V-League 2022 đang đi đến giai đoạn cuối mùa giải với diễn biến quyết liệt và cả những nghi ngờ. Không chỉ một số CLB đột nhiên "cất" các trụ cột không cho ra sân, công tác điều hành của trọng tài cũng để lại thất vọng với người hâm mộ.
Trọng tài Trần Ngọc Nhớ phạm sai lầm khi cho HAGL hưởng phạt đền ở phút 90+4 - Ảnh: ANH HỒNG
Tối 28-10, trọng tài Trần Ngọc Nhớ đã gây tranh cãi kịch liệt xung quanh quyết định cho chủ nhà Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) hưởng quả đá phạt 11m ở phút 90+4 trước Topenland Bình Định trên sân Pleiku.
Trong khi đó, chủ nhà Thanh Hóa cũng bất ngờ vắng đến năm trụ cột trong trận thua 1-2 trước TP.HCM.
Người hâm mộ mất niềm tin
Bắt đầu từ vòng 21 V-League 2022, VFF và VPF đã phối hợp để tiến hành thuê trọng tài ngoại điều khiển những trận đấu "đinh" ở mỗi vòng đấu.
Điều đáng nói là trình độ của trọng tài nước ngoài được đánh giá không quá khác biệt so với trọng tài trong nước. Thế nhưng VPF vẫn phải "cắn răng" chi khoảng 150 triệu đồng mỗi vòng đấu để thuê một tổ trọng tài ngoại với lý do chủ yếu là mang lại "niềm tin".
Sự việc xảy ra trên sân Pleiku vào tối 28-10 đã khiến người hâm mộ một lần nữa đặt dấu hỏi về công tác trọng tài.
Ở phút 90+1, Minh Vương (HAGL) ngã trong vòng cấm của T.Bình Định khiến trọng tài Trần Ngọc Nhớ cho HAGL hưởng quả phạt 11m. Văn Thanh sau đó đã sút phạt thành công, gỡ hòa 1-1 cho chủ nhà HAGL.
Sau trận đấu, khi trả lời phỏng vấn truyền thông, cầu thủ Đỗ Văn Thuận (Bình Định) cho biết chính Minh Vương đã nói cú ngã của anh không phải phạt đền. Tiền đạo Mạc Hồng Quân và nhiều cầu thủ Bình Định cũng đã lên tiếng "mỉa mai" công tác trọng tài của trận đấu.
Trên trang Facebook cá nhân, Minh Vương phủ nhận việc anh thông tin với trọng tài về sự việc và cho rằng mình bị phạm lỗi. Một thành viên hội đồng quản trị Công ty VPF nói: "Tình huống cho HAGL hưởng quả 11m của trọng tài Trần Ngọc Nhớ là "không thể chấp nhận" được, sai sót nghiêm trọng".
Ở những vòng đấu gần đây, thái độ thi đấu của một số CLB cũng khiến người hâm mộ ngán ngẩm. Như vòng 21 vừa qua, CĐV Sông Lam Nghệ An đã phản ứng gay gắt và quay lưng với đội nhà vì màn trình diễn tệ hại trước CLB TP.HCM trong trận hòa 2-2.
Sông Lam Nghệ An đã không cho ngoại binh ra sân ở hiệp 1 và tung vào sân rất nhiều cầu thủ trẻ vì lý do đã hết cơ hội vào top 3 V-League.
Cải tổ công tác trọng tài, mạnh tay với tiêu cực
Nguyên nhân quan trọng khiến công tác trọng tài của bóng đá Việt Nam thường bị nghi ngờ tiêu cực đến từ việc đào tạo yếu kém của VFF và Ban trọng tài.
FIFA phân bổ cho VFF 6 trọng tài và 8 trợ lý trọng tài nam, nhưng đến thời điểm này bóng đá Việt Nam chỉ có 3 trọng tài FIFA là các ông Ngô Duy Lân, Hoàng Ngọc Hà, Nguyễn Mạnh Hải, trong đó duy nhất ông Lân đạt đẳng cấp Elite. Số trọng tài FIFA của Việt Nam tương đương với Lào, Campuchia.
Kế đến chính là việc án phạt dành cho những sai sót của trọng tài hiện được đánh giá quá nhẹ.
Nhiều trọng tài để xảy ra những sai sót cực kỳ nghiêm trọng, vừa bị ban tổ chức giải tuyên bố không mời làm nhiệm vụ suốt đời nhưng chỉ 1-2 năm sau lại "sống dậy" và bắt chính tại V-League. Nhiều trọng tài để xảy ra những sai sót nghiêm trọng nhưng chỉ bị "treo còi" 1-2 trận lại làm việc tiếp.
Điển hình là trọng tài Trương Hồng Vũ - người từng là cái tên đi vào lịch sử bóng đá Việt Nam khi "bẻ còi" ngoạn mục trong trận đấu Viettel - B.Bình Dương trên sân Hàng Đẫy vào ngày 20-9-2019.
Ông Vũ trong trận này đã công nhận nhưng sau đó lại hủy quyết định công nhận bàn thắng gỡ hòa 2-2 của Bình Dương ở phút 90+1. Sau sai sót nghiêm trọng này, VPF tuyên bố không bao giờ mời ông Vũ làm nhiệm vụ tại giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, nhưng tại V-League 2022 lại thấy ông Vũ liên tục điều khiển các trận đấu.
Đại hội VFF khóa 9 sẽ diễn ra vào ngày 6-11 tới. Hy vọng đội ngũ lãnh đạo VFF mới đủ bản lĩnh, mạnh mẽ để cải tổ triệt để công tác trọng tài.
Giám sát trọng tài cũng yếu kém
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 29-10, một trọng tài nổi tiếng tại V-League nói: "Tiền thù lao ra sân của trọng tài chính là 8 triệu đồng/trận, trọng tài thứ tư và hai trợ lý là 5 triệu đồng/trận, chi phí ăn ở và di chuyển do ban tổ chức lo hết.
Trọng tài không phải có thu nhập thấp đến mức phải tiêu cực. Sai sót của trọng tài thường do bản lĩnh yếu, yếu chuyên môn. Đồng hành với sai sót của trọng tài là sự yếu kém của các giám sát trọng tài. Khi trọng tài sai sót, VFF không có hình phạt thích đáng thì những người khác sẽ không... sợ".
Trọng tài Trần Ngọc Nhớ đã sai
Trao đổi với Tuổi Trẻ vào cuối giờ chiều ngày 29-10, trưởng ban trọng tài quốc gia - ông Dương Văn Hiền - thừa nhận rằng trọng tài Trần Ngọc Nhớ đã phạm sai lầm trong lỗi nhận định, từ đó cho HAGL hưởng quả phạt đền vào phút 90+4 trận gặp T.Bình Định (hòa 1-1, vòng 22 V-League 2022) trên sân PLeiku vào hôm 28-10.
Ông Hiền cho biết thêm: "Kết luận này được đưa ra sau khi chúng tôi tham khảo báo cáo của trọng tài và giám sát trọng tài, rồi xem lại băng ghi hình kỹ thuật trận đấu. Trong tình huống nói trên, trọng tài Nhớ có cự ly gần nhưng lại không có góc nhìn thuận lợi do có phần bị che khuất khi ba cầu thủ của hai đội lao vào để tranh chấp.
Đúng là cầu thủ T.Bình Định có ra chân truy cản nhưng không trúng vào người Minh Vương (HAGL). Trong pha bóng nói trên, Minh Vương bị vấp ngã chứ không cố tình ngã để đánh lừa trọng tài nhằm được hưởng phạt đền.
Trọng tài thổi quả phạt đền này là sai. Nhưng quả phạt đền ở đầu hiệp 1 mà HAGL được hưởng là hoàn toàn chính xác. Trọng tài Nhớ sẽ chịu kỷ luật nội bộ bởi sai lầm này".
Trong một diễn biến khác mà Tuổi Trẻ có được sau sự cố trên sân Pleiku vào tối 28-10, ngoài việc phải nhận thẻ đỏ do có hành vi và lời lẽ xúc phạm trọng tài thì HLV Nguyễn Đức Thắng nhiều khả năng phải chịu sự chế tài từ Ban kỷ luật thuộc Liên đoàn Bóng đá Việt Nam do có những phát ngôn thiếu chuẩn mực, chỉ trích trọng tài trong cuộc họp báo sau trận đấu. (SĨ HUYÊN)
Theo Khương Xuân/ Tuổi Trẻ
https://tuoitre.vn/giai-doan-cuoi-v-league-2022-them-nhung-nghi-ngo-sau-moi-vong-dau-20221030085749797.htm