Indonesia được biết đến là đất nước cuồng nhiệt bóng đá. Tuy nhiên, sự cuồng nhiệt ấy đã nhiều lần vượt qua giới hạn dẫn tới tình trạng bạo lực liên miên trên sân bóng ở xứ Vạn đảo.
Trang Wikipedia có bài viết khá dài về "Football hooliganism" (tạm dịch: Chủ nghĩa côn đồ bóng đá"). Có thể hiểu nôm na chủ nghĩa côn đồ bóng đá ám chỉ những kẻ quá khích, có hành vi phá hoại các sự kiện, trận đấu bóng đá. Ở góc độ nào đó, chủ nghĩa này được sinh ra với sự hoạt động của những băng đảng hoặc những nhóm cuồng tín đối địch nhau.
Lần đầu tiên, cụm từ này được sử dụng vào năm 1846 để nói về xung đột trong trận đấu ở Derby (Anh) và được báo giới Anh sử dụng rộng rãi trong những năm 1880. Sau này, địa danh "derby" được dùng để nói về trận đấu của những kẻ không đội trời chung.
Sự cuồng tín luôn đi kèm với chủ nghĩa côn đồ bóng đá. Nó tồn tại và trở thành "ung nhọt" của làng túc cầu trong hơn thế kỷ trôi qua. Cần nhấn mạnh rằng, chủ nghĩa này không bao giờ có thể bị dập tắt, trừ khi người ta… hết yêu mến trái bóng tròn.
Cũng trong bài viết của Wikipedia, Indonesia đã được "điểm danh" là một trong những điểm nóng về sự cuồng tín và bạo lực bóng đá. Không ở nơi đâu, bóng đá được hâm mộ tới vậy và cũng hiếm có nơi nào, người hâm mộ sẵn sàng lao vào mọi cuộc chiến khác, chứ không chỉ đơn thuần trên sân cỏ.
Nhật báo Guardian (Anh) từng thừa nhận: "Tình yêu bóng đá của Indonesia lớn nhất châu Á nhưng cùng với thứ tình yêu ấy là danh sách dài những bi kịch". Tới tận thời điểm này, những giọt nước mắt trên xứ Vạn đảo vẫn chưa được lau khô sau thảm kịch ở sân Kanjuruhan. 131 người đã thiệt mạng trong vụ giẫm đạp kinh hoàng, cùng với đó là hơn 300 người bị thương.
Bên ngoài sân Kanjuruhan, những ánh nến cầu nguyện chưa tắt. Rất nhiều bó hoa, cùng hàng vạn thông điệp đã được gửi tới những nạn nhân xấu số. Một trận đấu bóng đá đã khép lại sau 90 phút nhưng dư âm của nó thì rất khó để phai mờ. Hàng chục năm sau này, người ta vẫn nhắc lại thảm họa ở Kanjuruhan như tấn bi kịch lớn với bóng đá Indonesia.
Nhưng đây không phải là lần đầu tiên trái tim của những người Indonesia "rỉ máu". Hai năm trước, cả đất nước đã cầu nguyện cho cổ động viên 17 tuổi của CLB Persib có tên Muhammad Rovi Arrahman đã qua đời sau vụ bạo loạn của những kẻ quá khích ủng hộ Persija Jakarta. Trước đó, vào năm 2018, giải vô địch quốc gia Indonesia từng phải tạm dừng vì sự qua đời của cổ động viên trẻ tuổi của Persija Jakarta có tên Haringga Sirila (cũng bị nhóm cổ động viên Persib tấn công).
Người ta ước tính rằng, kể từ năm 1994 đến 2018, có tới 74 trường hợp đã thiệt mạng trong các vụ bạo loạn sân cỏ tại Indonesia. Thế nhưng, những đau thương vẫn nối tiếp đau thương. Và khi sự thù địch của những CLB như Persija Jakarta - Persib, Arema FC - Persebaya Surabaya ngày càng được đẩy lên tới đỉnh điểm, những vụ bạo loạn chưa chắc dừng lại.
Vấn đề ở chỗ, nó kéo theo nhiều hệ lụy với cả những người hâm mộ chân chính. Không ít trẻ em, phụ nữ đã trở thành nạn nhân xấu số trong vụ bạo loạn ở Kanjuruhan vừa qua.
Không chỉ ở cấp độ CLB, tình trạng bạo lực còn tới ở cấp độ đội tuyển quốc gia. Hiếm ở quốc gia nào, đội khách phải di chuyển tới sân bằng… xe bọc thép. Năm 2019, Malaysia đã cần một chiếc như vậy khi tới đây thi đấu ở vòng loại World Cup 2022 (giải đấu ở cấp độ FIFA). Cũng trong trận đấu đó, Bộ trưởng Bộ thể thao của Malaysia đã phải sơ tán khỏi sân vận động sau sự kích động của kẻ quá khích Indonesia.
Chẳng nói đâu xa, ngay ở giải U19 Đông Nam Á vừa qua, U19 Việt Nam đã hứng chịu cơn thịnh nộ của người hâm mộ Indonesia (sau khi U19 Indonesia bị loại tức tưởi). Họ chặn xe bus và liên tục giơ biểu ngữ đe dọa. Tới mức, thầy trò HLV Đinh Thế Nam đã yêu cầu được bảo vệ nghiêm ngặt trong thời gian diễn ra giải đấu.
"Tôi muốn các bạn mạnh mẽ về cả tinh thần lẫn thể chất. Chúng ta không mong đợi những kẻ yếu đuối chiến đấu". Thông điệp trên được phát đi bằng loa trên đường phố bởi một đám đông mặc áo màu cam. Thoạt nhìn, nhiều người có thể lầm tưởng rằng đây là buổi huấn luyện của lực lượng dân quân hay đội quân nào đó.
Nhưng không! Đó là nhóm cổ động viên của CLB Persija Jakarta diễu hành trên đường để "phô trương thanh thế". Chứng kiến cảnh tượng ấy, phóng viên David Lipson của tờ ABC (Australia) không khỏi rùng mình. Ông thừa nhận cứ ngỡ như đang tham gia buổi huấn luyện quân sự, chứ không đơn thuần xem bóng đá.
Cuối cùng, sau khi trải nghiệm không khí bóng đá ở Indonesia, David Lipson đúc kết lại: "Đó là một trong những giải đấu bóng đá chết chóc nhất trên thế giới".
Irlan Alarancia là kẻ chỉ huy của những cuộc diễu hành như vậy. Anh chàng luôn xuất hiện với dáng vẻ hiên ngang, đầu đội chiếc mũ đen và đôi mắt hằm hằm sát khí. Phóng viên David Lipson nhấn mạnh: "Có quá nhiều đội quân cuồng tín như vậy xuất hiện ở Indonesia. Thông thường, chỉ có những cổ động viên chủ nhà mới được phép đứng gần sân vận động".
Ở Indonesia, có một cụm từ nổi tiếng để nói về vấn đề cổ vũ bóng đá là "Sampai mati". Dịch nôm na cụm từ này có nghĩa là "yêu cho đến chết". Chỉ một chi tiết đó thôi cũng đủ hiểu mức độ cuồng tín bóng đá ở xứ Vạn đảo.
Irlan Alarancia có một vết sẹo dài trên mặt và mất một răng cửa. Đó được xem là "chiến tích" mà anh chàng này rất tự hào. Chia sẻ với phóng viên nước ngoài, Irlan Alarancia nở nụ cười toe toét: "Mọi người đàn ông đều thích chiến đấu. Từ khi còn học trung học, tôi đã thích chiến đấu. Sau đó, tôi gia nhập Jakmania (nhóm cổ động viên của Persija Jakarta), tôi hiểu được sự thù địch với Persib. Chúng tôi luôn chiến đấu mỗi khi gặp bọn họ".
Sự thù địch của Persija Jakarta và Persib đã kéo dài hàng thập kỷ. Lứa của Irlan Alarancia chỉ tiếp nối "truyền thống" của nhiều thế hệ đi trước. Nhưng vấn đề ở chỗ, một kẻ "thích chiến đấu" như Irlan Alarancia cũng bắt đầu ngán khi tình trạng bạo lực ngày càng leo thang: "Chúng tôi đang cố gắng làm dịu đi tình hình. Mọi thứ ngày càng trở nên nguy hiểm hơn. Sự kình địch đã vượt xa ranh giới".
Câu chuyện về cái chết của Haringga Sirila (cổ động viên Persib) vào năm 2018 từng khiến làng bóng đá Indonesia rung chuyển. Chỉ một tuần sau khi nhận thẻ thành viên Jakmania, cổ động viên 23 tuổi này đã bị một nhóm quá khích của Persib tấn công trên đường. Mặc cho Haringga Sirila la hét, bỏ chạy và cầu cứu, đám đông hung hãn tấn công bằng nhiều vật dụng khác nhau.
Chuẩn tướng Dedi Prasetyo chia sẻ: "Nạn nhân đã bị truy đuổi, cầu cứu những người bán hàng gần đó nhưng vẫn bị đám đông hung hãn tấn công bằng gậy, chai lọ và nhiều vật dụng khác". Sau đó, 13 kẻ đã bị bắt, trong đó có một người 40 tuổi và 7 trẻ vị thành niên. Dù tất cả đã phải trả giá vì tội ác của mình nhưng không thể xoa dịu mất mát quá lớn của gia đình Haringga Sirila.
"Tại sao chúng lại giết chết Ari? Nó là cậu bé ngoan nhưng lại bị đánh chết chỉ vì xem một trận bóng. Nó không muốn tìm kiếm rắc rối mà chỉ thích xem bóng đá. Mọi người nói với tôi nó bị đâm, gãy cổ, gãy mũi. Làm sao để tôi ngừng nghĩ về những chuyện đó mỗi ngày" - mẹ của Haringga Sirila khóc nấc nghĩ về cậu con trai.
Nhà báo thể thao Akmal Marhali từng nhấn mạnh: "Bóng đá ở Indonesia đưa người ta tới gần nghĩa địa hơn là để giải trí". Ông cho rằng sự thù địch sẽ không bao giờ chấm dứt bởi lối suy nghĩ "ăn miếng trả miếng" của những kẻ quá khích.
"Đa phần sự trả thù đều xuất phát từ sự kiện xuất phát từ lâu. Khi Persib tới sân của Persija Jakarta, một ai đó đã thiệt mạng. Rồi Persija Jakarta lại ghi nhớ mối thù này để tiếp đón Persib. Đây là truyền thống rất xấu trong làng bóng đá Indonesia", nhà báo Akmal Marhali chia sẻ.
Sau cái chết của Haringga Sirila, quyền Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Indonesia (PSSI) khi ấy, Joko Driyono đã nhấn mạnh rằng sẽ mạnh tay trấn áp trạng bạo lực sân cỏ. "Chúng tôi rất tiếc vì điều đó. Chẳng ai mong đợi cả. Tôi hy vọng đây là trường hợp cuối cùng. Chúng tôi sẽ mạnh tay trấn áp tình trạng bạo lực nhưng không phải một sớm một chiều", ông Joko Driyono chia sẻ.
Mặc dù vậy, ai cũng hiểu, đó không phải là trường hợp cuối cùng. Thậm chí, vụ bạo loạn ở sân Kanjuruhan mới đây còn lớn chưa từng có trong lịch sử bóng đá Indonesia.
Có chi tiết đáng chú ý, có không ít nhóm mafia đứng sau hoạt động của những nhóm cổ động viên hai đội bóng. Chính điều đó tiềm ẩn nguy cơ "vỡ sân" bất kỳ lúc nào. Bởi khi mà "mồi lửa" được kích hoạt, nhiều cái đầu nóng sẵn sàng tư thế chiến đấu.
Đơn cử như trận đấu giao hữu giữa Persija Jakarta và Bali United. Cuộc bạo loạn diễn ra không hẳn vì sự thù địch. "Mồi lửa" xuất hiện khi tin đồn Ban lãnh đạo của Bali United đã chủ động móc nối để dàn xếp tỷ số. Tin đồn này đã lan truyền với tốc độ cháy rừng. Đám đông hung hãn của Bali United liên tục ném pháo sáng xuống sân và chửi rủa Ban lãnh đạo đội nhà. Lực lượng chống bạo động của cảnh sát quá ít ỏi để ngăn chặn tình hình.
Thực tế, dù rất nhiều lần hô vang "quyết tâm" chống bạo động sân cỏ nhưng PSSI vẫn còn khá yếu và chủ quan trong khâu quản lý. Có thể lấy ví dụ ngay từ vụ bạo loạn ở sân Kanjuruhan vừa qua. Ban đầu, phía cảnh sát đã kêu gọi đẩy trận đấu lên thi đấu sớm (15h30) vì nguy cơ bạo động trong trận đấu của hai CLB thù địch là Arema FC và Persebaya Surabaya.
Dù vậy, Ban tổ chức vẫn quyết định giữ nguyên giờ thi đấu cũ (20h00) vì yên tâm sau khi cổ động viên Persebaya Surabaya bị cấm vào sân. Sự chủ quan còn được thể hiện ngay ở khâu kiểm soát. Cảnh sát đã tìm thấy 42 chai rượu trên sân. Cần nói thêm, việc kiểm soát mang đồ uống có cồn như rượu, bia luôn được thực hiện nghiêm ngặt ở bất kỳ sân vận động nào trên thế giới.
Bên cạnh đó, đội ngũ cảnh sát ở Indonesia dường như chưa có kinh nghiệm trong việc chống bạo động sân cỏ. Họ đã bắn hơi cay để giải tán đám đông trong không gian kín (không có lối thoát) như sân vận động. Điều đó đã vi phạm luật của FIFA. Việc bắn hơi cay khiến cho tình trạng hỗn loạn càng trở nên nghiêm trọng hơn. Những người hâm mộ hoảng loạn giẫm đạp lên nhau trong lúc tháo chạy.
Theo kết luận của Chủ tịch Ủy ban Kỷ luật của PSSI, Erwin Tobing, ở thời điểm đó, nhiều cửa ở sân vận động đều bị đóng. Ông chia sẻ: "Cổng số 13 đóng, cổng 11 và 12 chỉ mở hé. Sau đó là cửa lớn D cũng bị đóng. Nếu họ mở cửa sân thì có nhiều người đã có thể thoát thân. Đó mới là vấn đề".
Theo quy định của FIFA, tất cả các cửa ở sân vận động đều phải mở trước thời điểm trận đấu kết thúc 10 phút. Để lý giải cho điều này, Ban tổ chức sân khẳng định không thể mở tất cả cửa vì... thiếu người.
Sau thảm kịch ở Kanjuruhan, PSSI may mắn thoát án phạt nặng từ FIFA. Không phải tới thảm kịch vừa qua, người ta mới nhận ra nhiều điểm bất cập trong khâu quản lý của cơ quan quyền lực cao nhất bóng đá Indonesia. Để loại bỏ tình trạng bạo lực sân cỏ không phải là điều dễ dàng nhưng PSSI cần phải đề phòng và có giải pháp hạn chế tối đa tình trạng này.
Đừng để niềm đam mê bóng đá trở thành con đường xuống nghĩa địa. Không thể cứ sau mỗi thảm họa, PSSI lại "rút kinh nghiệm". Nếu vậy, bóng đá Indonesia sẽ ngày càng có nhiều hơn lời kêu cứu từ những người hâm mộ chân chính. Chính điều này kìm hãm, khiến bóng đá Indonesia không thể phát triển.
Theo Dân trí
https://dantri.com.vn/the-thao/bong-da-o-indonesia-dua-nguoi-ta-toi-gan-nghia-dia-hon-la-de-giai-tri-20221008225211067.htm