nam trong 5 năm qua.
Với một đội tuyển đã bước qua đỉnh cao như Việt Nam, sự táo bạo và quyết đoán của HLV Troussier là rất cần thiết. Thành công của ông thầy 68 tuổi với đội tuyển Nhật Bản 23 năm trước cũng đến từ sự kiên định rắn rỏi. Ông khẳng định cầu thủ Nhật Bản đá bóng quá lý thuyết và cứng nhắc, từ đó bắt đầu cải tổ chiến thuật, tin dùng cầu thủ trẻ, thổi luồng gió mới, để rồi thành công với lần đầu vượt qua vòng bảng World Cup. Ông Troussier chia sẻ bóng đá Việt Nam và Nhật Bản có sự tương đồng, do đó việc áp dụng cách làm giống nhau là hợp lẽ.
HLV Troussier cần cứng rắn và mềm dẻo tùy lúc với học trò. NGỌC DƯƠNG
Tuy nhiên, triết lý huấn luyện nào cũng có hai mặt. Sự quyết liệt của HLV Troussier có thể thổi bùng ngọn lửa nỗ lực của cả đội. Nhưng duy trì áp lực ở cường độ thế nào cho phù hợp, "mềm nắn rắn buông", tránh sức ép quá lớn trong khoảng thời gian dài khiến cầu thủ mệt mỏi là bài toán HLV Troussier cần tính toán kỹ lưỡng. Phong cách quản quân đầy cứng rắn (thậm chí có lúc đến mức... quân phiệt) đã mang về cho HLV Troussier thành công, nhưng cũng khiến ông chịu không ít vấn đề, như mâu thuẫn với các ngôi sao khi còn huấn luyện CLB Marseille (Pháp), hay đội tuyển Morocco.
Mềm dẻo linh hoạt để phù hợp với đặc tính cầu thủ Việt Nam, nhưng vẫn đảm bảo nguyên tắc, kỷ luật đội tuyển, đó là thượng sách để HLV Troussier đối phó với vấn đề. Ngoài ra, việc xáo trộn đội tuyển Việt Nam và U.23 đòi hỏi nhà cầm quân người Pháp cần rất nhiều thời gian để định hình diện mạo ưng ý. Sự kiên định và tâm thế sẵn sàng đối đầu biến cố là tấm lá chắn để HLV Troussier cùng cộng sự chuẩn bị trước sức ép dồn dập vào cuối năm nay, khi đội tuyển Việt Nam bước vào giải đấu quan trọng nhất mang tên vòng loại thứ hai World Cup 2026.
Theo Hồng Nam/Thanh niên
https://thanhnien.vn/canh-bac-tat-tay-cua-ong-troussier-185230609161101111.htm