Chỉ còn không đầy 24 giờ nữa, ngọn lửa thiêng sẽ bùng cháy tại đài lửa sân vận động Morodok Techo ở thủ đô Phnom Penh, mở màn cho 13 ngày tranh tài đầy sôi động của thể thao Đông Nam Á
Một năm sau kỳ đại hội thể thao khu vực diễn ra tại Việt Nam, SEA Games 32 mang đến sự kỳ vọng về sự phát triển của thể thao Đông Nam Á dù đây mới là lần đầu tiên, sự kiện này được tổ chức tại Campuchia.
Mười một quốc gia đã cử hơn 10.000 VĐV, HLV góp mặt ở 47 môn và phân môn với gần 600 nội dung, số nội dung thi đấu nhiều nhất trong lịch sử một kỳ SEA Games cho dù chủ nhà Campuchia đã loại bỏ khá nhiều môn trong hệ thống thi đấu Olympic.
Đoàn thể thao Việt Nam lên đường dự SEA Games 32 .Ảnh: QUÝ LƯƠNG
702 VĐV cùng thành phần trưởng đoàn, lãnh đội, cán bộ, HLV, lực lượng y tế… tổng cộng lên đến 1.003 người cũng là con số kỷ lục của đoàn thể thao Việt Nam (TTVN) khi tham gia một kỳ SEA Games bên ngoài lãnh thổ quốc gia. Lực lượng hùng hậu, thành phần tinh nhuệ và chỉ tiêu thành tích của đoàn TTVN vẫn được duy trì ở mức cao, cụ thể là trong ba đoàn đứng đầu đại hội. Mục tiêu này thể hiện ý chí của TTVN trong bối cảnh có sự "biến mất" của nhiều môn thế mạnh, sự hiện diện lần đầu của nhiều loại hình thi đấu lạ lẫm với đại bộ phận người hâm mộ như võ gậy (arnis), cờ ốc, võ Kun Khmer, võ Kun Bokator…
Được quan tâm nhiều nhất chắc chắn phải là bóng đá mà cả đội tuyển nữ lẫn tuyển U22 nam quốc gia đều chung mục tiêu bảo vệ thành công tấm HCV giành được và giữ gìn suốt 2 kỳ đại hội vừa qua (với tuyển nữ là 3 ngôi vô địch kể từ SEA Games Malaysia 2017). Nếu bóng đá nữ vẫn giữ được phong độ và sức mạnh của mình đồng thời xem SEA Games 32 là cơ hội rèn quân để chuẩn bị cho vòng chung kết World Cup mùa hè tới thì với tuyển U22 nam, trọng trách giữ "vàng" là bài kiểm tra năng lực của dàn cầu thủ trẻ trong tay HLV Philippe Troussier mà không ít người hâm mộ hoài nghi trước khi đội lên đường sang Campuchia.
Bóng đá, điền kinh, bóng bàn, quần vợt, xe đạp, thể dục dụng cụ, karatedo, cử tạ... là những môn thi mà Việt Nam chiếm ưu thế ở SEA Games 31 và việc tái khẳng định sức mạnh là nhiệm vụ của các tuyển thủ. Bên cạnh đó, các nội dung quan trọng của Vovinam, pencak silat, wushu, billiards… cũng rất cần sự cố gắng của mọi thành viên, ít nhất cũng để bảo đảm chỉ tiêu giành tối thiểu 100 HCV, có tên trong tốp 3 đoàn dẫn đầu đại hội.
SEA Games trong tương lai chắc hẳn sẽ không còn là sân chơi của "vùng trũng thể thao" châu lục khi Hội đồng Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á (SEAGF) đã quyết nâng tầm thể thao Đông Nam Á, hướng đến những đấu trường lớn bằng việc tăng cường các môn thể thao có trong chương trình của Olympic hay ASIAD. Đây cũng là mục tiêu phấn đấu của thể thao Việt Nam suốt nhiều năm qua thay vì chỉ chuyên tâm vào đấu trường khu vực.
Theo Đông Linh/ NLĐ
https://nld.com.vn/the-thao/quyet-tam-chinh-phuc-dinh-cao-sea-games-32-20230503203849461.htm