Giai đoạn 2018 - 2022 là nhiệm kỳ thành công nhất trong lịch sử của VFF. Tuy nhiên trong 4 năm tới, bóng đá Việt Nam được chờ đợi tiếp tục vươn tầm để có thể sớm thực hiện được giấc mơ World Cup.
Hai ghế đã có chủ
8h30 sáng 6/11, Đại hội Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) sẽ diễn ra tại Hà Nội. Đây là kỳ Đại hội rất được chờ đợi khi bóng đá Việt Nam có 4 năm rất thành công vừa qua.
Ông Trần Anh Tú là ứng cử viên duy nhất cho ghế Phó Chủ tịch phụ trách chuyên môn VFF khóa 9 (Ảnh: VFF).
Trước Đại hội khóa 9, ông Trần Quốc Tuấn là ứng viên duy nhất ứng cử chức danh Chủ tịch VFF khóa 9. Tương tự là ông Trần Anh Tú (Chủ tịch VPF) cũng không phải chạy đua với đối thủ nào cho chiếc ghế Phó Chủ tịch phụ trách chuyên môn. Cả hai được Đại hội bỏ phiếu trực tiếp và sẽ chính thức trúng cử khi đạt kết quả trên 50% số phiếu hợp lệ.
Do vị trí Chủ tịch và Phó Chủ tịch chuyên môn gần như đã ngã ngũ nên cuộc đua tại Đại hội VFF khóa 9 chỉ thực sự diễn ra giữa các ứng viên tranh cử ở ghế Phó Chủ tịch truyền thông đối ngoại (ông Cao Văn Chóng, ông Nguyễn Xuân Vũ) và Phó Chủ tịch tài chính - vận động tài trợ (ông Lê Văn Thành, ông Nguyễn Trung Kiên). Bên cạnh đó, từ danh sách 24 ứng viên, 17 người sẽ được Đại hội bầu cho ghế ban chấp hành (BCH).
Ngoài việc bầu các vị trí chủ chốt, Đại hội VFF khóa 9 cũng thông qua những vấn đề quan trọng như số lượng cầu thủ Việt kiều, cầu thủ ngoại ở các giải bóng đá chuyên nghiệp, giải nữ, futsal…
Về kế hoạch tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp năm 2023, theo báo cáo của Công ty VPF, bắt đầu từ mùa giải 2023, AFC thực hiện lộ trình về việc thay đổi thời gian tổ chức hệ thống các giải của AFC. Theo đó, AFC Cup, AFC Champions League bắt đầu vào tháng 8/2023 và kết thúc 5/2024.
Ông Lê Văn Thành là ứng cử viên sáng giá nhất cho ghế Phó Chủ tịch phụ trách tài chính - vận động tài trợ VFF khóa 9 (Ảnh: VFF).
Trên cơ sở định hướng đó, để giúp các CLB Việt Nam có sự đầu tư chuẩn bị cho giải cũng như phù hợp chuyển nhượng quốc tế, các giải chuyên nghiệp quốc gia mùa bóng 2023 cũng sẽ thay đổi phù hợp với hệ thống của AFC, đồng thời cũng sẽ có những tính toán về xếp lịch thi đấu nhằm đảm bảo để các đội tuyển quốc gia thực hiện nhiệm vụ quốc tế.
Thực hiện giấc mơ World Cup
Nhìn lại những gì mà nhiệm kỳ khóa 8 đã làm, mang tới những dấu ấn đặc biệt với bóng đá Việt Nam trên đấu trường quốc tế.
Đáng chú ý, đội tuyển nam quốc gia đã lần đầu tiên lọt vào đến vòng loại thứ ba World Cup 2022, giành cúp vô địch AFF Cup 2018, vào bán kết Asiad 2018, vào tứ kết Asian Cup 2019.
Đội tuyển quốc gia nữ lần đầu tiên giành quyền tham dự vòng chung kết FIFA World Cup 2023, ba lần liên tiếp vô địch SEA Games.
Đội tuyển U23 quốc gia hai lần liên tiếp vô địch SEA Games vào các năm 2019, 2022, trước đó là ngôi Á quân U23 châu Á 2018 tại Thường Châu.
Nhiệm kỳ VFF khóa 9 được kỳ vọng đưa bóng đá Việt Nam lên tầm cao mới giai đoạn 2022-26 (Ảnh: Mạnh Quân).
Đội tuyển futsal nam lần thứ hai giành quyền tham dự vòng chung kết FIFA Futsal World Cup và xuất sắc lọt vào vòng 1/8.
Về mặt tài chính, theo báo cáo tài chính của VFF, tổng nguồn thu của VFF trong nhiệm kỳ 8 là hơn 1000 tỷ đồng. Trong số đó, chỉ tính riêng tiền thu từ hoạt động vận động tài trợ đạt 679,4 tỷ đồng, gấp đôi so với nhiệm kỳ 7 (2014 - 2018).
"Trong giai đoạn 4 năm vừa qua của nhiệm kỳ VFF khóa 8, bóng đá Việt Nam đã đạt được những thành tích rất đáng tự hào ở các cấp độ đội tuyển, trong đó có những thành tích mang tính lịch sử, mở ra cơ hội để chúng ta có thể tiệm cận nhanh hơn với trình độ bóng đá châu lục và thế giới.
Chúng ta cần hiểu rằng đó là cả một chặng đường dài phấn đấu. Từ việc phát triển hệ thống thi đấu quốc gia cho đến đầu tư cho bóng đá trẻ, rồi các chương trình tập huấn dành cho các đội tuyển.
Vì vậy, chúng ta cần trân trọng những đóng góp to lớn trong lịch sử các nhiệm kỳ VFF khi đã tiếp nối thành quả, kế thừa các bài học kinh nghiệm và nỗ lực vun đắp nền tảng cho sự phát triển của bóng đá Việt Nam", Quyền Chủ tịch VFF khóa 8, ông Trần Quốc Tuấn nhấn mạnh.
Trong 4 năm tới, bộ máy lãnh đạo nhiệm kỳ mới cùng BCH VFF khóa 9 sẽ phải đưa ra những quyết sách để nâng chất lượng và hình ảnh các giải chuyên nghiệp, bóng đá nữ, futsal, các giải trẻ, các đội tuyển...
Đặc biệt, World Cup là mục tiêu mà bóng đá Việt Nam đang quyết thực hiện được trong tương lai gần, nhanh nhất là năm 2026 hoặc 2030.
"Bóng đá Việt Nam ngày càng đến gần hơn với việc tiếp cận trình độ của các đội bóng hàng đầu châu lục. Trong chiến lược phát triển, chúng ta định hướng đến năm 2030 nằm trong Top 10 châu Á và phấn đấu đi World Cup", ông Trần Quốc Tuấn tự tin nói.
Theo An An/ Dân trí
https://dantri.com.vn/the-thao/dai-hoi-vff-khoa-9-cho-nhung-ky-tich-moi-cua-bong-da-viet-nam-20221105221403213.htm